Đại biểu Quốc hội: Cần thiết duy trì thu 2% kinh phí công đoàn

Sáng 18-6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, sự điều hành của Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Công đoàn năm 2012 nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoạt động của tổ chức công đoàn trong tình hình mới và hội nhập quốc tế.

Theo ý kiến của đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình), sau hơn 10 năm thi hành, Luật Công đoàn năm 2012 đã bộc lộ hạn chế, bất cập. Một số quy định của luật đã không còn phù hợp với thực tiễn trong bối cảnh đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Việc thực hiện các cam kết quốc tế về lao động trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế đòi hỏi Công đoàn Việt Nam phải đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, để tiếp tục giữ vững và phát huy thành quả truyền thống của tổ chức công đoàn, đồng thời phải khẳng định được vai trò chủ lực định hướng, dẫn dắt phong trào công nhân trong tình hình mới.

 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HẢI

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: TRỌNG HẢI

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) nhất trí về sự cần thiết phải ban hành Luật Công đoàn (sửa đổi) với các lý do đã nêu tại tờ trình của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Đề cập đến việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (Điều 30), đại biểu Âu Thị Mai nêu, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) kế thừa và giữ nguyên đối tượng nộp và mức đóng 2% kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành.

Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kinh phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay, nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Mặt khác, quy định trên cũng tạo điều kiện về nguồn lực đủ mạnh để bảo đảm hiệu quả các hoạt động đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, thu hút người lao động và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tham gia Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; duy trì các nguồn lực hiện có; thu kinh phí công đoàn và khuyến khích xã hội hóa nguồn lực để công đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đồng quan điểm trên, đại biểu Hoàng Ngọc Định (Đoàn Hà Giang) chỉ ra rằng, việc Nhà nước cho phép công đoàn thu 2% kinh phí là một công cụ để Công đoàn Việt Nam giúp Đảng, Nhà nước tập hợp, giáo dục đoàn viên, người lao động xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy, việc tiếp tục duy trì thu 2% kinh phí công đoàn là hết sức cần thiết.

Mặt khác, đại biểu Hoàng Ngọc Định phân tích, kinh phí công đoàn do doanh nghiệp đóng không phải là tiền do doanh nghiệp chi. Chi phí này được pháp luật cho phép hạch toán vào giá thành sản phẩm. Như vậy, người tiêu dùng sẽ phải trả tiền cho chi phí này chứ không phải doanh nghiệp. Về bản chất, việc quy định thu gián tiếp 2% theo quy định của Luật Công đoàn là để phục vụ cho việc chăm lo lại người lao động, để tái sản xuất sức lao động, bù đắp lại hao phí sức lao động của người lao động mà người sử dụng lao động doanh nghiệp chưa tính đúng, tính đủ vào tiền lương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) phát biểu. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) cũng tán thành quy định “Kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động”; vì đây là nội dung đã thực hiện ổn định, lâu dài, không phát sinh nhiều vướng mắc trên thực tế.

Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí công đoàn là cần thiết, nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính công đoàn. Trong đó, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí công đoàn cho các hoạt động của công đoàn cơ sở - nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động, đại biểu đề nghị, nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như dự thảo, mà chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”.

 Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội) cho ý kiến về tài chính công đoàn. Ảnh: TRỌNG HẢI

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội) cho ý kiến về tài chính công đoàn. Ảnh: TRỌNG HẢI

Về vấn đề tài chính công đoàn, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn TP Hà Nội) đề nghị nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về công tác thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính công đoàn; không chỉ có đối với tổ chức “đại diện của người lao động” như điểm d, khoản 2 Điều 30. Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý nhà nước về tài chính công đoàn sẽ minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí. Đồng thời cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của công đoàn.

Như vậy, Nhà nước sẽ thống nhất quản lý nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính công đoàn (bao gồm cả kinh phí và đoàn phí công đoàn), Tổng Liên đoàn sẽ hướng dẫn triển khai, thực hiện; thay vì phải thực hiện cả quy định của Chính phủ và cả quy định của Tổng Liên đoàn, như trong dự thảo (Khoản 1, Điều 30).

THU HƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/tin-tuc/dai-bieu-quoc-hoi-can-thiet-duy-tri-thu-2-kinh-phi-cong-doan-781604
Zalo