Đã đến lúc thay đổi tư duy về thúc đẩy thương mại
Việc bãi bỏ chính sách miễn thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là một bước đi cần thiết nhằm tăng cường kiểm soát và tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và được sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc bãi bỏ hoàn toàn chính sách miễn thuế cũng đặt ra thách thức về thực thi và nguy cơ tạo gánh nặng tài chính đối với người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp nhỏ.
Trong hơn một thập niên qua, Việt Nam đã áp dụng chính sách miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ nhằm tạo thuận lợi cho giao dịch thương mại và giảm tải cho hệ thống hải quan. Nhưng vào thời điểm ban hành Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg - hàng hóa nhập khẩu qua dịch vụ chuyển phát nhanh có giá trị dưới 1 triệu đồng được miễn thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng (GTGT) - thương mại điện tử Việt Nam chưa phát triển mạnh như hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu chủ yếu được thực hiện qua đường chính ngạch bởi các công ty thương mại lớn và thường phải thông qua bên thứ ba để phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
![Khách hàng tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: N.K](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_112_51470013/8a6db1ef80a169ff30b0.jpg)
Khách hàng tìm kiếm sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử. Ảnh: N.K
Thực tế cho thấy, việc tiếp tục áp dụng miễn thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ trong bối cảnh thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ có thể gây bất lợi cho hoạt động sản xuất nội địa, đặc biệt khi có sự hiện diện bùng nổ của các nền tảng xuyên biên giới gần đây, như Shein, Temu… từ Trung Quốc. Hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ có thể trực tiếp đến tay người tiêu dùng mà không cần thông qua các đơn vị phân phối trong nước. Và hàng nhập khẩu giá trị thấp, với giá rẻ từ Trung Quốc nhanh chóng tràn ngập thị trường, cạnh tranh áp đảo các mặt hàng tương tự được sản xuất trong nước.
Thêm vào đó, Nghị định 26/2023/NĐ-CP ở nội dung “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi” cho thấy nhiều mặt hàng tiêu dùng tại Việt Nam đang chịu thuế suất xuất khẩu khá cao đến 40%, trong khi hàng nhập khẩu giá trị thấp qua chuyển phát nhanh lại được miễn thuế hoàn toàn theo Quyết định 78/2010/QĐ-TTg. Việc miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT một cách toàn diện mà không phân biệt đối tượng và mục đích sử dụng không còn phù hợp với thực tiễn.
Thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp và cá nhân đã lợi dụng chính sách miễn thuế của Quyết định 78/2010/QĐ-TTg để nhập khẩu hàng hóa với giá trị khai báo thấp nhằm tránh thuế, gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Đồng thời, hàng hóa nhập khẩu hưởng lợi từ chính sách miễn thuế có thể cạnh tranh không lành mạnh với hàng nội địa, tạo ra sự bất bình đẳng trên thị trường. Trước tình hình này, vào tháng 1-2025, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg bãi bỏ chính sách miễn thuế này, siết chặt quản lý và bảo vệ doanh nghiệp nội địa. Quyết định này phản ánh sự cần thiết của việc điều chỉnh chính sách để cân bằng lợi ích giữa thương mại và nguồn thu ngân sách. Đây cũng là một bước đi cần thiết nhằm tăng cường kiểm soát và tạo môi trường cạnh tranh công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, việc bãi bỏ hoàn toàn chính sách miễn thuế cũng đặt ra thách thức về thực thi và nguy cơ tạo gánh nặng tài chính đối với người tiêu dùng cũng như các doanh nghiệp nhỏ.
Chẳng hạn, khi hàng hóa giá trị thấp bị áp thuế nhập khẩu và thuế GTGT 8% hoặc 10%, giá cả sẽ chênh lệch đáng kể so với khi còn được miễn thuế và có thể ảnh hưởng đến hành vi tiêu dùng, chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp và đặc biệt là các sàn thương mại điện tử. Với Quyết định số 01/2025/QĐ-TTg, người tiêu dùng sẽ thận trọng hơn khi mua sắm hàng nhập khẩu, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp trong nước phát triển sản phẩm cạnh tranh hơn.
