Đã đến lúc cộng đồng phải được coi là một trụ cột then chốt
Thực tế cho thấy, không phải di sản nào cũng được bảo tồn hiệu quả, không phải địa phương nào cũng khai thác và phát huy giá trị di sản một cách hài hòa, bền vững. Đã có những nơi phát triển 'nóng' du lịch dẫn tới quá tải, làm xói mòn giá trị nguyên gốc của di sản. Cũng có nơi những người sống giữa di sản lại chưa thực sự được lắng nghe, tham gia, hoặc hưởng lợi một cách công bằng…

Khu Di sản văn hóa và thiên nhiên Thế giới Tràng An đã, đang thực hiện hiệu quả mô hình hợp tác PPP. Ảnh: P.V
Đó là lưu ý được Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nêu tại Hội thảo khoa học quốc tế “Bảo vệ và phát huy giá trị Di sản thế giới: Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững”, vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo do Bộ Ngoại giao (Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Bộ VHTTDL và UBND TP Hà Nội tổ chức.
Cộng đồng: Nguyên tắc cốt lõi trong bảo tồn di sản
Hơn bao giờ hết, vai trò của cộng đồng được đề cao trong việc bảo vệ, phát huy giá trị của các di sản, đặc biệt là di sản thế giới. Nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đều khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của cộng đồng, những chủ thể sống giữa các di sản, trong việc được tham vấn, trao quyền và tham gia một cách thực chất nhằm bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản thế giới.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam khẳng định, Hội thảo không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc về lý luận và thực tiễn, mà còn là thông điệp mạnh mẽ của Việt Nam về trách nhiệm bảo tồn các giá trị quý báu của nhân loại.

Không phải di sản nào cũng được bảo tồn hiệu quả, không phải địa phương nào cũng khai thác và phát huy giá trị di sản một cách hài hòa, bền vững. Đã có những nơi phát triển “nóng” du lịch dẫn tới quá tải, ô nhiễm, làm xói mòn giá trị nguyên gốc của di sản.
Cũng có nơi, người dân địa phương, những người sống giữa di sản, lại chưa thực sự được lắng nghe, tham gia, hoặc hưởng lợi một cách công bằng từ các chính sách bảo tồn và phát triển.
(Thứ trưởng HOÀNG ĐẠO CƯƠNG)
“Các giá trị di sản bao gồm văn hóa và thiên nhiên đang đứng trước nhiều nguy cơ: Biến đổi khí hậu, đô thị hóa thiếu kiểm soát, mặt trái của toàn cầu hóa, áp lực từ du lịch đại trà, và không ít trường hợp là sự thờ ơ từ chính con người. Trong bối cảnh đó, việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, không chỉ để lưu giữ những giá trị của quá khứ, mà để xây dựng nền tảng bền vững cho tương lai”, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương nhấn mạnh.
Theo lãnh đạo Bộ VHTTDL, Việt Nam có 8 di sản thế giới được UNESCO công nhận, đó là những tài sản chiến lược, nếu được bảo tồn và quản lý hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, tạo việc làm bền vững, gìn giữ môi trường sinh thái và nuôi dưỡng bản sắc văn hóa, những thành tố thiết yếu cho phát triển bền vững.
Nhưng thực tế cho thấy, không phải di sản nào cũng được bảo tồn hiệu quả, không phải địa phương nào cũng khai thác và phát huy giá trị di sản một cách hài hòa, bền vững. Đã có những nơi phát triển “nóng” du lịch dẫn tới quá tải, ô nhiễm, làm xói mòn giá trị nguyên gốc của di sản.
Cũng có nơi, người dân địa phương, những người sống giữa di sản, lại chưa thực sự được lắng nghe, tham gia, hoặc hưởng lợi một cách công bằng từ các chính sách bảo tồn và phát triển.
Trong Công ước 1972, UNESCO đã nhấn mạnh đến 5 chữ “C” trong chiến lược toàn cầu, trong đó “Community” - cộng đồng được coi là một trụ cột then chốt. “Cộng đồng” không chỉ đơn thuần là một khái niệm, mà là một triết lý, một nguyên tắc cốt lõi trong bảo tồn di sản.
Chính cộng đồng là những người nắm giữ, bảo tồn và truyền lại di sản qua nhiều thế hệ. Họ sở hữu tri thức, kinh nghiệm quý giá và hiểu rõ nhất những câu chuyện lịch sử cũng như giá trị tinh thần ẩn chứa trong từng di sản.
Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội Jonathan Baker nhận định: “Lấy cộng đồng làm trung tâm trong công tác bảo tồn không chỉ là tham vấn ý kiến người dân bản địa, mà còn là sự trao quyền chủ động. Tức là cho phép người dân địa phương tham gia vào quá trình ra quyết định, tổ chức các hoạt động văn hóa và hưởng lợi về kinh tế, xã hội từ các sáng kiến liên quan đến di sản”.
Trao quyền cho cộng đồng
Khẳng định cộng đồng giữ vai trò trung tâm trong bảo tồn di sản thế giới, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo nhấn mạnh: “Cộng đồng là những người mang tri thức, giữ gìn truyền thống, nắm quyền và đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo tồn. Trong bối cảnh hiện nay, khi di sản thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu, đô thị hóa và bất bình đẳng kinh tế, xã hội, chúng ta phải tăng cường phương pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm…”.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cùng chung nhìn nhận về vai trò trung tâm của cộng đồng trong quản lý và gìn giữ di sản không chỉ với tư cách là người thụ hưởng mà là chủ thể sáng tạo.

