Đặc sắc Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia Lễ hội Tổng Nam Phù

Lễ hội Tổng Nam Phù là lễ hội truyền thống đặc sắc của Thủ đô Hà Nội, hiện đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

UBND huyện Thanh Trì và huyện Thường Tín vừa tổ chức công bố Quyết định ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Lễ hội Tổng Nam Phù hay còn gọi là lễ hội 9 xã 10 làng, xưa kia thuộc 9 xã của Tổng Nam Phù, bao gồm các làng: Đông Phù, Mỹ Ả, Đông Trạch, Văn Uyên, Tranh Khúc, Tương Chúc, Tự Khoát, Việt Yên, Mỹ Liệt (huyện Thanh Trì) và làng Ninh Xá (huyện Thường Tín).

Lãnh đạo TP Hà Nội trao quyết định ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho huyện Thanh Trì và Thường Tín. Ảnh: H.Giang

Lãnh đạo TP Hà Nội trao quyết định ghi danh Lễ hội Tổng Nam Phù vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia cho huyện Thanh Trì và Thường Tín. Ảnh: H.Giang

Đây là nghi lễ thiêng liêng nhằm tri ân nhị vị Bồ tát Lý Từ Thục và Lý Từ Huy - hai công chúa triều Lý đã từ bỏ vinh hoa cung cấm để tu hành, hoằng dương Phật pháp và mang lại cuộc sống an hòa cho nhân dân.

Theo văn bia và các truyền thuyết lưu truyền trong nhân dân, hai vị công chúa đã cấp lại cho dân hơn 3.000 mẫu ruộng, hướng dẫn canh tác lúa nước, trồng dâu nuôi tằm và truyền dạy các nghề thủ công truyền thống, như: Làm bánh ở Tranh Khúc, nghề bún, đậu phụ ở Đông Phù, đan lát ở Tự Khoát, làm lược ở Tương Chúc...

Lễ hội Tổng Nam Phù được tổ chức vào các ngày 14 đến 16 tháng Ba âm lịch hằng năm. Cứ 5 năm dân trong vùng tổ chức lễ hội chính một lần, những năm khác tổ chức hội lệ. Lễ hội được tổ chức rất lớn ở cả ba chùa Hưng Phúc (xã Ngũ Hiệp), chùa Hưng Long (xã Đông Mỹ) và chùa Phổ Quang (xã Ninh Sở).

Năm 2025, lễ hội được tổ chức với quy mô chính hội. Ngày 14 tháng Ba âm lịch, lễ hội bắt đầu từ buổi sáng. Tất cả đoàn rước của các chùa đến bến Tranh Khúc, xã Duyên Hà để làm lễ xin nước và rước về chùa hành lễ bao sái (lễ mộc dục).

Tiếp đó là lễ bạch văn khai hội do đội tế nam thôn Tương Chúc và thôn Tự Khoát, xã Ngũ Hiệp thực hiện. Buổi chiều là lễ dâng hương hiến cúng của nhân dân và các làng.

Năm 2025, Lễ hội Tổng Nam Phù được tổ chức với quy mô chính hội. Ảnh: H.Giang

Năm 2025, Lễ hội Tổng Nam Phù được tổ chức với quy mô chính hội. Ảnh: H.Giang

Ngày 15 là ngày hội chính, được mở màn bằng lễ rước kiệu võng nhị vị Bồ tát và kiệu bát cống đi xuống lăng Liên Hoa. Đội rước kiệu của 3 chùa đều được tổ chức gần giống nhau với đội hình đi đầu là đội trống cái và chiêng cùng với đội múa sư tử, múa rồng do các thanh niên trong làng đảm nhiệm, sau đó là đội quốc kỳ và ngũ sắc của các cháu thiếu nhi.

Phía sau là các cụ thái ông, lão bà trong trang phục truyền thống khăn đỏ áo đỏ cùng đội nhạc lễ, đội bát bửu. Tiếp đó là ban hương án của nhị vị Bồ tát và kiệu bát cống do các nam nữ thanh niên đảm nhiệm. Đi liền sau là ban tế nam, cờ thần, trống, chiêng, đội sinh tiền...

Đoàn rước được tiếp tục với đội kiệu võng của nhị vị Bồ tát với một thiếu nữ cầm kiếm đi đầu, đó là nữ tướng hộ kiệu võng. Đoàn rước tiếp tục là các thiếu nữ mặc áo dài đội lễ và sau cùng là các Phật tử và tín đồ, nhân dân địa phương và khách thập phương về dự lễ hội.

Từ sáng sớm, các đoàn rước kiệu của cả 3 chùa cùng lên đường trong tiếng chiêng, trống, hò reo của nhân dân bên đường; đến ngã ba kho gạo Đông Mỹ thì nhập làm một, cùng đi xuống lăng Liên Hoa để đảnh lễ nhị vị Bồ tát.

Đoàn rước lần lượt vào lăng và an vị hương án, kiệu bát cống và kiệu võng; sau đó làm thủ tục hành lễ yết cáo chư thần và rước kiệu về chùa Hưng Long. Buổi chiều, tiếp tục các hoạt động tế lễ, dâng hương.

Nhân dân các làng trong vùng tham gia Lễ hội Tổng Nam Phù 2025. Ảnh: H.Giang

Nhân dân các làng trong vùng tham gia Lễ hội Tổng Nam Phù 2025. Ảnh: H.Giang

Sang ngày 16 tháng Ba, tất cả các đám rước của 10 làng rước lên chùa Tự Khoát xã Ngũ Hiệp là nơi hai bà về tu hành đầu tiên và cũng là nơi thờ hai bà. Tại đây, các vị sư làm lễ tạ hội, sau đó đoàn rước làng nào về làng ấy.

Với những giá trị văn hóa tâm linh sâu sắc, ngày 19/2/2025, Lễ hội truyền thống Tổng Nam Phù đã được Bộ VHTT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thế Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dac-sac-di-san-van-hoa-phi-vat-the-cap-quoc-gia-le-hoi-tong-nam-phu-10286801.html
Zalo