Đà Nẵng bàn giải pháp vực dậy kinh tế hậu COVID
Nỗ lực kích cầu du lịch, hoàn thiện hạ tầng nhằm thu hút đầu tư, tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn… là những giải pháp cần triển khai ngay nhằm hồi phục kinh tế của TP. Đà Nẵng trong 6 tháng cuối năm.
Chiều 10/6, UBND TP. Đà Nẵng họp tổng kết đánh giá tình hình kinh tế-xã hội 6 tháng đầu năm và kế hoạch thời gian tới.
Thu hút tối đa nguồn khách du lịch từ các tỉnh lân cận

Đà Nẵng đang tập trung liên kết vùng để trao đổi khách du lịch. Ảnh: VGP/Minh Trang
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn Thành phố ước tăng trưởng âm 3,61% so với cùng kỳ 2019, trong đó: dịch vụ -4,6%; công nghiệp - xây dựng 1,8%; nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,3% và thuế sản phẩm giảm 2,4%.
Trong đó, du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Thành phố bị ảnh hưởng nặng nề. Lũy kế du lịch 5 tháng đạt 1,3 triệu lượt khách, giảm 53,6% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 4.621 tỉ đồng, giảm 42,1% so với cùng kỳ.
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng cho biết, trong tháng 5 ngành du lịch đã đón 119.200 lượt khách, gấp 2,5 lần so với tháng trước. Sau thời gian giãn cách xã hội, các cơ sở lưu trú du lịch, công ty lữ hành trên địa bàn Đà Nẵng dần mở cửa đón khách trở lại, Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn còn lo ngại dịch COVID-19, nhất là những khách sạn lớn có khách quốc tế vẫn ngừng kinh doanh đến tháng 6 mới hoạt động trở lại.
Từ tháng 5, Thành phố đã tập trung thực hiện Kế hoạch khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng dịch COVID-19 và triển khai Kế hoạch tổ chức chương trình kích cầu du lịch Đà Nẵng năm 2020 để nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh, tái thiết lập các thị trường khách du lịch.
Trong đó chú trọng thu hút nguồn khách từ các địa phương lân cận, thuộc các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên với đối tượng khách đi theo nhóm, gia đình, cặp đôi, đi du lịch ngắn ngày, sử dụng phương tiện cá nhân di chuyển. Phối hợp các hãng hàng không và doanh nghiệp lữ hành khai thác nguồn khách từ các địa phương có đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng, Quảng Ninh, Pleiku, Phú Quốc).
Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch ngắn ngày, sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch giải trí, sinh thái, thể thao biển, du lịch giải trí, chăm sóc sức khỏe, điểm check-in mới; phát triển sản phẩm du lịch công vụ (MICE), du lịch vui chơi giải trí, team building...
Tập trung quảng bá vào nhóm khách trẻ đi làm, ít chịu tác động tâm lý sợ hãi khi đi du lịch và đang bị kìm nén nhu cầu du lịch do thời gian giãn cách xã hội, dự báo sẽ là đối tượng du lịch lại ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Chú trọng liên kết vùng để trao đổi khách, thúc đẩy giao thương kinh tế thông qua hiện thực hóa các ghi nhớ liên kết phát triển du lịch 3 địa phương Đà Nẵng, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, cũng như Đà Nẵng với Lâm Đồng, Hải Phòng, Nghệ An, Đắk Lắk... Thực hiện hiệu quả ghi nhớ hợp tác giữa Thành phố với Vietnam Airlines và Vietravel để có chính sách ưu đãi thu hút khách trên các chuyến bay, thúc đẩy mạnh nguồn khách nội địa từ Hà Nội, Sài Gòn và các địa phương miền Tây Nam Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Bắc.
Theo bà Hạnh, mới đây, Sở Du lịch cũng đã phối hợp cùng đài BBC News quảng bá du lịch Thành phố, hy vọng đây sẽ là bước đà hút khách du lịch mạnh mẽ nếu sau này các đường bay quốc tế được mở cửa trở lại.
Thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo

Đà Nẵng đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lắp ráp. Ảnh: VGP/Minh Trang
Tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp của Thành phố gặp rất nhiều khó khăn, dự kiến chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm giảm khoảng 5,5%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dự kiến giảm 5%. Theo khảo sát của Cục Thống kê, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn đều đang chịu tác động tiêu cực của dịch bệnh, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc các ngành vận tải (95,2%), dịch vụ lưu trú (97,4%), giáo dục (95,9%), may mặc (92,8%)…
Theo ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Đà Nẵng, để thúc đẩy ngành sản xuất công nghiệp, Thành phố chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp đẩy nhanh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 sớm khôi phục sản xuất. Tiếp tục hỗ trợ thủ tục để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu phòng chống dịch của thế giới.
Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó tập trung thu hút các công ty, tập đoàn đa quốc gia quy mô lớn trong các lĩnh vực sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh nhằm tạo động lực thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư phát triển sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Tập trung đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng và đẩy nhanh quá trình đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư xây dựng hạ tầng 03 KCN mới trong năm 2020 nhằm đảm bảo mặt bằng sản xuất để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, nhất là các dòng vốn FDI của các công ty, tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc. Triển khai chuyển đổi Khu phụ trợ phục vụ Khu công nghệ cao sang Khu công nghiệp.
Thành phố đang tập trung tháo gỡ khó khăn đối với các dự án quy mô lớn của các doanh nghiệp có vướng mắc, chậm triển khai trong nhiều năm, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư, khởi công dự án. Thành phố đã hoàn thành xúc tiến, hỗ trợ cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và Giấy đăng ký kinh doanh cho một số dự án.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ lưu ý trong thời gian tới, các sở ngành cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục, giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ, giải quyết thủ tục cho các doanh nghiệp; tuyệt đối không để chậm trễ, tồn đọng hồ sơ chưa giải quyết, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư khôi phục, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, mau chóng vượt qua giai đoạn khó khăn.