Đà Nẵng hút vốn đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng vào loạt dự án lớn

Ngày 17/2, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng thông tin, Chủ tịch UBND thành phố đã đặt ra những mục tiêu và giải pháp quan trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của thành phố trong năm 2025. Trong đó, một trong những vấn đề then chốt là tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các dự án đang triển khai trên địa bàn thành phố.

Dự án trọng điểm hút vốn… “khủng”

Theo UBND TP Đà Nẵng, Đà Nẵng đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội năm 2025 đạt hơn 50.000 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với năm 2024 (khoảng 33.000 tỷ đồng). Trong đó, khu vực Nhà nước dự kiến đóng góp khoảng 10.000 tỷ đồng, còn khu vực tư nhân chiếm khoảng 40.000 tỷ đồng. Mục tiêu là đóng góp 0,7-1 điểm phần trăm vào tổng tăng trưởng GRDP của thành phố trong năm 2025.

Ngoài ra, địa phương này đang triển khai các biện pháp tháo gỡ những dự án tồn đọng kéo dài trong nhiều năm qua. Đáng lưu ý, dự kiến trong quý I, II/2025, nhiều dự án lớn sẽ được khởi công, với tổng vốn đầu tư lên đến trên 100.000 tỷ đồng, như: Dự án Làng Vân (14.000 tỷ đồng), Tổ hợp Công viên Châu Á và Tổ hợp Pháo hoa quốc tế (hơn 40.000 tỷ đồng), các công trình của Tập đoàn FPT (hơn 5.000 tỷ đồng), Dự án Khu Công nghệ thông tin của Tập đoàn Viettel (2.000 tỷ đồng).

Dự án sân vận động Chi Lăng, dự kiến sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng đủ điều kiện để đấu giá trong năm 2025.

Dự án sân vận động Chi Lăng, dự kiến sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng đủ điều kiện để đấu giá trong năm 2025.

Một trong những dự án quan trọng là sân vận động Chi Lăng, dự kiến sẽ hoàn thành điều chỉnh quy hoạch và giải phóng mặt bằng trước ngày 30/4/2025, đủ điều kiện để đấu giá trong năm 2025.

Đà Nẵng cũng đang rà soát và đề xuất tháo gỡ một số dự án lớn khác, như các diện tích đất tại khu vực lấn biển Thuận Phước (181 ha và 29 ha), theo các kết luận của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, việc giải phóng mặt bằng cho đoạn cao tốc qua Đà Nẵng đã hoàn tất và dự kiến sẽ thông xe vào tháng 8/2025.

Trong năm 2024, TP Đà Nẵng có 104 dự án, 8.408 hồ sơ và 8.380 ngôi mộ cần giải tỏa. Đến 31/12/2024, đã hoàn thành 32 dự án (30,8%), 5.126 hồ sơ (61%). Dự án cao tốc Hòa Liên - Túy Loan giải tỏa 1.220 hồ sơ và 3.298 ngôi mộ trong 9 tháng. Giải ngân bồi thường đạt hơn 1.347 tỷ đồng, trên 77%. Quận Liên Chiểu dẫn đầu với 16 dự án hoàn thành, huyện Hòa Vang đứng thứ hai.

Kết quả đạt được là nhờ vào việc UBND thành phố đã triển khai nhiều chính sách mới, như tăng cường phân cấp và ủy quyền cho cấp huyện trong việc thẩm định, phê duyệt kế hoạch tái định cư; hạn chế phát sinh chi phí bồi thường và điều chỉnh tổng mức đầu tư; hỗ trợ suất tái định cư tối thiểu cùng với quy định về tái định cư tại các lô đất có hai mặt tiền; áp dụng cơ chế bồi thường bằng tiền theo giá thị trường…

Dự án “khủng” bị đề nghị bãi bỏ chủ trương

Đầu tiên là nhà máy xử lý rác 1.000 tấn/ngày ở Đà Nẵng bị đề nghị bỏ chủ trương đầu tư vì không đạt tiêu chí lựa chọn công nghệ, không phân tích rủi ro kỹ thuật. Qua đó, ngày 17/2/2025, UBND TP Đà Nẵng đã có tờ trình HĐND thành phố về việc đề xuất bãi bỏ chủ trương đầu tư Dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày tại bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng). Đề xuất này dựa trên báo cáo nghiên cứu khả thi dự án không được Chủ tịch UBND thành phố phê duyệt và một số nội dung không đạt.

