Đại án đăng kiểm: VKSND TP.HCM kháng nghị tăng hình phạt đối với 18/254 bị cáo
Theo kháng nghị, mức án của 18/254 bị cáo trong đại án đăng kiểm là quá nhẹ và không công bằng đối với các bị cáo khác có hành vi tương tự.
Ngày 6-9, VKSND TP.HCM đã ban hành kháng nghị một phần bản án hình sự sơ thẩm của TAND TP.HCM đối với vụ án xảy ra Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Theo kháng nghị, VKSND TP.HCM đề nghị TAND Cấp cao tại TPHCM xét xử theo hướng tăng mức hình phạt đối với 18/254 bị cáo.
18 bị cáo bị kháng nghị tăng mức hình phạt, gồm: Huỳnh Thái Bảo, Trần Văn Cảnh, Sơn Minh Khương, Đặng Phong Em về tội giả mạo trong công tác. Đặng Trần Khanh, Mai Đức Truyền, Trần Anh Tú, Nguyễn Đức Nam về tội nhận hối lộ. Võ Tấn Đạt, Phạm Ngọc Hoan, Đậu Đức Vũ, Huỳnh Văn Thoa, Dương Nghĩa, Nguyễn Thái Hòa, Nguyễn Văn Thái về tội làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức. Trịnh Bình Dương, Vũ Hồng Quang về tội đưa hối lộ và Nguyễn Minh Trị về tội giả mạo trong công tác và nhận hối lộ.
Theo kháng nghị, mức án sơ thẩm mà HĐXX tuyên xử đối với 18 bị cáo quá nhẹ, không phù hợp với tính chất, mức độ hành vi phạm tội và không công bằng đối với các bị cáo có hành vi tương tự.
Bị cáo Trần Văn Cảnh (phó giám đốc Trung tâm đăng kiểm 83-02D) chỉ đạo nhân viên ký giả 159 chữ ký, VKS đề nghị 9-10 năm tù, tòa tuyên 3 năm tù. Mức án của bị cáo Cảnh thấp hơn so với các bị cáo là cấp dưới, làm theo chỉ đạo như Nguyễn Thanh Đông (7 năm tù), Trần Minh Lý (7 năm)...
Đối với nhóm bị cáo thuộc Phòng Đăng kiểm xe cơ giới (Phòng VAR) trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, bị cáo Đặng Trần Khanh (phó phòng VAR) phải chịu trách nhiệm số tiền trên 60 tỉ đồng mà phòng VAR nhận hối lộ, hưởng lợi số tiền lớn. VKS đề nghị bị cáo Khanh mức án 14-15 năm tù về tội nhận hối lộ nhưng tòa tuyên mức án 11 năm tù.
Bị cáo Mai Đức Truyền (đăng kiểm viên Phòng VAR) phải chịu trách nhiệm hình sự với số tiền hơn 5 tỉ đồng, hưởng lợi hơn 2,5 tỉ nhưng và chỉ nộp lại 650 triệu, không có tình tiết giảm nhẹ tại tòa. VKS đề nghị mức án 12 - 13 năm tù về tội nhận hối lộ, tòa tuyên 9 năm tù.
Bị cáo Trịnh Bình Dương và Vũ Hồng Quang (đăng kiểm viên Phòng VAR) lập doanh nghiệp "sân sau" để đưa hối lộ cho Phòng VAR; chịu trách nhiệm hình sự mỗi bị cáo hơn 11 tỉ đồng và phạm vào khoản 4 tội đưa hối lộ (10-12 năm tù).
VKS đã đề nghị mức án cho 2 bị cáo ở khoản 3 (7-12 năm tù) về tội đưa hối lộ nhưng HĐXX tuyên mỗi bị cáo 4 năm tù (khoản 2, 2-7 năm tù) đối với mỗi bị cáo là chưa phù hợp, không công bằng đối với các bị cáo đưa hối lộ số tiền thấp hơn nhưng tuyên mức án cao hơn.
Trước đó, xét xử sơ thẩm và tuyên án hồi tháng 8-2024, HĐXX đã tuyên phạt cựu cục trưởng Trần Kỳ Hình 25 năm tù về tội nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; cựu cục trưởng Đặng Việt Hà 19 năm tù về tội nhận hối lộ. 252 bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 30 năm tù.
Trong số 254 bị cáo, có 73 bị cáo được hưởng án treo.
HĐXX tuyên tịch thu, sung quỹ nhà nước hơn 86 tỉ đồng và 99.000 USD do các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nộp khắc phục hậu quả.
HĐXX còn tuyên buộc các bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải nộp lại số tiền còn lại do hưởng lợi và tiền do phạm tội mà có để tiếp tục sung ngân sách nhà nước. Cụ thể, bị cáo Trần Kỳ Hình phải nộp tiếp hơn 4 tỉ đồng, Đặng Việt Hà hơn 2,6 tỉ đồng, Đỗ Trung Học hơn 2,8 tỉ đồng, Trần Lập Nghĩa hơn 13 tỉ đồng...