Đa lợi ích từ trồng tre măng Bát độ
Từ nhiều năm nay, tre măng Bát độ đã trở thành cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở các vùng trồng tập trung.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên cùng cán bộ Hạt Kiểm lâm Văn Yên - Trấn Yên - thành phố Yên Bái kiểm tra diện tích tre măng tại xã Quy Mông, huyện Trấn Yên.
Năm 2024, nhờ làm tốt công tác liên kết với các doanh nghiệp chế biến, giá thu mua măng tre Bát độ ổn định và cao hơn những năm trước nên người trồng tre măng Bát độ trên địa bàn huyện Trấn Yên vô cùng phấn khởi. Từ những giá trị mà cây tre măng Bát độ mang lại cho người dân, năm 2025, huyện Trấn Yên đặt kế hoạch trồng mới 200ha.
Tuy nhiên, qua rà soát tại một số địa phương, diện tích đăng ký trồng mới đã lên trên 350ha. Để đảm bảo nguồn giống cho người dân trồng tre vụ xuân 2025, ngay từ cuối năm 2024, Ban Chỉ đạo trồng tre măng Bát độ của huyện đã rà soát, kiểm tra các xã có diện tích trồng lớn như: Kiên Thành, Hưng Khánh, Hồng Ca… lên phương án cụ thể khai thác củ giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng để bàn giao cho những hộ gia đình đăng ký trồng mới.
Ông Đinh Trung Hà - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Văn Yên - Trấn Yên - thành phố Yên Bái cho biết: "Theo kế hoạch tỉnh giao năm nay, huyện Trấn Yên trồng 200ha tre măng Bát độ song huyện đặt ra mục tiêu phấn đấu từ 350 – 400ha. Ngay từ cuối năm 2024, Hạt Kiểm lâm đã tham mưu cho lãnh đạo huyện chỉ đạo các địa phương chuẩn bị đất trồng và xây dựng 2 vườn ươm cây giống tại xã Hưng Khánh và Lương Thịnh. Hai vườn ươm này đã được Chi cục Kiểm lâm tỉnh thẩm định, đánh giá và cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn, cung ứng cho bà con đưa vào trồng trong vụ xuân năm nay. Ngoài ra, hai vườn ươm giống này còn cung ứng số lượng giống cho nhân dân các xã của 3 huyện: Văn Chấn, Văn Yên, Lục Yên để triển khai trồng trong vụ xuân này”.
Đến ngày 15/4, huyện Trấn Yên đã trồng mới được 381ha, nâng tổng diện tích tre măng Bát độ toàn huyện lên trên 4.000ha. Trong đó, xã Hồng Ca trồng vượt trên 21ha, xã Hưng Khánh vượt gần 23ha, xã Quy Mông vượt trên 15ha, xã Y Can vượt trên 9ha…
Ông Kiều Tư Giang - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: "Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về tre măng Bát độ, có lợi thế để mở rộng diện tích. Chúng tôi cũng đã hỗ trợ xác định để công nhận nguốn giống đủ điều kiện để đưa vào trồng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Qua nắm bắt, nhu cầu mở rộng diện tích trồng tre măng Bát độ còn rất cao, chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp cây tập trung sản xuất, đảm bảo cung ứng cho người dân trồng trong khung thời vụ tốt nhất”.
Cũng theo ông Giang, hiện nay, với việc hình thành chuỗi giá trị trong sản xuất, tre măng Bát độ đang trở thành cây trồng chủ lực, không chỉ là cây xóa đói, giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ dân. Để tạo mô hình liên kết trong phát triển tre măng, chính quyền các địa phương đã vận động thành lập hợp tác xã, tạo "cầu nối” giữa doanh nghiệp và nông dân trong thu mua, tiêu thụ nông sản. Măng của bà con thu hoạch đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Các đơn vị thu mua chính là: Công ty TNHH Vạn Đạt, Công ty cổ phần Yên Thành liên doanh với Công ty TNHH YAMAZAKI Việt Nam.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang trồng tre măng Bát độ, hỗ trợ người dân một phần kinh phí về giống, phân bón giúp người dân từng bước thay đổi tư duy sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong phát triển nông nghiệp bền vững và tạo nhiều việc làm cho lao động tại địa phương.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 6.900ha tre măng Bát độ đã cho thu hoạch, dần đưa cây trồng này trở thành cây hàng hóa lớn nhất của tỉnh Yên Bái. Hàng năm, cây trồng này cho sản lượng măng thương phẩm đạt trên 30.000 tấn, với giá thu mua trung bình từ 5.000 - 6.000 đồng/kg, mỗi héc-ta măng Bát độ người dân có thu nhập hơn 50 triệu đồng, đối với diện tích thâm canh cao có thể đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Cây tre măng Bát độ đã mang lại cuộc sống ấm no cho hàng nghìn người dân ở các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.