Đại án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2: Đúng người, đúng tội, không oan sai!

Trước đó, tại phần luận tội, đại diện VKSND TPHCM đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lan mức án tù chung thân về ba tội danh.

Sáng 17/10, sau gần một tháng xét xử sơ thẩm giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo đồng phạm về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP (SCB) và các đơn vị liên quan, HĐXX đã đưa ra nhận định và nêu quan điểm về hành vi phạm tội của các bị cáo.

Trước đó, tại phần luận tội, đại diện VKSND TPHCM đã đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lan mức án tù chung thân về ba tội danh trên.

33 bị cáo còn lại bị VKS đề nghị HĐXX tuyên từ 2 năm tù đến 27 năm tù. Trong đó, bị cáo Chu Lập Cơ (chồng bị cáo Trương Mỹ Lan) bị Viện KSND đề nghị từ 2 năm - 2 năm 6 tháng tù; bị cáo Trương Huệ Vân (cháu ruột bị cáo Trương Mỹ Lan) bị đề nghị từ 6 - 7 năm tù.

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Bị cáo Trương Mỹ Lan

Các cựu lãnh đạo SCB gồm Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) bị đề nghị 24-27 năm tù cho 3 tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới; Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB): 17-19 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới"; Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó tổng giám đốc SCB): 14-16 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Rửa tiền"; Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB): 10-12 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và "Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới"; Thái Thị Thanh Thảo (cựu Giám đốc dịch vụ khách hàng Wholesale, thuộc SCB, Chi nhánh Sài Gòn): 5-6 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Về vấn đề khắc phục hậu quả của bị cáo Trương Mỹ Lan, Viện KSND TP.HCM cho rằng, bị cáo Lan đã hết sức phối hợp với luật sư, gia đình tìm giải pháp, có nguồn tiền khắc phục. Tuy nhiên, đến thời điểm này, những biện pháp đó chỉ là phương án, giải pháp, chưa thể hiện trên thực tế.

Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị HĐXX buộc bị cáo Lan bồi thường toàn bộ hậu quả hơn 30.869 tỉ đồng của 35.824 bị hại; giữ nguyên sự tự nguyện của các bị cáo, cá nhân, tổ chức khắc phục hậu quả trong vụ án.

Nhận định của HĐXX, theo đó các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ và lời khai của các bị cáo có đủ cơ sở xác định bà Lan và đồng phạm đã thực hiện loạt hành vi: Lừa đảo chiếm đoạt 30.081 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua việc phát hành trái phiếu khống; Rửa tiền 445.747 tỷ đồng và Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới 4,5 tỷ USD (tương đương 106.730 tỷ đồng). VKS truy tố các bị cáo về các tội danh tương ứng là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan sai.

Về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tòa xác định bị cáo Trương Mỹ Lan nắm giữ phần lớn cổ phần của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB, đã đồng ý với đề xuất của Nguyễn Phương Hồng về việc phát hành trái phiếu nhằm xử lý khó khăn về tài chính.

Để thực hiện, bị cáo đã họp với các lãnh đạo chủ chốt của Vạn Thịnh Phát và SCB đưa ra chủ trương phát hành trái phiếu thông qua 4 công ty thuộc Vạn Thịnh Phát (An Đông, Sunny World, Quang Thuận và Setra). Đồng thời chọn 5 công ty khác thuộc hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát ký hợp đồng mua sơ cấp số trái phiếu của 4 công ty trên và Công ty cổ phần đầu tư SaiGon Peninsula (đối tác) để lên phương án tạo dòng tiền khống tại SCB, hợp thức tư cách trái chủ sơ cấp.

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 90/2011 và Điều 4 Nghị định 163/2018 về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, "doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ cho dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp...".

Để lách các quy định này, Trương Mỹ Lan và đồng phạm lên phương án lập, ký kết các hợp đồng kinh tế khống (mua bán cổ phần trái phiếu, vay tiền) giữa 4 công ty phát hành với 5 công ty trái chủ sơ cấp, công ty đối tác và các cá nhân được thuê ký khống để hợp thức hóa mục đích phát hành trái phiếu.

Các cá nhân được thuê lập, ký khống các chứng từ giao dịch (nộp, rút tiền mặt, chuyển khoản) và hạch toán khống giao dịch trên hệ thống SCB trong cùng một ngày, nhằm tạo nguồn tiền 30.869 tỷ đồng cho các trái chủ sơ cấp chuyển tiền cho 4 công ty phát hành để mua gần 309 triệu trái phiếu.

Bị cáo Lan và một số bị cáo khác tại tòa

Bị cáo Lan và một số bị cáo khác tại tòa

Sau khi hợp pháp hóa tư cách trái chủ sơ cấp, Trương Mỹ Lan và đồng phạm hoàn thành việc tạo lập 25 gói trái phiếu khống và bán cho 35.824 nhà đầu tư thứ cấp.

