Đại biểu 'mổ xẻ' thực trạng gia tăng tội phạm chưa thành niên
Ngày 26/11, Quốc hội dành phần lớn thời gian thảo luận tại hội trường về báo cáo của các cơ quan tư pháp, công tác thi hành án, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Tội phạm và vi phạm pháp luật của người chưa thành niên tiếp tục có chiều hướng gia tăng là mối quan tâm của nhiều đại biểu.
Mâu thuẫn nhỏ, hậu quả lớn
Tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) viện dẫn báo cáo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật của người chưa thành niên tiếp tục có chiều hướng gia tăng, toàn quốc phát hiện 5.216 vụ, 15.243 đối tượng. Đáng lưu ý, trong số đó hơn 30% là nữ, tăng 7,58% về số vụ, nhiều em còn đang là học sinh, sinh viên. Theo ông Mai, điều này rất báo động, tạo ra sự lo lắng trong xã hội.
“Mỗi chuyến khảo sát, giám sát tới các trung tâm cai nghiện, nhà tạm giữ và các trại giam, khi thấy tỷ lệ phạm nhân là thanh thiếu niên ngày càng tăng cao trong những năm gần đây, nếu cứ như vậy thì tương lai của các em, các cháu sẽ đi về đâu? Gia đình, dòng họ, làng xóm, nhà trường, đoàn thể xã hội của chúng ta đang ở đâu trong phần lỗi của các cháu và chúng ta phải làm gì để hạn chế mức thấp nhất tình trạng này?”, ông Dương Khắc Mai đặt câu hỏi.
Đại biểu đoàn Đắk Nông cũng bày tỏ băn khoăn khi thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc hết sức đau lòng. Chỉ một mâu thuẫn nhỏ, cảm thấy không vừa ý, vừa mắt, các em có thể giải quyết với nhau bằng hung khí và để lại những hậu quả nặng nề cho bản thân các em, gia đình và xã hội.
“Qua trao đổi với nhiều phụ huynh và kể cả các em học sinh, họ cảm thấy chưa thực sự an tâm khi con em mình ra đường tham gia các hoạt động xã hội, kể cả trong nhà trường. Bên cạnh đó, vẫn thường xuyên xảy ra những vụ việc thanh thiếu niên tụ tập gây rối trật tự công cộng và thông qua mạng xã hội để giải quyết mâu thuẫn lẫn nhau.
Chưa bao giờ mà người làm cha, làm mẹ phải lo lắng nhiều đến như vậy”, ông Mai phản ánh.
Để kéo giảm, ngăn ngừa tội phạm chưa thành niên, bên cạnh trách nhiệm của chính quyền, nhà trường, gia đình và xã hội, ông Mai đề nghị Chính phủ đánh giá sát hơn, toàn diện hơn về tình hình này, để có những giải pháp đồng bộ, toàn diện; đồng thời có những biện pháp, chế tài mạnh mẽ để kiểm soát tốt hơn việc sử dụng mạng xã hội.
Cần những biện pháp cứng rắn
Nhất trí với nhận định trên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cũng cho đây là thực trạng "rất đáng lo ngại". Thực tế đã có nhiều vụ án được gây ra bởi người chưa thành niên phạm tội mà thủ đoạn và hậu quả để lại vô cùng to lớn, có những vụ gây rúng động dư luận xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, trước thực tế này, đòi hỏi rất cần có những biện pháp quyết liệt, cứng rắn mang tính phòng ngừa và răn đe đối với người chưa thành niên phạm tội và người chưa thành niên có nguy cơ phạm tội.
Đặc biệt, tới đây, Quốc hội sẽ thông qua dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên. Bà Nga đánh giá, đây là một đạo luật rất nhân văn, nhưng cũng rất dễ để các đối tượng tội phạm lợi dụng, lôi kéo, xúi giục, thuê mướn người chưa thành niên thực hiện những hành vi phạm tội.
“Cử tri tha thiết đề nghị Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành có liên quan cần tích cực phối hợp trong công tác quản lý, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật do người chưa thành niên gây ra; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường và xã hội, xây dựng môi trường học tập, sinh hoạt an toàn, lành mạnh”, bà Nga nêu.
Bị mạng xã hội tiêm nhiễm?
Đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tội phạm vừa qua, song đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng bày tỏ lo ngại khi thực tế đã xảy ra một số vụ giết người man rợ, một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên manh động gây ra nhiều vụ án thương tâm.
“Tình hình các loại tội phạm diễn biến khó lường, lúc tăng, lúc giảm, nhất là tội phạm nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm lại diễn ra trong lứa tuổi vị thành niên. Đó là điều nhức nhối, bất an cho xã hội và gia đình”, ông Hòa nêu.
Trước tình hình trên, đại biểu đang là Ủy viên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ, các cơ quan chức năng đánh giá khách quan tình hình một số tội phạm có xu hướng tăng, nhất là tội phạm ở lứa tuổi vị thành niên, thanh niên.
“Phải chăng ở lứa tuổi này do chịu sự giáo dục của gia đình, nhà trường, xã hội còn hạn chế, đua đòi học hỏi thói hư, tật xấu, bỏ học sớm, thành lập hội nhóm theo kiểu giang hồ, bị tiêm nhiễm mạng xã hội có nội dung xấu?”, ông Hòa đặt câu hỏi.
Về lâu dài, theo ông Hòa, cần tập trung quyết liệt công tác giáo dục tuyên truyền, phòng ngừa tội phạm ở những địa bàn trọng điểm, phức tạp; nâng cao vai trò trách nhiệm của hệ thống chính trị trong quản lý giới, vai trò của cha mẹ và nhà trường.