Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến về Dự thảo Luật Hóa chất

Chiều 23/11, Quốc hội họp tại hội trường, thảo luận về Dự thảo Luật Hóa chất. Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai phát biểu.

Về áp dụng pháp luật, khoản 2 Điều 3 quy định: “Đối tượng áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với dự án hóa chất thuộc lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm thực hiện theo quy định của luật này. Trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư”. Tuy khoản 2 Điều 3 quy định trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư thực hiện theo Luật Đầu tư nhưng trong dự thảo luật vẫn có nhiều nội dung điều chỉnh về trình tự, thủ tục thực hiện dự án đầu tư. Do đó, đại biểu đề nghị rà soát kỹ để bảo đảm tính thống nhất, chính xác, minh bạch của quy phạm pháp luật, thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật, tránh xung đột, chồng chéo trong thủ tục đầu tư.

 Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Hóa chất.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh tham gia ý kiến đối với Dự thảo Luật Hóa chất.

Về chính sách nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, dự thảo luật nêu 6 chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực hóa chất. Nội dung của các chính sách này là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt toàn bộ nội dung quy định của dự thảo luật. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh, chính sách mới đang tập trung phần lớn vào nội dung phát triển kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển công nghiệp hóa, trong khi vấn đề bảo vệ môi trường, an toàn sức khỏe, bảo vệ các quyền con người có liên quan trong lĩnh vực hóa chất, quyền được tiếp cận thông tin minh bạch, đầy đủ, kịp thời, quyền được yêu cầu bồi thường và khắc phục thiệt hại, quyền được tham vấn, tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến quản lý, kiểm soát hóa chất trong cộng đồng… chưa thể hiện rõ nét trong dự thảo luật.

Về trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, khoản 2 Điều 10 quy định: “Chính quyền địa phương cấp tỉnh căn cứ chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất đã được phê duyệt để xây dựng nội dung về phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương”. Đại biểu đề nghị làm rõ nội hàm, trình tự, thủ tục xây dựng và giá trị pháp lý của “nội dung về phát triển ngành công nghiệp hóa chất trên địa bàn” để có cơ sở thực hiện, vì dự thảo luật không xác định đây là một văn bản độc lập, hơn nữa, đây cũng không phải là nội dung của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch.

Về vận chuyển hóa chất, mặc dù tên Điều 19 quy định về vận chuyển hóa chất, tuy nhiên khoản 1 và khoản 2 Điều 19 của dự thảo luật chỉ quy định về việc vận chuyển hóa chất nguy hiểm. Điều 19 cũng được dẫn chiếu tại Điều 27 (vận chuyển hóa chất có điều kiện), Điều 35 (vận chuyển hóa chất cần kiểm soát đặc biệt), Điều 42 (vận chuyển hóa chất cấm). Do vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị rà soát, chỉnh lý quy định tại Điều 19 để bảo đảm tính thống nhất của dự thảo.

Về phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt, theo khoản 2 và khoản 3 Điều 33 của dự thảo luật, việc mua bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt phải được xác nhận bởi bên mua và bên bán thông qua Phiếu kiểm soát. Trong đó, có quy định nội dung phải kê khai, bao gồm: tên hóa chất, số lượng hóa chất, mục đích sử dụng; tên tổ chức, mã số doanh nghiệp, địa chỉ, đại diện bên mua và bên bán; việc lập và xác nhận Phiếu kiểm soát được thực hiện qua Cơ sở dữ liệu hóa chất trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ thời điểm giao hàng. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 37 của dự thảo luật tiếp tục yêu cầu: “Tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất cần kiểm soát đặc biệt có nghĩa vụ công bố loại hóa chất và mục đích sử dụng hóa chất trên Cơ sở dữ liệu hóa chất trước khi sử dụng lần đầu hoặc khi thay đổi mục đích sử dụng”. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh đề nghị rà soát, làm rõ giá trị pháp lý, mối quan hệ giữa Phiếu kiểm soát mua, bán hóa chất cần kiểm soát đặc biệt đã được lập, xác nhận với việc công bố trên Cơ sở dữ liệu hóa chất về loại hóa chất và mục đích sử dụng hóa chất trước khi sử dụng lần đầu hoặc khi thay đổi mục đích sử dụng. Trên cơ sở đó đánh giá tác động chính sách, nghiên cứu cân nhắc loại bỏ bớt nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sử dụng hóa chất trong các quy định nêu trên để tránh chồng chéo, gia tăng nghĩa vụ tuân thủ pháp luật cho cá nhân, tổ chức…

Đức Lân - Lê Huy

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dai-bieu-nguyen-thi-lan-anh-tham-gia-y-kien-ve-du-thao-luat-hoa-chat-post393811.html
Zalo