Đại biểu đề xuất bổ sung vai trò cấp xã trong hệ thống quy hoạch
Sáng 28/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch.
Đẩy mạnh phân cấp, khơi thông nguồn lực cho địa phương
Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu Quốc hội đã nêu ý kiến thẳng thắn, đóng góp cụ thể nhằm nâng cao tính khả thi của Luật Quy hoạch, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm đẩy mạnh phân cấp, đơn giản hóa thủ tục và tăng cường vai trò của chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện quy hoạch.

Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu)
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) nhấn mạnh sự cần thiết của việc ghi nhận vị trí của cấp xã trong hệ thống quy hoạch, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Theo ông, điều này sẽ bảo đảm tính liền mạch và thực tiễn trong tổ chức thực thi pháp luật về quy hoạch.
Ông Hùng kiến nghị quy định rõ trách nhiệm của cơ quan lập quy hoạch tỉnh trong việc lấy ý kiến chính thức của UBND cấp xã. Đồng thời, cấp xã cũng cần chủ động cung cấp dữ liệu, đề xuất định hướng phát triển không gian dân cư, hạ tầng sản xuất... để tích hợp vào quy hoạch cấp tỉnh.
“Lâu nay, nhiều ý kiến từ cấp xã chưa được tích hợp thực chất vào quy hoạch tỉnh, dẫn đến bất cập khi triển khai tại các địa bàn nông thôn, miền núi”, ông Hùng chia sẻ.
Đại biểu Hùng cũng đề xuất UBND cấp xã cần được giao nhiệm vụ theo dõi tình hình sử dụng đất, đầu tư hạ tầng theo quy hoạch, tuyên truyền, giám sát việc thực hiện, tiếp nhận kiến nghị từ người dân và phản ánh kịp thời lên cấp tỉnh.
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh (Đoàn Khánh Hòa) đề xuất việc rút gọn thủ tục và phân cấp trong lập và điều chỉnh quy hoạch. Ông cho rằng nên bỏ quy hoạch vùng khỏi hệ thống quy hoạch độc lập và gộp vào nhiệm vụ điều phối quốc gia để tránh tầng nấc trung gian không cần thiết.
Đặc biệt, ông Thịnh đề nghị không bắt buộc phải điều chỉnh quy hoạch cấp dưới khi có mâu thuẫn với quy hoạch cấp trên, nếu mức độ xung đột không đáng kể. Thay vào đó, cần cho phép điều chỉnh nội bộ và cập nhật định kỳ để đảm bảo tiến độ.
Ngoài ra, ông đề nghị áp dụng bản đồ điện tử dùng chung để số hóa các xung đột không gian, xử lý nhanh hơn và chính xác hơn. Một nội dung đáng chú ý khác là đề xuất bỏ bước trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua trước khi trình Thủ tướng, thay vào đó giao Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt - trừ những trường hợp đặc biệt cần xin ý kiến Thủ tướng.
Làm rõ cơ chế phản hồi và nâng cao tính chuyên nghiệp
Cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đoàn Đắk Lắk) đề xuất bổ sung cơ chế phản hồi chính thức giữa cơ quan lập quy hoạch và hội đồng thẩm định cũng như cơ quan phê duyệt. Theo bà, đây là yếu tố quan trọng để bảo đảm quy hoạch không chỉ đúng quy trình mà còn hợp lý, phản ánh được nhu cầu và điều kiện thực tế.
Đồng thời, bà Nguyệt cho rằng quy định thời hạn phản hồi trong vòng 20 ngày là thiếu thực tế. “Trên thực tế, việc xin và cho ý kiến giữa các cấp và bộ, ngành có liên quan thường kéo dài từ hai đến ba tháng, đặc biệt trong điều chỉnh quy hoạch cấp huyện,” bà nói.
Về nâng cao tính chuyên nghiệp trong tổ chức tư vấn lập quy hoạch, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị sửa quy định yêu cầu lập đồng thời tất cả các quy hoạch (quốc gia, vùng, tỉnh). Theo ông, quy hoạch cấp trên cần có định hướng rõ ràng để quy hoạch cấp dưới có cơ sở chi tiết hóa, tránh lãng phí nguồn lực và sai lệch về định hướng phát triển.
Ngoài ra, ông Cường cũng kiến nghị bỏ quy định lựa chọn tổ chức tư vấn lập quy hoạch theo Luật Đấu thầu để đảm bảo chất lượng, tính chuyên môn và phù hợp với đặc thù của công tác lập quy hoạch.
Một số đại biểu cũng nêu quan ngại về tính khả thi của Luật Quy hoạch hiện hành. Có ý kiến đề xuất giới hạn số lượng quy hoạch tại mỗi địa phương không vượt quá 6 loại nhằm giảm tải và tăng hiệu quả triển khai. Đáng chú ý, một số đại biểu còn kiến nghị Quốc hội và cơ quan soạn thảo cân nhắc tạm dừng thực hiện Luật Quy hoạch để đánh giá lại toàn diện trước khi sửa đổi căn cơ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng.
Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã tiếp thu các ý kiến và giải trình. Bộ trưởng nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật Quy hoạch lần này là yêu cầu cấp bách, do những thay đổi lớn về tổ chức bộ máy hành chính và định hướng phát triển của Đảng, đặc biệt theo Kết luận số 121 và 127 của Bộ Chính trị.
“Nếu Luật không được sửa kịp thời, từ ngày 1/7, khi các tỉnh, thành hoạt động theo mô hình chính quyền hai cấp, rất nhiều dự án tại địa phương sẽ không thể triển khai được”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng khẳng định, sau khi sửa đổi theo hướng cấp bách lần này, Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu, chỉnh sửa toàn diện Luật để đảm bảo tính bền vững và đồng bộ về pháp lý trong công tác quy hoạch.