Da diết con trích vùng lộng

HNN - Ở cái tuổi 'thất thập cổ lai hy', ông Võ Tượng ở phường Phong Hải (TX. Phong Điền) không còn cùng con cháu ngày ngày dong thuyền theo đuôi tôm cá. Ông Tượng nhớ nghề da diết. Sáng sớm mỗi ngày, ông cứ ra bãi biển nhìn con cháu dong thuyền vươn khơi bám biển để vơi đi nỗi nhớ.

 Ngư dân gỡ cá trích

Ngư dân gỡ cá trích

Trong ký ức của lão ngư này, biển một thời lắm tôm, nhiều cá. Cứ mỗi chuyến biển, ngư dân đều mang theo đủ nghề đánh bắt, chở đầy khoang những con mực, tôm, nục, ngừ, chủa, thu, cam… Những ngày sau Tết, khi những con sóng bạc đầu không còn dữ dội, trời yên biển lặng thì ngư dân lại thêm nghề bủa lưới trích vùng gần bờ. Một thời khó khăn, nhiều ngư dân có điều kiện nuôi con ăn học, thành tài và ổn định cuộc sống nhờ nghề bám biển.

Từ nhiều năm nay, ngư dân không hiểu vì sao những con chủa, con ngừ … có giá trị kinh tế cao không còn xuất hiện nhiều ở vùng biển gần bờ. Cả những con nục, bạc má, hố, phèn, doái... vùng lộng một thời thuyền nào cũng chở đầy ắp thì nay đã vơi dần, khan hiếm. Chỉ mỗi con trích từ trước tới nay bao giờ cũng xuất hiện một lượng lớn ở vùng biển gần bờ, ngư dân thỏa sức bủa lưới giăng câu.

Trong ký ức của ông Tượng, cứ vào mùa cá trích (từ những ngày sau Tết đến nửa cuối mùa hè) thì vùng bãi ngang ven biển từ Phong Điền đến Quảng Điền lại sôi động cảnh thuyền ra vào tấp nập, nhộn nhịp. Chỉ trong một ngày, ngư dân có hai chuyến biển đánh bắt cá trích. Khi mọi người vẫn còn chìm trong giấc ngủ là lúc ngư dân rục rịch, bắt đầu cho chuyến buông lưới trích đầu tiên. Tầm 7-8 giờ sáng là khoảng thời gian ngư dân kéo lưới trở về bờ, gỡ cá để kịp buổi chợ. Cảnh gánh thuyền lên bờ, gỡ cá trích hòa cùng tiếng hò reo, í ới của ngư dân và lái buôn sôi động cả một vùng biển trải dài, rộng lớn.

Chuyến biển thứ hai trong ngày tầm 4-5 giờ chiều, ngư dân bắt đầu dong thuyền và bủa lưới kéo dài đến 8-9 giờ đêm mới trở về bờ. Với ngư dân, mỗi chuyến biển như một “cuộc chạy đua với thời gian”, không thể muộn và cũng không thể sớm hơn vì phụ thuộc vào thời điểm con nước lớn ròng và theo tập tính của loài cá trích vào bờ sinh sản hoặc tìm kiếm thức ăn.

Trong các chuyến biển trong ngày thì đánh bắt đêm thường bủa lưới trích hiệu quả hơn. Cứ mỗi buổi tối mùa hè, người dân không chỉ ra bờ biển để tận hưởng những làn gió mát rượi mà còn chứng kiến cảnh ngư dân đốt đèn dầu để gỡ cá trích. Với người dân miệt biển, từ người già đến lớp trẻ, vùng bãi ngang ven biển những lúc này càng đẹp và thú vị hơn bao giờ hết.

Nhiều người hỏi cắc cớ, cá trích nhiều đến thế thì làm sao bán hết và chế biến những món gì sau một ngày đánh bắt? Với ngư dân, đây là câu hỏi đã có đáp án. Cứ mỗi chuyến biển đêm trở về, thuyền nào cũng được các lái buôn chực chờ sẵn và mua cá trích ngay tại bãi biển để nướng bán cho người dân ở các vùng lân cận. Ngày trước, một lượng lớn cá trích nướng, trích tươi còn được chở lên chợ Đông Ba, các chợ ở Huế bán bằng đường sông. Nếu muốn bán được giá hơn, theo kinh nghiệm và tùy thuộc vào số lượng khách hàng từ các buổi chợ, ngư dân có thể chế biến cá trích ngay trong đêm bằng món hấp, nướng và đem đến các chợ bán trong sáng sớm hôm sau. Nếu số lượng cá tươi còn nhiều thì đem ủ làm mắm. Mắm cá trích có hai loại được nhiều người ưa chuộng là mắm thính và mắm nước.

