Đa phần các nước đồng ý hạn chế ô nhiễm nhựa nhưng các quốc gia dầu mỏ lại tìm cách trì hoãn
Phụ nữ, trẻ em là những nhóm dễ bị nhiễm độc bởi hóa chất đáng lo ngại có trong nhựa. Vì thế, cuộc đàm phán toàn cầu về mục tiêu hạn chế ô nhiễm nhựa càng trở nên cấp thiết và cấp bách hơn bao giờ hết trong bối cảnh hiện nay.
Với tình hình sản xuất nhựa đang trên đà tăng trưởng mạnh gấp 3 lần sản lượng vào năm 2050, cuộc họp của Ủy ban Đàm phán Liên Chính phủ Liên hợp quốc (5th United Nation Intergovernmental Negotiating Committee - INC-5) về hạn chế ô nhiễm nhựa đã diễn ra tại thành phố Busan, Hàn Quốc vào ngày 28/11 vừa qua. Sau nhiều ngày diễn ra, cuối cùng cuộc đàm phán vẫn không đạt được đồng thuận từ các bên tham gia.
Được biết, cuộc đàm phán nhằm mục tiêu đưa ra hiệp ước toàn cầu mang tính ràng buộc về pháp lý trong sản xuất nhựa. Theo đó, hơn 100 quốc gia muốn hạn chế sản lượng nhựa, trong khi một số ít các công ty dầu khí lớn chỉ muốn nhắm vào rác thải nhựa. Trong khi nước Cộng hòa Panama đề xuất lộ trình giảm sản lượng nhựa toàn cầu và được hơn 100 quốc gia ủng hộ, thì một số ít quốc gia dầu mỏ như Ả Rập lại phản đối mạnh mẽ đề xuất này. Họ phản đối việc hạn chế sản lượng sản xuất nhựa, đồng thời tìm mọi thủ tục để trì hoãn các cuộc đàm phán.
Bà Inger Andersen - Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc khẳng định, sự khác biệt trong quan điểm của các quốc gia vẫn còn rất rõ rệt và dai dẳng. Hiện các vấn đề gây chia rẽ nhất chính là sản xuất nhựa, quản lý sản phẩm nhựa, hóa chất và quỹ tài trợ giúp đỡ các nước đang phát triển thực hiện hiệp ước.
Ông Chris Jahn - Thư ký Hội đồng của Hiệp hội Hóa chất Quốc tế (International Council of Chemical Associations - ICCA) đại diện cho các hãng sản xuất nhựa cho biết, kết quả thất bại của cuộc đàm phán về ô nhiễm nhựa vừa qua càng cho thấy, để giải quyết ô nhiễm nhựa trên quy mô toàn cầu một cách hiệu quả, toàn diện và khả thi là vấn đề hết sức phức tạp.
Bất chấp bị các quốc gia dầu mỏ trì hoãn, các quốc gia ủng hộ môi trường đã thúc giục đàm phán lại càng sớm càng tốt. Với tình trạng vi nhựa ngày càng xâm lấn sâu vào đời sống và sức khỏe của con người, các quốc gia bảo vệ môi trường cho rằng mỗi ngày trì hoãn hiệp ước hạn chế ô nhiễm nhựa chính là một ngày chống lại nhân loại.