Brazil hứng chịu hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử
Ngày 10/9, Trung tâm Giám sát Thiên tai Quốc gia Brazil (CEMADEN) thông tin nước này đang phải hứng chịu đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong lịch sử với hơn 3 triệu km2 bị ảnh hưởng, chiếm hơn 30% diện tích lãnh thổ quốc gia lớn thứ 3 châu Mỹ này.
Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, các nghiên cứu của CEMADEN cho biết kể từ năm 1950 khi Brazil bắt đầu thu thập thống kê về tình hình thiên tai hằng năm, năm nay là năm hạn hán tồi tệ nhất và tình trạng cháy rừng cũng ở mức kỷ lục. Trong các đợt hạn hán trước, chỉ có các vùng biệt lập phải hứng chịu chu kỳ hạn hán, nhưng lần này hiện tượng thời tiết khắc nghiệt lan rộng ở quy mô toàn quốc, từ miền Bắc sang Đông Nam đất nước. Cơ quan này nhấn mạnh đây là vấn đề nghiêm trọng mà Brazil đang phải đương đầu.
Hạn hán kỷ lục không chỉ làm gia tăng số vụ cháy ở nhiều nơi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động của các nhà máy thủy điện. Nhiều khu vực trong lưu vực sông Amazon bị cô lập hoàn toàn do mực nước xuống thấp trên hệ thống sông ngòi khiến giao thông đường thủy, rất phổ biến tại các khu rừng nhiệt đới ở Brazil, bị tê liệt hoàn toàn.
Các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân chính của hiện tượng thời tiết cực đoan hiện nay là do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm nhiệt độ tăng cao và ít mưa, đặc biệt là ở khu vực phía Bắc Brazil. Nhiệt độ Trái Đất nóng lên khiến mùa khô ngày càng kéo dài.
Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quốc gia Brazil (INPE), các vụ cháy rừng tại Amazon trong tháng 8 vừa qua tăng tới 120% so với cùng kỳ năm ngoái, và tăng 234% so với tháng 7. Khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh đã ghi nhận 38.270 vụ cháy trong tháng 8, con số cao nhất trong vòng một tháng kể từ năm 2010, và tập trung chủ yếu tại các bang Para, Amazonas và Mato Grosso. Từ đầu năm tới nay, cháy rừng tại Amazon đã lên tới hơn 63.200 vụ, tăng gấp đôi so với năm ngoái và là con số kỷ lục trong vòng 14 năm qua.
Các chuyên gia cho biết chỉ riêng trong năm nay, các đám cháy đã thiêu rụi hơn 300.000 km2 rừng. Khói do cháy rừng gây ra cũng ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng không khí tại Brazil và đã lan sang cả các quốc gia láng giềng như Uruguay và Argentina. Dự kiến sẽ không có các cơn mưa lớn cho đến tháng 10.