Đã gỡ khó khăn nguồn cát phục vụ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu

Khó khăn lớn nhất về nguồn cát san lấp của Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, giai đoạn 1 (Dự án thành phần 1) đang dần được tháo gỡ.

Mỏ cát trên sông Tiền, thuộc Phường 11 và xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh bắt đầu khai thác để cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (Dự án thành phần 1). Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Mỏ cát trên sông Tiền, thuộc Phường 11 và xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh bắt đầu khai thác để cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu (Dự án thành phần 1). Ảnh: Nhựt An - TTXVN

Có cát về công trình, nhà thầu tăng cường máy móc, thiết bị và nhân lực thi công nhằm đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành dự án đúng kế hoạch.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh Đồng Tháp, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 dài 16 km, tổng mức đầu tư khoảng 3.640 tỷ đồng, do UBND tỉnh Đồng Tháp làm cơ quan chủ quản; dự kiến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác. Quy mô giai đoạn 1, mặt cắt ngang 4 làn xe hạn chế với bề rộng mặt đường 16m, vận tốc khai thác 80 km/h. Quy mô giai đoạn hoàn thiện, mặt cắt ngang 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng mặt đường hơn 23m, vận tốc khai thác 100 km/h.

Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 đã khởi công ngày 25/6/2023. Tuy nhiên, thời gian dài sau đó, dự án bị ảnh hưởng tiến độ thi công vì thiếu nguồn cát san lấp, đắp nền. Trước tình hình này, nhà thầu ưu tiên thi công hệ thống cầu trên tuyến vì ít cần nhu cầu về cát và phấn đấu hoàn thành các cầu vào cuối năm 2024.

Nhu cầu vật liệu cát san lấp của Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 khoảng 2,3 triệu m3; trong đó, nhu cầu năm 2024 là 1,7 triệu m3. Thời gian qua, UBND tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan đặt ra yêu cầu cao về tiến độ xem xét hồ sơ, thủ tục, rút ngắn thời gian đưa mỏ cát vào khai thác theo cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 106/2023/QH15 của Quốc hội; tiến hành những thủ tục khai thác mỏ cát mới và nâng công suất mỏ cũ.

Với nỗ lực đó, Đồng Tháp đã gỡ được khó khăn về nguồn cát. Đến nay, 4/4 mỏ cát mà UBND tỉnh giới thiệu cho nhà thầu đã đưa vào khai thác để cung ứng cho cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, gồm: mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò); mỏ cát thuộc xã Thường Lạc, Long Khánh A (huyện Hồng Ngự) và phường An Lạc (thành phố Hồng Ngự); mỏ cát thuộc xã An Hiệp, An Nhơn (huyện Châu Thành); mỏ cát thuộc Phường 11 và xã Tân Thuận Tây (thành phố Cao Lãnh).

Để cung ứng nguồn cát san lấp phục vụ Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, gần đây, UBND tỉnh Đồng Tháp cũng đã quyết định điều chỉnh công suất khai thác hàng ngày đối với mỏ cát thuộc xã Tân Thuận Đông (thành phố Cao Lãnh) và xã Mỹ An Hưng A, Mỹ An Hưng B (huyện Lấp Vò). Sau khi nâng công suất, mỏ cát này được phép khai thác tăng từ 2.778 m3/ngày lên 3.855 m3/ngày. Đây là mỏ cát đầu tiên phục vụ thi công cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 được nâng công suất khai thác.

Ông Nguyễn Quang Tuân - Chỉ huy trưởng công trình, Công ty CP Đầu tư xây dựng và kỹ thuật VNCN E&C (nhà thầu thi công) cho biết, với 4 mỏ cát đang tiến hành khai thác, dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1 được cấp khoảng 11.700 m3/ngày. Khối lượng này đáp ứng được nhu cầu cát của dự án từ nay đến cuối năm 2024.

Việc tập trung hiện nay là đưa cát về công trường, thi công cát đến cao độ cấm bấc thấm; đẩy nhanh công tác cấm bấc thấm (xử lý gia cố nền đất). Nhà thầu quyết tâm tạo mặt bằng thi công để lấy hết khối lượng cát trong ngày và triển khai thi công. Nhằm sử dụng nhanh chóng, hiệu quả, "hấp thụ" hết toàn bộ lượng cát được cung ứng, nhà thầu tăng thêm khoảng 30% thiết bị, máy móc trên công trường; triển khai thi công tăng ca.

Theo ông Nguyễn Quang Tuân, UBND tỉnh và các sở, ngành liên quan của tỉnh Đồng Tháp rất quan tâm hỗ trợ nhà thầu thực hiện những thủ tục theo quy định để triển khai khai thác mỏ cát đảm bảo thời gian. Đặc biệt là mỏ cát thứ 4 (thuộc Phường 11 và xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh), đưa vào khai thác đúng thời hạn theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp.

Để thi công Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu thành phần 1, nhà thầu đã huy động hơn 360 nhân sự, trên 80 thiết bị, máy móc. Đến nay, về đường công vụ, đã đào đất trên 19,5 km, đắp cát hơn 18 km. Tuyến chính đã đào đất gần 14 km, đắp cát hơn 10 km. Phần dầm sàn liên tục hoàn thành 68/68 móng cọc bê tông cốt thép dự ứng lực. Nhà thầu tổ chức thi công tại 18/19 cầu. Tổng giá trị thực hiện các hạng mục ước đạt trên 993 tỷ đồng với hơn 40% giá trị hợp đồng xây dựng.

Nhựt An/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/da-go-kho-khan-nguon-cat-phuc-vu-cao-toc-cao-lanh-an-huu/349773.html
Zalo