HĐXX xác định, quá trình phát hành trái phiếu có sự tham gia của nhiều cá nhân thuộc Vạn Thịnh Phát và SCB phối hợp triển khai. Sau đó, SCB có hàng loạt hoạt động dụ dỗ người mua trái phiếu, phần lớn là người gửi tiền ở SCB.

Các bị cáo sử dụng thủ đoạn gian dối từ việc lựa chọn các công ty phát hành, các công ty mua sơ cấp đến việc xử lý dòng tiền khống và dẫn dụ khách hàng mua trái phiếu. Như vậy, tội phạm hoàn thành từ thời điểm tiền của bị hại đã chuyển vào SCB.

Sau khi chiếm đoạt, các bị cáo đã thực hiện tiếp nhiều thủ đoạn gian đối để rút tiền mặt, che giấu dòng tiền sử dụng vào nhiều mục đích không đúng với phương án phát hành. Các bị cáo đã xây dựng một quy trình từ việc lựa chọn công ty phát hành, ký các hợp đồng khống, chạy dòng tiền khống, bán cho các công ty sơ cấp, phân phối cho hàng trăm nghìn người dân.

"Quy trình này thể hiện ý thức chiếm đoạt có từ trước khi thực hiện hành vi. Đây là dấu hiệu đặc trưng của tội danh nên tòa không có căn cứ chấp nhận quan điểm của một số bị cáo và luật sư cho rằng 'không nhận thức được hành vi khi thực hiện tội phạm'"- HĐXX nêu quan điểm.

Cũng từ lập luận trên, tòa bác quan điểm của Võ Tấn Hoàng Văn và các luật sư cho rằng "chỉ giúp bà Lan chiếm đoạt số tiền hơn 7.000 tỷ đồng của nhà đầu tư". Theo tòa, bị cáo Văn là người triển khai việc phân phối trái phiếu đến khách hàng nên phải chịu trách nhiệm hình sự đối với toàn bộ hậu quả.

Đối với tội Rửa tiền, từ 1/1/2018 đến 7/10/2022, bà Lan nhằm che giấu nguồn gốc và hợp thức số tiền hơn 415.000 tỷ đồng tham ô của SCB (ở giai đoạn 1 của vụ án), đã chỉ đạo các thuộc cấp thực hiện nhiều thủ đoạn chuyển tiền ra khỏi hệ thống SCB; hoặc chuyển khoản cho cá nhân, pháp nhân rút tiền mặt ra khỏi tài khoản. Hành vi này nhằm tránh việc các cơ quan chức năng phát hiện, truy vết dòng tiền.

Tổng hợp với số tiền lừa đảo chiếm đoạt của các trái chủ (hơn 30.000 tỷ đồng), Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã thực hiện hành vi Rửa tiền tổng cộng 445.747 tỷ đồng.

HĐXX vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

HĐXX vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

Tòa bác quan điểm của bị cáo và luật sư cho rằng Trương Mỹ Lan cùng hành vi rút tiền ra khỏi SCB nhưng lại bị truy tố về hai tội danh Tham ô tài sản (giai đoạn 1) và Rửa tiền.

Theo HĐXX, các hành vi này xâm phạm đến khách thể khác nhau - là quyền sở hữu tài sản và hoạt động đúng đắn của cơ quan tổ chức. Mỗi hành vi thỏa mãn các yếu tố cấu thành độc lập của tội danh. Do đó, cáo trạng truy tố các bị cáo về tội phạm nguồn (Tham ô) và tội phạm Rửa tiền là có căn cứ đúng quy định của pháp luật.

Với một số bị cáo khác là đồng phạm của bà Lan, tòa xét một cách tổng thể, xác định các bị cáo đã giúp bà Lan chuyển một số tiền đặc biệt lớn rút từ SCB để sử dụng vào những mục đích khác nhau trong bối cảnh ngân hàng đang gặp khó khăn.

Do đó, các bị cáo có cơ sở để biết nguồn tiền là do Trương Mỹ Lan "thực hiện các hành vi phạm tội mà có" dựa trên hoàn cảnh thực tế khách quan. Vì vậy, không có căn cứ chấp nhận quan điểm của các luật sư và bị cáo.

Ngoài ra, trong vòng 10 năm (từ 27/10/2012 đến 7/10/2022) đã có 21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thực hiện 78 giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trái quy định với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ USD.

21 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã nhận tiền từ nước ngoài chuyển về trái quy định, với 152 giao dịch (tổng cộng hơn 3 tỷ USD). Như vậy, Trương Mỹ Lan và đồng phạm đã Vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới hơn 4,5 tỷ USD.

Nguyễn Vinh - Bích Hà

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/an-ninh-kinh-te/dai-an-van-thinh-phat-giai-doan-2-dung-nguoi-dung-toi-khoang-oan-sai_168672.html
Zalo