Đại biểu Quốc hội đề nghị ưu đãi thuế cho quỹ đầu tư chứng khoán
Đại biểu đề nghị ưu đãi thuế cho các quỹ đầu tư chứng khoán để tăng nhà đầu tư tổ chức theo định hướng tại Chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán đến năm 203 của Thủ tướng Chính phủ.
Đề nghị không thu thuế thu nhập doanh nghiệp với quỹ đầu tư chứng khoán
Tham gia thảo luận tại hội trường sáng 28/11 về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Hải Nam (đoàn Thừa Thiên Huế) nêu vấn đề, theo Đề án Chiến lược về phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 của Thủ tướng, có nội dung là thị trường chứng khoán muốn phát triển bền vững thì phải khuyến khích phát triển các nhà đầu tư tổ chức để giảm nhà đầu tư cá nhân.
Nhà đầu tư tổ chức trong đó có đối tượng là quỹ đầu tư chứng khoán. Hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán có 2 đặc điểm: thứ nhất là chuyên nghiệp hơn, thứ hai là mang lại tính ổn định cho thị trường hơn (do hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán được kiểm soát, giám sát chặt chẽ bởi các công ty kiểm toán, các ngân hàng lưu ký, ban kiểm soát nội bộ, ban kiểm toán nội bộ...)
Do vậy, theo đại biểu, cần có sự khuyến khích của nhà nước, bao gồm ưu đãi về thuế.
Cách đây 20 năm (năm 2004), Bộ Tài chính đã có Thông tư 100 hướng dẫn Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó quy định quỹ đầu tư chứng khoán không thuộc đối tượng chịu thuế. Tuy nhiên, hiện Thông tư 100/2004 của Bộ Tài chính đã hết hiệu lực.
Trong lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp này, các hiệp hội và Ủy ban Chứng khoán có đề nghị bổ sung thêm điều khoản trong Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp về việc tiếp tục hiệu lực của Thông tư 100.
Theo đại biểu, việc ưu đãi thuế sẽ giúp ngành quản lý quỹ tiếp tục phát triển, giống như các thông lệ của quốc tế là có ưu đãi thuế cho ngành quản lý quỹ và đồng thời để thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam để phục vụ phát triển kinh tế.
Đề nghị điều chỉnh mức thuế suất thu nhập doanh nghiệp phổ thông
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (đoàn TP. Hồ Chí Minh) nêu, tại Điều 10 dự thảo Luật vẫn giữ nguyên mức thuế suất doanh nghiệp phổ thông là 20%; đồng thời bổ sung nội dung riêng đối với doanh nghiệp có tổng doanh thu của năm không quá 3 tỷ đồng thì mức thuế suất là 15% và doanh nghiệp có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng thì thuế suất là 17%.
Theo bà Lệ, mức thuế thu nhập nhìn chung có ưu đãi cho doanh nghiệp có quy mô nhỏ, nhưng mức thuế suất chung là 20% vẫn cao.
Cụ thể, khi so sánh với các nước trong khu vực ASEAN thì mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông của Việt Nam 20% là bằng với mức thuế suất đang áp dụng tại Thái Lan, tại Lào, Campuchia nhưng lại cao hơn so với Singapore (17%) và Brunei (18,5%).
"Để có thể khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi hơn nữa cho sự phát triển của doanh nghiệp nói chung, nên cân nhắc giảm thêm mức thuế thu nhập doanh nghiệp phổ thông xuống khoảng 19% để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp phát triển phục hồi sau giai đoạn hậu Covid-19", đại biểu đoàn TP. Hồ Chí Minh kiến nghị.
Tương tự, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị xem xét lại quy định "thuế suất 15% áp dụng cho doanh nghiệp có doanh thu không quá 3 tỷ đồng".
Cụ thể, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc nên nâng ngưỡng doanh thu lên 5 tỷ đồng để phù hợp với thực tế hiện nay, khi chi phí sản xuất, kinh doanh ngày càng tăng cao.
Đối với quy định tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng thì thuế suất là 17%, ông Hùng đề nghị bổ sung thêm tiêu chí áp dụng thuế suất 17% cho doanh nghiệp mới thành lập trong vòng 3 năm đầu, nhằm hỗ trợ khởi nghiệp và giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp.
Thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam ở mức thấp so với ASEAN
Phát biểu giải trình sau phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, thuế thu nhập doanh nghiệp của chúng ta so với các nước Đông Nam Á vẫn ở mức thấp.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta không thể so với Singapore vì Singapore mặc dù chỉ có 670 km2 nhưng bình quân thu nhập quốc dân của họ là 90.000 USD/người, trong khi chúng ta là trên 4.000 USD/người.
Trong khi đó, nếu so với Philipines thì thuế thu nhập doanh nghiệp của họ tính 30%; Malaysia tính 24% và các quốc gia khác cũng tính 25%.
Về mức thuế 15% đối với doanh thu dưới 3 tỷ đồng và 17% đối với mức dưới 50 tỷ đồng, Phó Thủ tướng mong Quốc hội giao cho Chính phủ điều chỉnh khi có sự biến động. Bởi vì tuổi thọ của luật cũng phải được nhiều năm, cho nên khi có sự biến động về giá thì Chính phủ sẽ quyết định vấn đề này.
Cụ thể, bây giờ quy định 3 tỷ đồng, nhưng sau đó sự biến động về trượt giá hoặc các vấn đề khác, Chính phủ có thể đưa lên 5 tỷ hoặc là 10 tỷ.
"Còn tại sao lại áp dụng mức 17%? Như đại biểu Nguyễn Văn Thân nói là doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 97%, chỉ có 3% là doanh nghiệp lớn. Trong giai đoạn 2013-2015, chúng ta tính thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa 2%, trong khi đó thuế các doanh nghiệp khác là 25%. Đợt sửa thuế này căn cứ vào Nghị quyết Trung ương 10 năm 2017, chúng tôi đề xuất ở mức này để ưu đãi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Phớc nói.
Nhấn mạnh thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước và tài khóa hiện nay đang còn bội chi (mỗi năm bội chi khoảng 400.000 tỷ đồng) và sắp tới chúng ta sẽ xây dựng các công trình có hạ tầng trọng yếu, bội chi ngân sách và nợ công sẽ tăng lên và nợ công sẽ tăng lên, Phó Thủ tướng cho rằng thuế là một nguồn thu chủ yếu và phải tập trung.