Đại biểu Quốc hội đề xuất giữ 2% kinh phí công đoàn
Sáng 18-6, tiếp tục chương trình làm việc kỳ họp thứ bảy, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở hội trường về Luật Công đoàn (sửa đổi).
Không phải gánh nặng với doanh nghiệp
Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, quyền, trách nhiệm của công đoàn trong dự thảo Luật quy định tương đối đầy đủ, nhưng quan trọng hơn ở đây là cần cho công đoàn một cơ chế để thực thi được các quyền và trách nhiệm đó. Cán bộ công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động.
“Cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để công đoàn độc lập hơn với người sử dụng lao động. Trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ công đoàn hữu hiệu”, đại biểu kiến nghị.
Về tài chính, đại biểu nhất trí quy định “kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”. Đây là điều kiện tiên quyết để công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức và hoạt động tại cơ sở. Tuy nhiên, đại biểu đề xuất nên giao Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn, giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả, đồng thời khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn.
Cùng tán thành quy định về nguồn tài chính công đoàn, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cho rằng, đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế. Ngoài ra, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như Khoản 2 Điều 30 dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, việc luật hóa và duy trì nguồn thu kinh phí công đoàn 2% thể hiện sự ưu việt. Kinh phí công đoàn được sử dụng tại công đoàn cơ sở chủ yếu để trực tiếp chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Theo một số kết quả nghiên cứu, kinh phí công đoàn chiếm tỷ trọng nhỏ trong chi phí của doanh nghiệp. Khảo sát thực tế tại nhiều doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam cho thấy, rất ít có kiến nghị liên quan đến kinh phí công đoàn 2%. Do đó, vấn đề kinh phí công đoàn không phải là gánh nặng cho doanh nghiệp.
Nhiều ý kiến đại biểu phát biểu sau đó cũng thể hiện sự đồng tình giữ 2% kinh phí công đoàn
Đánh giá kỹ tác động người nước ngoài tham gia công đoàn
Về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của người nước ngoài, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) lựa chọnphương án 1 của dự thảo Luật, cho phép người lao động là công dân nước ngoài làm việc trong các đơn vị sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam, làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên, có quyền gia nhập công đoàn và hoạt động công đoàn tại cơ sở.
Theo đại biểu, quy định như vậy tạo sự bình đẳng giữa lao động Việt Nam và lao động nước ngoài tại Việt Nam, có tác động tâm lý tích cực trong việc thu hút lao động nước ngoài chất lượng cao đến làm việc tại Việt Nam, tăng uy tín của Việt Nam trong việc bảo đảm sự công bằng giữa lao động trong và ngoài nước.
Ở nội dung này, cũng thống nhất chọn phương án 1, tuy nhiên, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về quyền gia nhập công đoàn Việt Nam đối với lao động là người nước ngoài do một số nguyên nhân, như: Thời hạn của giấy phép lao động cho người nước ngoài không lâu đối với trường hợp giấy phép lao động, chứng chỉ hành nghề, giấy phép hành nghề hết hiệu lực mà không được gia hạn; rào cản về ngôn ngữ gây khó khăn trong giao tiếp, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cũng như bảo vệ quyền lợi người lao động; giải quyết quyền lợi của người lao động nước ngoài gia nhập Công đoàn Việt Nam khi chấm dứt hợp đồng lao động và không còn cư trú tại Việt Nam.
Đồng tình với nhận định của một số đại biểu về việc gia nhập công đoàn của người nước ngoài là vấn đề phức tạp, có thể tác động đến an ninh trật tự, trong phát biểu giải trình cuối phiên thảo luận, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang nêu, cơ quan chủ trì soạn thảo đã xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trong quá trình xây dựng dự án Luật, Tổng Liên đoàn Việt Nam đã tiếp thu ý kiến các cơ quan có liên quan, phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiến hành đánh giá tác động về an ninh chính trị và đã có báo cáo riêng với các đại biểu Quốc hội.
Về vấn đề kinh phí công đoàn nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu với đa phần ý kiến ủng hộ tiếp tục duy trì nguồn thu 2% tạo nguồn lực chăm lo đời sống người lao động trực tiếp tại cơ sở, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, sau khi Luật Công đoàn năm 2012 có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 191/2013/NĐ-CP quy định chi tiết về tài chính công đoàn với danh mục các khoản chi. Tổng Liên đoàn Lao động đã thực hiện đúng các quy định về dự toán, tính toán giống như các cơ quan trung ương khác.
Việc công khai tài chính cũng thực hiện theo đúng các quy định pháp luật hiện hành. Tài chính công đoàn được Kiểm toán Nhà nước định kỳ kiểm tra hai năm một lần trên cơ sở kế hoạch đã thông qua và kết quả được tổng hợp chung báo cáo của Kiểm toán Nhà nước.
Đối với những vấn đề khác mà các đại biểu nêu liên quan đến kỹ thuật lập pháp, sự đồng bộ hệ thống pháp luật, một số thông tin, số liệu, thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang ghi nhận và sẽ phối hợp với các cơ quan thẩm tra, các cơ quan có liên quan tiếp thu nghiêm túc, thấu đáo, đầy đủ trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.