Cụ thể, diện tích đề xuất cho dự án, sản lượng các sản phẩm tái chế và thu hồi có thể không đạt mục tiêu. Tiêu chí lựa chọn công nghệ chưa phù hợp, chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí yêu cầu, không phân tích các rủi ro kỹ thuật và kế hoạch giảm thiểu rủi ro, tổng mức đầu tư thấp…

Dự án nhà máy xử lý rác 1.000 tấn/ngày ở Đà Nẵng bị đề nghị bỏ chủ trương đầu tư vì không đạt tiêu chí lựa chọn công nghệ, không phân tích rủi ro kỹ thuật.

Dự án nhà máy xử lý rác 1.000 tấn/ngày ở Đà Nẵng bị đề nghị bỏ chủ trương đầu tư vì không đạt tiêu chí lựa chọn công nghệ, không phân tích rủi ro kỹ thuật.

Do vậy, Ban Cán sự Đảng UBND TP Đà Nẵng thống nhất bỏ chủ trương đầu tư cũ nhưng vẫn tiếp tục thực hiện dự án nhà máy xử lý chất thải rắn 1.000 tấn/ngày đêm theo hình thức PPP (đối tác công tư) mới và giao cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập để trình thẩm định, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư (thay cho nhà đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư dự án như trước đây).

Đáng nói, tại Khu Liên hiệp xử lý rác thải rắn Khánh Sơn (bãi rác Khánh Sơn) đang có dự án điện rác tổng vốn đầu tư 2.000 tỉ đồng của Tập đoàn Amaccao đã khởi động, nhà đầu tư đang tháo dỡ nhà xưởng trên phần đất dự án đốt rác cũ để triển khai dự án điện rác mới. Theo quy mô, dự án sẽ thực hiện đầu tư nhà máy xử lý đốt chất thải rắn với công suất 650 tấn/ngày đêm, phân loại và đốt chất thải công nghiệp thông thường công suất 350 tấn/ngày, sản xuất 7.068 lít dầu PO thành phẩm mỗi ngày và có công suất phát điện 18 MW.

Thứ hai, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản dừng thẩm định chấp thuận chủ trương đầu tư 2 bến container (2 bến khởi động) Cảng Liên Chiểu (TP Đà Nẵng). Lý do chính để Bộ Kế hoạch và Đầu tư dừng việc thẩm định nói trên là do thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc phát triển Cảng Liên Chiểu phải bảo đảm phát triển tổng thể, đồng bộ, hiện đại, hiệu quả tối ưu, phát huy tối đa ưu thế về vị trí địa lý, tiềm năng phát triển của TP Đà Nẵng, cạnh tranh với các cảng trong khu vực; bên cạnh đó, UBND TP Đà Nẵng đã thay đổi phương án kêu gọi đầu tư, đề xuất cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Cảng Liên Chiểu theo phương án đầu tư tổng thể.

Trước đó, thực hiện quy định của pháp luật và kêu gọi đầu tư của UBND TP Đà Nẵng, đã có 2 nhà đầu tư nộp hồ sơ đề xuất đầu tư 2 bến container (2 bến khởi động), trong tổng số 8 bến container của Cảng Liên Chiểu lên Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổ chức thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Cụ thể 2 nhà đầu tư này gồm có: Công ty CP Cảng Đà Nẵng và Liên doanh giữa Tổng Công ty Đầu tư xây dựng và Thương mại Anh Phát – Công ty Adani Ports and Special Economic Zone Limited thuộc Tập đoàn Adani của Ấn Độ (Liên doanh Anh Phát - Adani). Nhưng trong quá trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổ chức thẩm định hồ sơ đầu tư của 2 nhà đầu tư này, Chính phủ đã có chủ trương về đầu tư Dự án Cảng Liên Chiểu cùng sự thay đổi về phương án kêu gọi đầu tư của UBND TP Đà Nẵng.

Dự án Cảng Liên Chiểu.

Dự án Cảng Liên Chiểu.

Theo văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại phiên họp lần thứ nhất, Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 136/2024/QH15 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo thống nhất chủ trương kêu gọi đầu tư tổng thể Cảng Liên Chiểu và lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nhằm thực hiện đầu tư dự án này bảo đảm đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn cảng xanh, cảng trung chuyển quốc tế…

“Do đó, không có cơ sở để tiếp tục tổ chức thẩm định hồ sơ dự án đầu tư 2 bến container (2 bến khởi động) thuộc Cảng Liên Chiểu mà các nhà đầu tư đã nộp”, công văn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.

Hoài Thu

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/da-nang-hut-von-dau-tu-hon-100-000-ty-dong-vao-loat-du-an-lon--i759359/
Zalo