Đại biểu Quốc hội: Đổi mới sáng tạo trước hết từ cơ chế, chính sách
'Các kế hoạch khi được trình, nếu chiếu theo pháp luật rồi nói là kế hoạch hay đấy nhưng không được duyệt thì cán bộ không còn động lực để sáng tạo đổi mới, mà sẽ tiếp tục đi theo lối mòn, thậm chí xơ cứng, vô cảm', đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường phát biểu.
Phát biểu tại hội trường chiều 16/1 về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn TP Hà Nội) cho biết, Quốc hội đã quyết định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù cho các tỉnh, thành, chương trình, dự án.
Điểm chung của cơ chế, chính sách đặc thù là cho phép thực hiện khác với quy định hiện hành của pháp luật, giúp việc thực hiện nhanh hơn, có thể bỏ qua một số khâu không cần thiết hoặc quy định không phù hợp với địa phương. Theo ông, cách làm này đều mang lại kết quả tốt, hiệu quả đạt được nhanh hơn. “Chưa thấy cơ chế đặc thù nào gây hậu quả xấu. Khi chúng tôi đi giám sát đường Vành đai 4, cán bộ nói cảm ơn Quốc hội đã ban hành cơ chế đặc thù giúp cởi trói vướng mắc, dự án mới nhanh như thế", đại biểu dẫn chứng.
Theo ông Cường, pháp luật được ban hành hôm nay, với lĩnh vực này rất phù hợp nhưng chưa chắc phù hợp ngày mai hay với lĩnh vực khác, nhất là trong bối cảnh 4.0 nảy sinh rất nhiều quan hệ, hành vi mới. Do đó, việc dự báo còn phải thông qua nhiều cơ chế đặc thù để tháo gỡ khó khăn trong tương lai là có cơ sở, là điểm cần chú ý. Tuy nhiên, ông đặt vấn đề nên ngồi chờ địa phương, lĩnh vực thấy vướng mắc rồi xin xem xét cơ chế, chính sách đặc thù hay nên chủ động đưa ra cơ chế, phương thức nào đó chủ động khắc phục.
Bộ Chính trị có Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung và Chính phủ cũng có Nghị định số 73/2023/NĐ-CP về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.
Song theo đại biểu Hoàng Văn Cường, tính khả thi của nghị định có lẽ không cao. Bởi lẽ cán bộ năng động, sáng tạo xây dựng kế hoạch mới, trình cơ quan thẩm quyền xem xét phê duyệt nhưng lại phải tuân thủ quy định pháp luật. "Các kế hoạch khi được trình, nếu chiếu theo pháp luật rồi nói là kế hoạch hay đấy nhưng không được duyệt thì cán bộ không còn động lực để năng động, sáng tạo, đổi mới mà sẽ tiếp tục đi theo lối mòn, thậm chí xơ cứng, vô cảm", ông Cường nói.
Đại biểu đề xuất cần nghiên cứu để Quốc hội có nghị quyết riêng hoặc lồng vào nghị quyết chung của kỳ họp việc cho phép vận dụng quy định của pháp luật, lựa chọn kế hoạch, phương thức phù hợp nhất với điều kiện thực thi công việc nhằm mang lại kết quả tốt nhất.
Ông Cường cũng cho rằng, trước khi thực hiện phải xây dựng kế hoạch, phương thức phù hợp với thực tế, trình cơ quan cấp trên. Nếu xét thấy cách làm đúng thì có thể chưa thực sự phù hợp với quy định nhưng vẫn phê duyệt, đi kèm với đó là kiểm tra, giám sát thực hiện theo đúng kế hoạch, phương thức đề ra.
"Nếu làm thế thì quá trình thực thi dù không hoàn toàn đúng quy định nhưng đúng thực tế. Và cũng không thể lồng vào mục đích cá nhân vì công khai, minh bạch ngay từ đầu. Qua đó khuyến khích cán bộ nghĩ ra cách làm mới, đổi mới sáng tạo", ông Cường nói.
Đại biểu nhấn mạnh, đất nước muốn phát triển đột phá cần đổi mới sáng tạo mà muốn thế phải đổi mới, sáng tạo trước hết từ cơ chế, chính sách.