Đà Nẵng đặt mục tiêu có 5 doanh nghiệp FinTech đạt doanh thu trên 1.000 tỉ
Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghệ tài chính (Fintech) hàng đầu Việt Nam với ít nhất 5 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1.000 tỉ đồng/năm và mật độ doanh nghiệp đạt 2-3 doanh nghiệp/1.000 dân.
UBND Đà Nẵng vừa ban hành quyết định số 255/QĐ-UBND, chính thức phê duyệt kế hoạch, định hướng và giải pháp phát triển ngành tài chính - ngân hàng trên địa bàn thành phố thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TTXVN đưa tin.
Đến cuối năm 2030, Đà Nẵng hướng tới mục tiêu có 5 doanh nghiệp đạt doanh thu trên 1.000 tỉ đồng/năm và mật độ doanh nghiệp đạt 2-3 doanh nghiệp/1.000 dân vào năm 2030.
Với quyết định này, Đà Nẵng định hướng phát triển một thị trường tài chính hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ số và đổi mới sáng tạo. Theo UBND thành phố, việc đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố then chốt để hiện thực hóa mục tiêu này.
Thành phố đặt mục tiêu thiết lập các nhân tố thúc đẩy phát triển hệ thống tài chính trong giai đoạn 2021-2030, xây dựng Đà Nẵng sớm trở thành trung tâm tài chính khu vực trước năm 2050.
Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ với tốc độ bình quân từ 8-8,5%/năm trong giai đoạn 2021-2030, duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 12-13%/năm, tỷ lệ dư nợ tín dụng/GRDP từ 2,2-2,5 lần, có chi nhánh, văn phòng đại diện của 2-3 ngân hàng thương mại lớn về tổng tài sản trong khu vực châu Á.
Thành phố đặt mục tiêu đến năm 2030, 80% người dân sẽ chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt, thu hút 1-2 doanh nghiệp Fintech tầm cỡ thế giới, 3-5 doanh nghiệp Fintech hàng đầu Việt Nam và có 1-3 startup có giá trị trên 1 triệu đô la Mỹ.
Với việc đề xuất áp dụng cơ chế sandbox và đầu tư phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo tại các khu công nghệ cao, Đà Nẵng sẽ tạo ra một hệ sinh thái Fintech hoàn chỉnh, thu hút các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Để hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng viễn thông, cũng như khuyến khích các tập đoàn công nghệ xây dựng các trung tâm dữ liệu hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp Fintech.
Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ đầu tư xây dựng một số khu trung tâm kinh doanh trên hai khu đất với tổng diện tích hơn 15 héc ta, tạo thành một hệ sinh thái cung cấp dịch vụ tài chính quốc tế dưới sự giám sát, điều hành của một cơ quan quản lý chung.
Trong ngắn hạn, thành phố thí điểm áp dụng một số chính sách đặc thù, ưu đãi để phát triển các cấu phần của một trung tâm tài chính khu vực, nhằm thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo trong tài chính, phát triển tài chính xanh, cho phép các định chế tài chính được thực hiện các dịch vụ mà thị trường trong nước chưa có quy định.