Do đó, thay vì bãi bỏ hoàn toàn miễn thuế đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ, chúng ta có thể cân nhắc điều chỉnh chính sách theo hướng miễn thuế nhập khẩu nhưng vẫn thu thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp dưới một mức giá trị nhất định. Chẳng hạn, các mặt hàng mỹ phẩm nhập khẩu nhỏ lẻ với mục đích tiêu dùng cá nhân có thể chỉ chịu thuế GTGT thay vì cả thuế nhập khẩu, do xu hướng người tiêu dùng vẫn ưa chuộng hàng nhập khẩu vì chất lượng và sự phù hợp của các thương hiệu nước ngoài. Hướng điều chỉnh này giúp giảm áp lực cho cơ quan hải quan trong việc xử lý số lượng lớn lô hàng nhỏ lẻ, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách mà không đè nặng ví tiền của người tiêu dùng.
Ngoài ra, ở góc độ người tiêu dùng, có thể xem xét miễn thuế đối với một số mặt hàng thiết yếu như sách, tài liệu học tập, trang thiết bị y tế nhỏ lẻ hoặc linh kiện điện tử vì các loại hàng hóa này phục vụ cho giáo dục và đời sống người dân. Nếu điều chỉnh lại chính sách thuế áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp cần cân nhắc ưu đãi theo từng loại hàng hóa để phù hợp với mục đích sử dụng.
Tham khảo kinh nghiệm từ Liên minh châu Âu (EU), Úc và Mỹ cho thấy việc áp thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ là xu hướng phổ biến nhằm cân bằng lợi ích giữa thương mại và ngân sách quốc gia. Trước ngày 1-7-2021, EU áp dụng ngưỡng miễn thuế GTGT cho các lô hàng nhập khẩu dưới 22 euro. Tuy nhiên, từ 1-7-2021, EU đã bãi bỏ ngưỡng này, yêu cầu tất cả hàng hóa nhập khẩu vào EU phải chịu thuế GTGT(1). Các sàn thương mại điện tử và nền tảng trực tuyến có trách nhiệm thu thuế GTGT tại điểm bán hàng, nhằm đảm bảo sự công bằng giữa hàng hóa nhập khẩu và hàng sản xuất trong EU.
Tại Úc, trước ngày 1-7-2018, hàng hóa nhập khẩu có giá trị dưới 1.000 đô la Úc được miễn thuế GST (Goods and Services Tax). Tuy nhiên, theo Luật Thuế hàng hóa và dịch vụ (A New Tax System (Goods and Services Tax) Act 1999), được sửa đổi bởi Treasury Laws Amendment (GST Low Value Goods) Act 2017, Úc đã áp dụng mức GST 10% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu, kể cả hàng hóa dưới 1.000 đô la Úc đã giúp tăng nguồn thu ngân sách và đảm bảo sự cạnh tranh công bằng trên thị trường.
Mới đây, Mỹ cũng đã có động thái siết chặt chính sách “de minimis” - quy định miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có giá trị dưới 800 đô la Mỹ. Mục 321 của Bộ luật Hải quan Mỹ (19 USC 1321) trước đây cho phép miễn thuế đối với các lô hàng nhỏ lẻ, nhưng chính sách này đã bị lạm dụng, đặc biệt là bởi các nền tảng thương mại điện tử nước ngoài. Trước áp lực từ các doanh nghiệp trong nước, chính quyền Mỹ đã xem xét điều chỉnh chính sách nhằm hạn chế tình trạng này và bảo vệ nền sản xuất nội địa.
Quay trở lại Việt Nam, việc miễn thuế hay áp thuế trở lại nên được xem xét từ nhiều góc độ để phù hợp với thực tiễn bối cảnh kinh tế cũng như đời sống của người dân. Vì một chính sách tốt không chỉ bảo vệ toàn diện cho bất cứ một chủ thể nào mà phải hài hòa quyền lợi của các bên và đặc biệt xem trọng lợi ích của số đông người dân.
Tóm lại, chính sách thuế GTGT đối với hàng nhập khẩu giá trị nhỏ cần được điều chỉnh theo hướng linh hoạt và phù hợp với thực tiễn thương mại tại Việt Nam. Dẫu biết việc cân đối giữa thu thuế đầy đủ, ngăn chặn gian lận và hỗ trợ doanh nghiệp nội địa là điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự phát triển bền vững của thị trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, một hệ thống thuế minh bạch, hiệu quả không chỉ giúp bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam mà còn tạo sự ổn định cho thị trường và thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững.
(*) Công ty Luật TNHH HM&P
(1) https://vat-one-stop-shop.ec.europa.eu/system/files/2022-01/guidance_on_import_and_export_of_low_value_consignments_en.pdf, truy cập lần cuối ngày 7-2-2025.