Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh thảo luận về dự án Luật Công đoàn sửa đổi
Sáng nay 8/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Tham gia phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hồ Thị Minh, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị tán thành việc sửa đổi Luật Công đoàn là cần thiết vì sau nhiều năm thực hiện, Luật Công đoàn hiện hành bộc lộ một số bất cập, hạn chế trước yêu cầu của tình hình mới, phạm vi điều chỉnh còn hẹp so với sự phát triển nhanh, đa dạng của lực lượng lao động và yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động công đoàn.
Về quy định Công đoàn Việt Nam, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, bổ sung quyền “phản biện xã hội” của Tổ chức Công đoàn tại dự thảo Luật này để phù hợp với quy định tại Điều 4, Quyết định số 217/QĐ-TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội.
Về quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn, đại biểu tán thành phương án 1 và cho rằng phương án này đảm bảo được nguyên tắc tự nguyện và dân chủ trong hoạt động công đoàn; đã quy định đối tượng được kết nạp vào công đoàn Việt Nam mở rộng hơn so với phương án 2 bao gồm: “người lao động không có quan hệ lao động” và “người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam”.
Theo đại biểu, trong thực tế có một lực lượng rất lớn lao động làm việc tự do, lao động phi chính thức không có hợp đồng lao động, không có quan hệ lao động nhưng có nhu cầu, mong muốn và tự nguyện gia nhập tổ chức công đoàn.
Cùng với xu hướng hội nhập quốc tế, số lượng người lao động nước ngoài làm việc trên lãnh thổ Việt Nam ngày càng tăng, họ có nhu cầu được chăm lo, bảo vệ như bao lao động khác, đồng thời cũng cần được tham gia các hoạt động phong trào, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao do công đoàn tổ chức để nâng cao đời sống vật chất tinh thần, tạo sự gắn kết chia sẻ, hòa đồng...
Vì vậy, không nên loại trừ họ trong các hoạt động chung của đoàn thể, sẽ tạo ra sự bất bình đẳng. Nếu họ có nhu cầu và nguyện vọng, việc kết nạp họ vào tổ chức công đoàn sẽ củng cố tăng cường, mở rộng lực lượng để xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Cũng thông qua tổ chức công đoàn mà công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho người lao động nước ngoài sẽ thuận lợi và thiết thực hơn.
Về bảo đảm quyền lợi cho cán bộ công đoàn, đại biểu lo ngại việc quy định ban chấp hành công đoàn cơ sở là đối tượng bảo vệ quyền lợi của cán bộ công đoàn không chuyên trách trong trường hợp họ bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, sa thải buộc thôi việc hoặc thuyên chuyển công tác... vì cán bộ công đoàn cơ sở là người lao động do người sử dụng lao động tuyển dụng, trả lương, xếp việc, bị phụ thuộc nên họ thường thuận theo ý kiến của người lãnh đạo quản lý mình, rất khó để thẳng thắn bày tỏ quan điểm trái chiều.
Vì vậy, đại biểu đề nghị loại bỏ đối tượng ban chấp hành công đoàn cơ sở và thay bằng đối tượng ban chấp hành công đoàn cấp trên.
Vì vậy, dự thảo cần điều chỉnh theo hướng những vấn đề liên quan đến nhân sự của ban chấp hành công đoàn cơ sở cần có sự thỏa thuận và ý kiến của công đoàn cấp trên. Và đây là tổ chức độc lập, không phụ thuộc vào người sử dụng lao động nên ý kiến của họ sẽ khách quan, toàn diện hơn.
Về tài chính công đoàn, ý kiến đại biểu đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, nên quy định kinh phí công đoàn của tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng góp theo tự nguyện, đại biểu lý giải rằng: Quy định mức đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp Nhà nước là phù hợp.
Tuy nhiên, đối với tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước nên sử dụng đóng góp theo tự nguyện, nếu bắt buộc thì nhiều tổ chức, doanh nghiệp hoặc không thành lập hoặc không tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp hoạt động; Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam thống nhất quy định mức trần.
Mặt khác, nhằm đảm bảo tính thống nhất với quy định tại khoản 1, Điều 6 dự thảo Luật này quy định về tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp gia nhập Công đoàn Việt Nam trên nguyên tắc tự nguyện.