Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học

Đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 17/2. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường sáng 17/2. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Sáng 17/2, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Góp ý kiến thảo luận, Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn Đà Nẵng) đề nghị bổ sung cơ chế miễn trừ trách nhiệm của các tập thể, cá nhân quyết định việc đầu tư, quản lý, sử dụng kết cấu hạ tầng phục vụ cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số khi xảy ra thất thoát, lãng phí mà không có nguyên nhân từ tham nhũng, tiêu cực.

Hiện dự thảo mới đề cập đến việc miễn trừ trách nhiệm trong việc xây dựng và ban hành chính sách, chưa có quy định miễn trừ trách nhiệm cho người tổ chức thực hiện chính sách như đã nêu ở trên.

Đánh giá cao việc Chính phủ đề xuất vào trong Nghị quyết quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) khẳng định, việc làm này sẽ góp phần tháo gỡ nút thắt và tạo niềm tin, yên tâm hơn trong công tác nghiên cứu đối với nhiều nhà khoa học. ĐB còn đề nghị phải nêu rõ, khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu đề tài đã đăng ký mà không đạt được hiệu quả thì không phải trả lại kinh phí.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy. (Ảnh: Cổng TTĐTQH)

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cũng có quan điểm là không quy trách nhiệm dân sự và được miễn trừ rủi ro nếu như kết quả nghiên cứu không đạt được khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định của pháp luật. Đồng thời bổ sung là việc miễn trừ trách nhiệm dân sự phải kèm theo áp dụng đầy đủ các biện pháp áp dụng thử nghiệm, phòng ngừa rủi ro trong quá trình nghiên cứu khoa học.

Ngoài ra, Đại biểu Thủy cho rằng, việc xem xét miễn trách nhiệm dân sự chỉ là với các đề tài nghiên cứu khoa học gây ra thiệt hại cho Nhà nước. Còn gây thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải thực hiện việc bồi thường theo quy định của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như trong Bộ luật Dân sự đã quy định.

Đáng chú ý, Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho rằng, nếu chỉ có cơ chế miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học sẽ không bao quát hết tình hình thực tế.

Với tổ chức, cá nhân thực hiện đề tài khoa học và phát triển công nghệ, nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và đảm bảo tính khách quan, Đại biểu An đề nghị nếu gây thiệt hại cho cả Nhà nước và cho cả các tổ chức, cá nhân khác, cũng cần miễn trách nhiệm dân sự. Ngoài miễn trách nhiệm dân sự cũng cần nghiên cứu miễn cả trách nhiệm hình sự cho hoạt động nghiên cứu khoa học. Bởi nếu không người làm khoa học hết sức rủi ro trong nghiên cứu. Theo Đại biểu An, có thể nghiên cứu nội dung trên để đưa vào thực hiện thí điểm Nghị quyết, làm nền tảng trong việc thực hiện ở các luật tiếp theo.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) thống nhất các cơ chế, chính sách đối với chuyển đổi số. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ mức chi 15% đầu tư bình quân cho thiết bị của 1 trạm BTS 5G, bởi chi hỗ trợ 15% rất khó, doanh nghiệp có thể kê lên để được hưởng hỗ trợ. Nên hỗ trợ về đất, mặt bằng, thuế cũng như lãi suất vay ngân hàng = 0.

Đồng thời, đề nghị làm rõ việc hỗ trợ hạ tầng cho doanh nghiệp phát triển 5G khi doanh nghiệp viễn thông hiện nay đang ăn nên làm ra, lợi nhuận rất cao so với nhiều doanh nghiệp khác; làm rõ khái niệm công nghệ số chiến lược và công nghệ số có tính chất đặc biệt; không nêu rõ tên các doanh nghiệp được giao nhiệm vụ; làm rõ việc thực hiện nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ có rủi ro theo quy trình quy định của pháp luật hay quy trình theo hợp đồng đã ký kết…

Sơn Phan

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-bo-sung-co-che-mien-tru-trach-nhiem-trong-nghien-cuu-khoa-hoc-post540026.html
Zalo