Đặc thù và đặc sắc

Liên quan đến việc nhiều VĐV thể thao đỉnh cao của tỉnh Vĩnh Phúc nghỉ tập hoặc xin chuyển đơn vị, trước Tết Nguyên đán 2025, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành quyết định thông qua một số chính sách đặc thù phát triển TDTT của tỉnh ở giai đoạn 2025-2030. Trước đó, một loạt cơ chế dành cho VĐV đỉnh cao của tỉnh đã phải tạm dừng việc chi trả tài chính hơn 2 năm do tỉnh chưa thông qua 'cơ chế đặc thù' dành cho thể thao.

Không đi sâu vào chi tiết, nhưng những người làm thể thao đều biết chuyện ở Vĩnh Phúc có thể xảy ra ở bất kỳ địa phương nào, nhất là những nơi đang phải đào tạo, huấn luyện một lượng VĐV đông đảo, phải đầu tư nhiều môn có tiềm năng về thành tích.

Nghĩa là nếu chỉ làm thể thao theo kiểu thỉnh thoảng mới có 1-2 nhà vô địch quốc gia thì không gặp khó về tài chính. Nhưng khi số lượng tăng lên, môn nào cũng xem như “trọng điểm” thì sẽ… có chuyện. Đơn giản vì các khoản chi đều có sẵn quy định nhưng ngân sách dành cho thể thao thì thường thấp nhất trong các khoản chi thường niên của địa phương.

Đầu tháng 2-2025, trong văn bản trả lời các kiến nghị của cử tri TPHCM gửi tới trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho hay những năm qua, cơ quan quản lý nhà nước về thể thao luôn quan tâm, ưu tiên nghiên cứu, xây dựng các chính sách tốt nhất cho VĐV, HLV để họ an tâm tập luyện và thi đấu, mang vinh quang về cho Tổ quốc.

Tuy nhiên, một số chính sách cho đến thời điểm này vẫn còn thấp, nhất là các chính sách liên quan đến chế độ tiền lương vốn có tác động đến đa số VĐV, những người chưa có hoặc thuộc các môn thi đấu khó đạt được thành tích vượt trội.

Thể thao TPHCM từ lâu cũng đã có chính sách “đặc thù” đến từ ngân sách thành phố, nhưng thực tế vẫn luôn gặp khó khăn về kinh phí do mức sống đô thị. Ngay cả khi thu nhập của VĐV có được ổn định thì thành phố lại gặp cái khó khác, đó là cơ sở vật chất không theo kịp các tham vọng về thành tích. Lại phải cần có cơ chế đặc thù trong hoạt động thu hút đầu tư.

Những tồn tại của thể thao Việt Nam, nhất là ở cấp cơ sở, rất khó có sự thay đổi trong thời gian trước mắt do vẫn còn dựa vào ngân sách. Không thể cứ áp dụng những “đặc thù” để giải quyết. Thực tế cho thấy, phần lớn thu nhập của VĐV đến từ hoạt động thi đấu. Có thành tích nhiều thì thu nhập cao, và ngược lại. Tuy nhiên, rất nhiều môn thể thao của chúng ta hiện chỉ đủ khả năng tổ chức 3-4 sự kiện toàn quốc mỗi năm. VĐV thi đấu thực tế chỉ vài ba tuần lễ, phần còn lại trong năm chỉ là tập luyện duy trì, cơ hội phát sinh thu nhập là quá ít.

Thế nên, bên cạnh “đặc thù” từ cơ chế thì chính những người làm thể thao phải tự tạo ra được sự “đặc sắc” cho các giải đấu, sự kiện. Nghĩa là làm sao tăng số sự kiện thi đấu và tìm cách thương mại hóa các sự kiện đó để “chuyển hóa” thành những khoản thu nhập thông qua thi đấu cho VĐV. Càng có nhiều giải đấu chuyên nghiệp, có tiền thưởng cao thì VĐV sẽ nhìn thấy tương lai để nỗ lực tập luyện và chọn con đường nghề nghiệp của mình, thậm chí có thể được gia đình đầu tư để nâng cấp trình độ, qua đó cũng sẽ giảm gánh nặng ngân sách cho địa phương hay nơi đào tạo.

Đăng Linh

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dac-thu-va-dac-sac-post780429.html
Zalo