Ngành dệt may linh hoạt khai thác cơ hội 'vàng'

Đón nhận tín hiệu tích cực với lượng đơn hàng nhiều, ổn định trong những tháng đầu năm 2025, các doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh kỳ vọng năm nay đạt mức tăng trưởng cao, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Doanh nghiệp ngành dệt may cần tận dụng tốt cơ hội “vàng” xuất khẩu. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Panko Vina (Khu công nghiệp Mỹ Phước I)

Vững tin với mục tiêu

Theo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cùng với sự hồi phục thị trường xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm 2024 tại các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Liên minh châu Âu, ngành dệt may Việt Nam đã và đang có lợi thế cạnh tranh hơn vì tuân thủ tốt quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng. Đây là những tín hiệu tốt để các doanh nghiệp (DN) dệt may Bình Dương nỗ lực cùng ngành dệt may Việt Nam vững tin đạt mục tiêu xuất khẩu 46 tỷ USD trong năm 2025.

Tại Bình Dương, năm 2024 các DN ngành dệt may đạt mức tăng trưởng 15,8%; DN sản xuất trang phục tăng 10,5% so với năm 2023. Bà Phạm Thị Xuân Trang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết năm 2024 đã đi qua với nhiều thuận lợi của ngành dệt may Việt Nam nói chung và ngành dệt may Bình Dương nói riêng. Các DN đã linh hoạt và kịp thời tận dụng những thời cơ “vàng” trong 6 tháng cuối năm để đưa kết quả cả năm 2024 vượt mục tiêu đề ra. Đây là nền tảng vững chắc để xuất khẩu dệt may tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao trong năm 2025.

Đến nay, nhiều DN dệt may trên địa bàn tỉnh đã có đơn hàng hết quý II-2025, có những DN có đơn hàng đến quý III-2025 và đang tiếp tục đàm phán đơn hàng cho cả năm. Chia sẻ với phóng viên về bức tranh xuất khẩu của ngành dệt may trong năm 2025, bà Châu Thị Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Quang (TP.Thuận An), cho biết: “Xuất khẩu dệt may bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2024. Điều đáng mừng là hiện nay chúng tôi đã có đơn hàng đến hết quý II-2025. Chúng tôi đang hy vọng đơn hàng tiếp tục có bước khởi sắc. Chúng tôi đang nỗ lực đáp ứng cao nhất các yêu cầu của khách hàng để ngày càng tìm kiếm được những khách hàng tiềm năng hơn, đa dạng hóa được đối tượng khách hàng và mặt hàng, tăng thu nhập cho DN và người lao động”. Bà Châu Thị Hiệp cho biết thêm, đơn giá của các đơn hàng dệt may đang cải thiện dần, có xu hướng tăng trở lại khi nhu cầu tiêu dùng ở các thị trường lớn được cải thiện.

Nhận định về triển vọng năm 2025, bà Phạm Thị Xuân Trang cho hay, tín hiệu tăng trưởng xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam ngày càng tốt hơn khi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Liên minh châu Âu, Nhật Bản… đang tiếp tục ghi nhận sự phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh. Đây là cơ hội lớn cho các DN ngành dệt may đón đơn hàng ngay từ đầu năm 2025. Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, nhiều DN thành viên hiệp hội cho biết đã có nhiều đơn hàng cho năm 2025.

Linh hoạt xử lý thách thức

Hiện nay, các DN ngành dệt may đang nỗ lực nâng cao năng lực để nắm bắt, khai thác hiệu quả nhất các cơ hội xuất khẩu. Trong xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2025, các thành viên Hiệp hội Dệt may Bình Dương đã cùng nhau thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố đầu vào như lao động - tiền lương, tỷ giá - lãi suất, xu hướng dịch chuyển đơn hàng, các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may… để đưa ra các phương hướng, giải pháp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu linh hoạt, hiệu quả.

Theo lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Bình Dương, ngay trong quý I-2025 các DN thành viên tập trung thực hiện các giải pháp trọng tâm, bao gồm xúc tiến, may mẫu, chào hàng nhanh đến các khách hàng tiềm năng…

Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần may Quốc Tế (TP.Bến Cát), cho rằng để khẳng định vị thế và gia tăng đơn hàng bền vững trong thời gian tới, DN dệt may cần tăng cường chuyển đổi số, đầu tư máy móc, thiết bị tự động, tiến tới xanh hóa dệt may, cắt giảm tối đa các khoản chi phí để nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường và có phương án phát triển, mở rộng thị trường mới tại các khu vực Trung Đông, Nam Mỹ... Bên cạnh đó, ngành dệt may cần có chiến lược phát triển toàn diện và bền vững. Các DN trong ngành cần nhạy bén, linh hoạt trong chuyển đổi mô hình, đầu tư máy móc, thiết bị. Tuy đơn hàng đã quay trở lại, xuất khẩu năm 2025 có nhiều yếu tố thuận lợi nhưng các DN ngành không chủ quan, mà cần chủ động chuẩn bị để thích ứng với những khó khăn, thách thức phát sinh...

Bà Phan Lê Diễm Trang, Giám đốc Công ty Cổ phần may Quốc tế: Thách thức lớn hiện nay đối với ngành dệt may trong nước là các đối tác thay đổi phương án mua hàng rất nhanh. Cụ thể, mặc dù đơn hàng đã đàm phán xong nhưng chỉ cần sức mua chững lại 1-2 tuần các đối tác có thể yêu cầu DN dệt may ngưng sản xuất đơn hàng. Bên cạnh đó, việc chia nhỏ đơn hàng, yêu cầu giao nhanh trong thời gian ngắn, đồng thời siết chặt các quy định liên quan đến xuất xứ vải, sợi buộc DN phải linh hoạt thích ứng.

TIỂU MY

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nganh-det-may-linh-hoat-khai-thac-co-hoi-vang--a340886.html
Zalo