Từ nhiều năm nay, thực khách còn biết đến món gỏi cá trích là một trong những đặc sản của ngư dân miệt biển. Chuyến biển sáng sớm trở về, cá trích tươi rói tỏa đến các chợ, vào các nhà hàng, quán ăn phục vụ các món ẩm thực dân dã, trong đó món trích nướng, gỏi là không thể thiếu. Suốt cả mùa cá trích, rất hiếm có chuyến biển nào mà ngư dân về tay không. Một số chuyến lưới trích ít lắm cũng có cái ăn hoặc thu nhập đủ trang trải đời sống, sinh hoạt trong vài ngày. Còn phần lớn thuyền nào cũng khoang đầy ắp cá trích.

Một thời khi chưa có cân đong, ngư dân đếm từng con trích để bán cho lái buôn. Nhiều chuyến biển, các thuyền thu về cả vạn con trở lên, ít lắm cũng vài ba ngàn con cá trích. Nay cá trích được tính bằng cân nhanh gọn hơn, nhiều thuyền ít lắm cũng vài tạ và nhiều hơn có thể đến cả tấn cá trích mỗi chuyến biển. Theo lời kể của ông Tượng, một thời, ngư dân chủ yếu sử dụng lưới có chiều cao rất hạn chế nên không thể đánh bắt các luồng cá trích bơi ở tầng đáy sâu. Nhiều năm kinh nghiệm, ngư dân mở rộng chiều cao và mở thêm chiều dài của lưới từ 7-8 tay đến 10-15 tay lưới (dài khoảng 3.000-5.000m).

Ngày trước phần nhiều thuyền máy chỉ công suất 10CV, 12CV, nay ngư dân cải hoán, nâng công suất máy đến 15 - 21CV. Khi phát hiện luồng cá dô (nhô lên mặt nước), chỉ với những thuyền máy công suất lớn mới có thể theo đuổi và bắt kịp luồng cá để bủa lưới hiệu quả hơn. Theo kinh nghiệm của những người đi biển dày dặn, ngư lưới cụ đánh bắt cá trích cũng có giới hạn nhất định phù hợp với luồng cá, tập tính của loài cá trích nên không nhất thiết phải quá cao, quá dài, hoặc máy công suất cũng không nên quá lớn vì có thể gây lãng phí.

Chủ tịch UBND phường Phong Hải (TX. Phong Điền) Hoàng Văn Sửu cho rằng, trong khi nhiều loài cá vùng biển lộng đang ngày càng khan hiếm thì một lượng cá trích dồi dào khi đến mùa trở thành cứu cánh cho nhiều ngư dân vùng bãi ngang ven biển. Cá trích có giá trị kinh tế không cao, nhưng nhờ vào sản lượng lớn nên ngư dân cũng có nguồn thu nhập ổn định. Mỗi chuyến biển trong ngày có thể thu nhập vài triệu đến cả chục triệu đồng. Nhiều ngư dân ở Phong Điền, Quảng Điền thậm chí bỏ một số nghề khai thác, đánh bắt nhiều loại cá khác nhưng nghề lưới bủa cá trích thì... không.

Chỉ tính riêng tại vùng bãi ngang ven biển thị xã Phong Điền và huyện Quảng Điền có đến hàng trăm thuyền ngư dân còn duy trì nghề bủa cá trích. Từ nghề lưới trích cùng với một số nghề nghề biển, nhiều ngư dân vùng biển có điều kiện nuôi con ăn học, khôn lớn, ổn định cuộc sống.

Gần đây, nghề bủa cá trích cũng là một trong những hoạt động trải nghiệm thú vị đối với du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các bãi biển ở thị xã Phong Điền, huyện Quảng Điền. Nơi đây, du khách được ngắm cảnh chong đèn gỡ cá trích khi đêm về, tham gia cùng với ngư dân gỡ cá và mua cá về tự chế biến các món ăn ngay tại bãi biển.

Dẫu con nước lớn ròng hay thời điểm thăng trầm của biển cả, những con thu, con chủa, con cờ, con cam… có vơi dần và trở nên khan hiếm thì con trích vùng biển lộng bao đời nay vẫn thủy chung với những phận đời ngư dân vùng bãi ngang ven biển.

Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/da-diet-con-trich-vung-long-153848.html
Zalo