Đại biểu Quốc hội đánh giá cao các quy định mới về Mặt trận Tổ quốc
Đại biểu Quốc hội đánh giá việc sửa Hiến pháp lần này được kỳ vọng giúp bộ máy vận hành tinh gọn, pháp luật đồng bộ, tăng hiệu lực, hiệu quả.
Tăng hiệu lực hệ thống pháp luật, tạo hành lang vận hành bộ máy tinh gọn
Sáng 7/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Phó Chủ tịch Ủy ban Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 đã trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp. Theo chương trình, chiều nay Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về nội dung này.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương bên hàng lang nghị trường, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc sửa đổi Hiến pháp lần này chính là mở đầu cho một cuộc cách mạng trong công tác xây dựng pháp luật, cụ thể hóa những tư tưởng đổi mới từ Nghị quyết Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng)
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo nhận định: “Lộ trình sửa đổi được chuẩn bị kỹ lưỡng, thể hiện rõ vai trò tiên phong của Quốc hội khi 100% đại biểu có mặt đồng thuận thông qua nghị quyết. Điều đó cho thấy niềm tin và sự đồng thuận rất cao”.
Đại biểu Nguyễn Tạo kỳ vọng, quá trình triển khai tiếp theo sẽ góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật, khơi thông những điểm nghẽn và thiết lập một bộ máy Nhà nước thực sự tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, tổ chức hội thảo sẽ đảm bảo tính đồng thuận và khả thi trong thực tiễn.
Đáng chú ý, ông nhấn mạnh tới hai nội dung sửa đổi trọng yếu: Nâng vai trò Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chuyển mô hình chính quyền địa phương từ ba cấp xuống hai cấp, bao gồm cấp tỉnh và cấp cơ sở. Đây là bước chuẩn bị cho việc triển khai các chính sách lớn như sáp nhập xã, bỏ cấp huyện và tiến tới việc sáp nhập tỉnh.
“Chúng ta cần một hành lang pháp lý rõ ràng trước khi triển khai các bước sáp nhập từ ngày 1/9 tới đây. Với tinh thần trách nhiệm của đại biểu, của toàn dân, tôi tin Hiến pháp sửa đổi lần này sẽ tạo đột phá”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Tạo nói.
Mặt trận Tổ quốc được trao thêm quyền lực, chính quyền địa phương rút gọn
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế, nhận định rằng, dù chỉ sửa đổi 8 điều trên tổng số 120 điều của Hiến pháp, nhưng đây đều là những nội dung cốt lõi, mang tính then chốt để triển khai chủ trương lớn về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời liên quan trực tiếp đến đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.
“Đây là những nội dung có tính đột phá. Tôi kỳ vọng sau khi được thông qua, Hiến pháp sửa đổi sẽ sớm được áp dụng vào thực tiễn”, bà nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Sửu, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế
Về nội dung nâng cao vị thế Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Sửu đánh giá cao quy định mới trong dự thảo. Theo đó, lần sửa đổi này ghi nhận rõ vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận đối với các chủ trương, chính sách, nghị quyết quan trọng liên quan đến kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội. Bà kỳ vọng, Mặt trận sẽ tiếp tục phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố nền dân chủ và nâng tầm phản biện chính sách.
Một nội dung đáng chú ý khác là dự thảo Nghị quyết xác định mô hình chính quyền địa phương sẽ chỉ còn hai cấp, phù hợp với định hướng sắp xếp đơn vị hành chính trong bối cảnh phát triển mới. Theo bà Sửu, việc chuyển sang mô hình hai cấp đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc làm rõ các điều kiện, tiêu chí, chức năng và quyền hạn của chính quyền từng cấp.
"Những nội dung được sửa đổi lần này sẽ là nền tảng pháp lý cho các luật tiếp theo, vì vậy việc sửa đổi cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, chỉn chu”, bà Nguyễn Thị Sửu cho biết.