Đà Nẵng: Học sinh liên tục được nghỉ học do mưa lớn
Trong gần một tháng qua, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng đã nhiều lần ra văn bản cho học sinh nghỉ học do mưa lớn.
Tối 12/11, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Đà Nẵng đã thông báo cho trẻ mầm non, học sinh, học viên trên toàn thành phố nghỉ học ngày 13/11. Thông báo này được các giáo viên chủ nhiệm gửi đến phụ huynh vào khuya cùng ngày.
Theo đó, Đài khí tượng thủy văn cảnh báo trong đêm 12 và ngày 13/11, trên địa bàn TP Đà Nẵng có mưa rất to, gây ngập úng nhiều nơi.
Nhằm chủ động ứng phó với tình hình, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường học trên toàn thành phố cho trẻ mầm non, học sinh, học viên nghỉ học ngày 13/11.
Đây là lần thứ tư học sinh Đà Nẵng phải nghỉ học do mưa lũ, trong vòng một tháng qua. Ba ngày nghỉ học trước rơi vào đợt mưa lũ kéo dài, từ 12-17/10.
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, từ ngày 13 đến 17/11, tại thành phố Đà Nẵng khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với tổng lượng mưa tại các quận, huyện là 250-450mm, có nơi trên 600mm.
Đợt mưa lớn có khả năng gây ngập diện rộng khu vực thấp trũng và nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn.
Ngày 12/11, UBND thành phố Đà Nẵng cũng đã ban hành văn bản về việc tập trung ứng phó với mưa, lũ, sạt lở đất trước nguy cơ xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng từ ngày 13-17/11.
Theo đó, Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành; chủ tịch UBND quận, huyện theo chức năng, nhiệm vụ lập phương án, phối hợp để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả với một số kịch bản thiên tai trên địa bàn thành phố.
Các quận, huyện cần thường xuyên theo dõi chặt chẽ các diễn biến của mưa, lũ, ngập lụt và ứng phó đô thị, sẵn sàng triển khai phương án sơ tán bảo đảm an toàn cho nhân dân, nhất là tại các khu vực dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, ngập lụt, ven suối, vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét… sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
Thiết lập, tổ chức lực lượng để canh gác, chốt chặn tại các tuyến đường, khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn. Đồng thời, tổ chức nạo vét, khơi thông tuyến, cống thoát nước thuộc phạm vi quản lý để hạn chế tình trạng ngập cục bộ.
Các phường, xã cần sẵn sàng nhân lực, vật tư trang thiết bị theo phương châm “4 tại chỗ”.
Người dân cần chủ động kê tài sản, khơi thông, không làm cản trở dòng chảy, tiêu thoát nước tại các kênh mương và cửa thu nước trước nhà để nâng cao hiệu quả thoát nước.
Mời độc giả xem thêm video Mưa to gây sạt lở kinh hoàng tại Đà Lạt, vùi lấp người và tài sản: