Đà Nẵng: Đẩy mạnh tiêm chủng, không để lây lan bệnh sởi trong cộng đồng

Đà Nẵng đã lên kế hoạch phòng, chống dịch bệnh sởi trên địa bàn năm 2024, trong đó có mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi; giảm ca mắc bệnh và phát hiện sớm ổ dịch, không để lan rộng trong cộng đồng.

Ngày 12/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đà Nẵng (CDC Đà Nẵng) cho biết, trong năm 2023, tình trạng thiếu hụt một số loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã ảnh hưởng đến việc tiêm ngừa cho trẻ trên địa bàn TP.

Đà Nẵng bảo đảm đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024 để tiêm cho trẻ.

Đà Nẵng bảo đảm đủ vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2024 để tiêm cho trẻ.

Đầu năm 2024, sau khi được phân bổ một số loại vaccine thuộc chương trình này như sởi, 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi do Hib và viêm màng não mủ do Hib)… thì Đà Nẵng bảo đảm đủ vaccine để tiêm cho trẻ.

CDC Đà Nẵng đã có nhiều văn bản hướng dẫn các trung tâm y tế quận, huyện tăng cường công tác tiêm chủng để có thể kịp thời tiêm bù cho trẻ khi đã có vaccine; lập kế hoạch, dự trù cung ứng vaccine tiêm chủng từ trung ương về để phân bổ cho các trung tâm y tế quận/huyện nhằm bảo đảm đủ vaccine tiêm cho trẻ.

Riêng đối với bệnh sởi (hiện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đang kiến nghị chính quyền TP công bố dịch sau khi có 3 ca tử vong từ tháng 6 đến nay), CDC Đà Nẵng cho biết đã lên kế hoạch phòng, chống dịch bệnh này trên địa bàn TP năm 2024, trong đó có mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi; giảm ca mắc bệnh và phát hiện sớm ổ dịch, không để lan rộng trong cộng đồng.

Dựa trên kết quả đánh giá nguy cơ bệnh sởi năm 2024 theo bộ công cụ của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và xét các yếu tố định tính tăng nặng nguy cơ, Đà Nẵng thuộc nguy cơ trung bình.

Để bảo đảm đạt tỷ lệ 95% trẻ được tiêm vaccine sởi khi đủ 9 tháng tuổi và được tiêm mũi 2 khi đủ 18 tháng tuổi, Đà Nẵng đã lồng ghép trong chương trình tiêm chủng thường xuyên hàng tháng tại trạm y tế việc tiêm bù, tiêm vét cho tất cả trẻ em thuộc diện cần tiêm chủng vaccine sởi, vaccine sởi - Rubella của năm 2023 chưa được tiêm chủng theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.

Đồng thời tăng cường giám sát, hỗ trợ các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chưa quản lý tốt đối tượng tiêm chủng; các cơ sở tiêm chủng quản lý, thực hiện, báo cáo công tác tiêm vaccine phòng bệnh chưa tốt để chủ động ngăn chặn sự bùng phát dịch bệnh sởi.

Trong 5 tháng đầu năm 2024 tại Đà Nẵng có hơn 700 trẻ (có danh sách tiêm trong năm 2023 nhưng chưa được tiêm) được tiêm bù, tiêm vét vaccine sởi và vaccine phối hợp sởi – rubella. Tích lũy từ đầu năm 2023 đến tháng 5/2024, toàn TP có hơn 12.400 trẻ được tiêm vaccine sởi; hơn 11.100 trẻ được tiêm mũi vaccine phối hợp sởi – rubella.

Để ứng phó hiệu quả với bệnh sởi, Sở Y tế Đà Nẵng đã đề nghị các đơn vị y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp sốt phát ban nghi sởi, các trường nghi ngờ tại cộng đồng và các cơ sở khám, chữa bệnh; triển khai điều tra, giám sát dịch tễ, thông tin, báo cáo, lấy mẫu xét nghiệm, xử lý triệt để ca bệnh, ổ dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Các bệnh viện cũng được yêu cầu tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ điều trị, chăm sóc bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất trường hợp tử vong; chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, cấp cứu, điều trị bệnh nhân và phối hợp chặt chẽ giữa hệ điều trị và hệ dự phòng trong việc chia sẻ thông tin, lấy mẫu bệnh phẩm để khẳng định chẩn đoán.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/da-nang-day-manh-tiem-chung-khong-de-lay-lan-benh-soi-trong-cong-dong/20240812113014054
Zalo