Đặc sắc Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng ở Đồng Phú

Nhằm giữ gìn và phát huy truyền thống bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, ngày 11-8, huyện Đồng Phú tổ chức lễ hội Lồng Tồng, năm 2024. Đây là lần đầu tiên được tổ chức với quy mô lễ hội cấp huyện và mang nhiều ý nghĩa trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng đang sinh sống trên địa bàn.

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ: hát then, đàn tính, hát giao duyên

Lễ hội diễn ra với nhiều hoạt động giao lưu văn nghệ: hát then, đàn tính, hát giao duyên

Rất đông đảo bà con đến xem và cổ vũ các hoạt động văn hóa, văn nghệ

Rất đông đảo bà con đến xem và cổ vũ các hoạt động văn hóa, văn nghệ

Lễ hội Lồng Tồng là hoạt động văn hóa đặc sắc truyền thống của người Tày, Nùng ở phía Bắc với ý nghĩa là thờ cúng thần Nông, một vị thần cai quản nông nghiệp. Lễ hội được tổ chức với mong ước có một mùa màng bội thu, cầu mong mọi người, mọi nhà luôn khỏe mạnh, an vui, hạnh phúc. Đồng thời là dịp để dân làng tề tựu cùng nhau chia sẻ niềm vui sau một năm lao động vất vả.

Đến với lễ hội, người dân được tham gia giao lưu nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, các trò chơi dân gian: hát sli, hát then, nhảy sạp, chơi tung còn, lạy cỏ, thi đi cà kheo, đánh cù…

Bà Đàm Thị Yến, ở xã Đồng Tiến, huyện Đồng Phú chia sẻ: “Tôi cảm thấy rất là vui khi được tham gia lễ hội này. Bởi vì đến với lễ hội, tôi được tham gia rất là nhiều hoạt động giao lưu mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình. Ở lễ hội tôi cảm thấy mình như được sống trong những ngày vui cộng đồng ở ngoài quê của mình”.

Lễ hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian sôi nổi: Nhảy sạp, ném còn, lạy cỏ, đi cà kheo

Lễ hội diễn ra với nhiều trò chơi dân gian sôi nổi: Nhảy sạp, ném còn, lạy cỏ, đi cà kheo

Bên cạnh các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, tham gia các trò chơi dân gian, người dân tham gia lễ hội còn được thưởng thức các món ăn truyền thống của người Tày, Nùng, như: phở vịt mác mật; vịt, heo quay mác mật; khâu nhục, bánh tro; khẩu sli… Ngoài ra, rất nhiều trang phục: quần áo, khăn, giày dép của người dân tộc Tày, Nùng cũng được bày bán thu hút người dân tham quan, mua sắm.

Hiện nay, hầu hết các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian trong Lễ hội Lồng Tồng đang dần bị mai một với nhiều lý do khác nhau. Vì vậy, lễ hội là môi trường, điều kiện để thế hệ trẻ tìm hiểu và nhận thức về vai trò, trách nhiệm của bản thân trong việc lưu giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Đánh cù thu hút đông đảo cả nam và nữ cùng tham gia

Đánh cù thu hút đông đảo cả nam và nữ cùng tham gia

Anh Triệu Văn Nghĩa, xã Tân Lợi, huyện Đồng Phú cho biết: “Lồng Tồng là lễ hội truyền thống lâu đời của người Tày, Nùng chúng tôi. Khi vào đây lập nghiệp, sinh sống thì ít khi được tham gia lễ hội như thế này. Là thế hệ trẻ, chúng tôi sẽ cố gắng tìm hiểu, học hỏi từ các cô, các chú để giữ gìn và lưu truyền lại cho con cháu sau này”.

Trong thời gian qua, Đảng và nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa. Trong đó có chính sách bảo tồn, phát huy văn hóa các dân tộc thiểu số, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc. Huyện Đồng Phú là địa bàn có đông người dân tộc Tày, Nùng di cư từ phía Bắc vào định cư, sinh sống tập trung ở một số thôn, ấp và hình thành các hoạt động văn hóa dân tộc trong cộng đồng dân cư. Việc giữ gìn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc cũng được các cấp, các ngành của huyện quan tâm. Lễ hội Lồng Tồng của người Tày, Nùng cũng là một trong những nét văn hóa cần được bảo tồn, gìn giữ.

Đến với Lễ hội còn được thưởng thức các món ăn truyền thông như: vịt, heo quay mắc mật, phở vịt mắc mật…

Đến với Lễ hội còn được thưởng thức các món ăn truyền thông như: vịt, heo quay mắc mật, phở vịt mắc mật…

Nhiều mặt hàng như: bánh khẩu sli, bánh tro, trang phục dân tộc Nùng, Tày cũng được bày bán thu hút nhiều người mua sắm

Nhiều mặt hàng như: bánh khẩu sli, bánh tro, trang phục dân tộc Nùng, Tày cũng được bày bán thu hút nhiều người mua sắm

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đồng Phú Lê Xuân Nghị cho biết: “Lồng Tồng của người Tày, Nùng là một trong những lễ hội rất đa dạng với nhiều hoạt động phong phú mang đậm bản sắc dân tộc. Được sự chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, năm 2025 chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai tổ chức để góp phần bảo tồn và phát huy sự phong phú, đa dạng văn hóa dân tộc trên địa bàn”.

Văn Đoàn

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/161262/dac-sac-le-hoi-long-tong-cua-nguoi-tay-nung-o-dong-phu
Zalo