Đặc sắc ẩm thực nơi 'đá cũng nở hoa'
Hà Giang là địa phương được mệnh danh nơi 'đá cũng nở hoa', với vẻ đẹp hùng vĩ, sự hoang sơ của núi rừng. Mang âm hưởng núi rừng Đông Bắc, ẩm thực nơi đây còn chiều lòng du khách khắp nơi ghé thăm bởi những món ăn đặc trưng.

Xôi ngũ sắc hài hòa các sắc màu. Ảnh minh họa: Báo Điện tử Chính phủ
Xôi là món ăn khá phổ biến ở mọi tỉnh, thành Việt Nam, nhưng như một bản "hòa tấu" sắc màu đẹp mắt thì du khách lại nhớ đến xôi ngũ sắc Hà Giang. Qua đôi bàn tay khéo léo của người dân vùng cao, xôi ngũ sắc Hà Giang được chế biến theo nhiều màu sắc đặc trưng khác nhau, tạo nên sự độc đáo cho nét văn hóa nơi đây.
Cụ thể, xôi ngũ sắc Hà Giang thường có các màu chính như vàng, tím, đỏ, xanh, trắng. Không phải ngẫu nhiên mà món ăn này lại có những màu sắc đặc trưng vì mỗi màu đối với người Hà Giang đều có những ý nghĩa nhất định. Do được đồ từ gạo nếp cái hoa vàng nên xôi có độ dẻo, thơm và dù để lâu vẫn không bị khô cứng lại, ngon như lúc mới nấu.

Phở ngô thu hút thực khách bởi sắc màu vàng của sợi phở, nước dùng thanh ngọt đặc trưng. Ảnh minh họa: hagiang.gov
Ngô là lương thực chính của đồng bào dân tộc Mông ở vùng cao nguyên đá Hà Giang. Từ hạt ngô, người dân địa phương chế biến thành nhiều món ăn, như món phở ngô nổi tiếng khắp nơi.
Món phở ngô sử dụng các nguyên liệu địa phương kết hợp công thức nấu nước phở miền xuôi nhưng được tinh chỉnh lại để tạo nên sự phù hợp. Phần nước dùng ninh từ xương bò và một số loại củ, quả của vùng cao nguyên đá Hà Giang nên có vị thanh, ngọt, thơm hương quế, hồi, hòa quyện với sợi phở màu vàng ươm. Có thể nói, phở ngô mang đến màu sắc và hương vị mới cho bộ sưu tập phở Việt.

Thắng cố có hương vị đặc trưng, hơi e dè cho thực khách lần đầu thưởng thức. Ảnh minh họa: Pao Quán
Mang nét văn hóa ẩm thực người vùng cao, thắng cố Đồng Văn là món ăn độc đáo bởi thành phần nguyên liệu chế biến là thịt ngựa. Thay vì sử dụng heo, bò, người Hà Giang dùng thịt ngưa và nhất là lòng ngựa đem sơ chế sạch rồi ướp qua gia vị núi rừng. Phần gia vị ướp có khi hơn 10 loại nên tạo hương vị đặc sắc riêng cho nồi thắng cố.
Khi thưởng thức thắng cố, thực khách có thể nêm thêm gia vị cho vừa ý, kết hợp cùng một số loại rau sống của núi rừng. Đặc biệt, riêng món này lúc nào cũng phải được hâm nóng liên tục, người mua ăn đến đâu, người bán gắp đến đó. Đối với thực khách yêu thích ẩm thực vùng miền, đây là món ăn không nên bỏ lỡ khi đến Hà Giang.

Rêu được thu hoạch tại các con suối. Ảnh minh họa: Báo Hà Giang
Từ lâu, rêu sông, rêu suối được xem là món ăn quen thuộc của đồng bào dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc và Đông Bắc. Theo đó, họ chọn những đám rêu lớn về rửa sạch, sơ chế thật kỹ để loại bỏ chất bẩn. Sau đó, cho xắt rêu thành miếng vừa ăn và ướp gia vị. Hỗn hợp gia vị thường có sả, lá mùi tàu, lá dăm, lá hẹ, muối, bột ngọt, hạt dổi. Cuối cùng trộn đều và dùng lá bản to gói rêu lại rồi đem nướng.
Quá trình nướng rêu cũng quan trọng khi rêu cần nướng đều để món ăn thơm ngon. Cụ thể, khi nướng rêu, áp một bên lên than nướng cho chín, sau đó nướng bên còn lại. Tiếp tục nướng cho đến khi có thể nhấn mềm bằng hai ngón tay. Đây là món ăn khá thú vị mà mọi người nên thử qua.

Cháo ấu tẩu có vị thơm đặc trưng, nhẫn đắng nhẹ nhưng lại kích thích vị giác. Ảnh minh họa: Vietnamtourism
Cháo ấu tẩu, món ăn được làm từ vị thuốc có độc tính là củ ấu tẩu, nhưng qua cách chế biến của đồng bào dân tộc Mông ở Hà Giang lại trở thành đặc sản nổi tiếng. Người dân nơi đây gọi là cháo ấu tẩu bởi nó được chế biến từ gạo nương và chân giò heo đem nấu lẫn với củ ấu tẩu tạo thành món ăn đặc sắc.
Cháo nấu xong mang sắc nâu đậm, nhìn giống tô cháo lòng của người miền xuôi, vị bùi, béo và thơm đặc biệt. Vì là vị thuốc nên đặc trưng của cháo ấu tẩu có vị đắng. Tuy nhiên cái đắng hòa cùng miếng ấu tẩu bùi, dẻo, quyện với cái ngọt của nước xương ninh và thơm ngậy của trứng đọng lại thành hương thơm, vị ngọt lạ miệng.
Tổng hợp