Cộng đồng là những người mang tri thức, giữ gìn truyền thống, nắm quyền và đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo tồn. Trong bối cảnh hiện nay, khi di sản thế giới đối mặt với biến đổi khí hậu, đô thị hóa và bất bình đẳng kinh tế - xã hội, chúng ta phải tăng cường phương pháp tiếp cận lấy cộng đồng làm trung tâm…
(Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới LAZARE ELOUNDOU ASSOMO)
Ông Phạm Phú Ngọc, Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn Di sản văn hóa Hội An cho biết: Đặc điểm khá đặc thù của Đô thị cổ Hội An so với các di sản văn hóa khác ở Việt Nam và trên thế giới là có cuộc sống đương đại của người dân trong lòng Đô thị cổ, di sản được xem là “bảo tàng sống”.
Chủ nhân thực sự trong đó chính là cộng đồng dân cư. Cộng đồng dân cư ở đây không chỉ nắm giữ các di tích mà còn đang thực hành, bảo lưu các giá trị di sản văn hóa truyền thống, đưa giá trị di sản đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Theo số liệu thống kê, trong khu vực I có tổng cộng 1.130 di tích kiến trúc nghệ thuật; di tích thuộc sở hữu tư nhân là 930 di tích, chiếm 82,3%; di tích thuộc sở hữu cộng đồng là 13 di tích, chiếm 1,2%; di tích thuộc sở hữu nhà nước là 187 di tích, chiếm 16,5%.
Trong khu vực khoanh vùng bảo vệ II (gồm IIA và IIB), gần như toàn bộ các công trình đều thuộc sở hữu của tư nhân và cộng đồng. Ngoài ra, di tích lịch sử, văn hóa ngoài vùng ven phần lớn cũng thuộc hai hình sở hữu này, bao gồm nhiều loại hình di tích: Nhà ở, nhà thờ tộc, chùa, đình, miếu, lăng, mộ…
Từ rất sớm, Hội An đã có dự thảo Quy chế bảo vệ Khu phố cổ (1985), đến năm 1987, Quy chế bảo vệ và sử dụng di tích Khu phố cổ Hội An được UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chính thức ban hành. Từ sau khi Khu phố cổ được công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1999), Hội An đã ban hành nhiều quy chế để quản lý toàn diện các hoạt động trong Khu phố cổ…
“Yêu cầu đặt ra là bên cạnh trách nhiệm bảo tồn bằng được các giá trị di sản vật thể và phi vật thể thì di sản đó phải tạo ra được nguồn lực đảm bảo để cộng đồng tái đầu tư cho di sản; đồng thời trong hoạt động bảo tồn phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nguyên tắc bảo tồn nghiêm ngặt nhưng đáp ứng được nhu cầu dân sinh trong bối cảnh cuộc sống đương đại. Khi các lợi ích hài hòa thì cộng đồng sẵng sàng chấp thuận, đồng hành với mọi chính sách bảo tồn mà nhà quản lý đề ra. Đây là hai mặt đối lập cần tìm ra sự thống nhất hoàn hảo”, ông Ngọc cho biết.
Được xem là hình mẫu của mô hình PPP, quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) cho thấy sự kết hợp tốt đem lại nguồn lực mạnh để đầu tư cho bảo tồn và phát triển hạ tầng, cơ chế quản lý linh hoạt và người dân được hưởng lợi rõ rệt từ di sản.
Ông Bùi Việt Thắng, Giám đốc BQL Quần thể danh thắng Tràng An cho biết, lượng khách tới Tràng An tăng từ 2,2 triệu (2014) lên hơn 5,6 triệu (2023); riêng 4 tháng đầu năm 2025 đã đạt 3,9 triệu lượt khách. Doanh thu du lịch đạt hơn 6.500 tỉ đồng/ năm 2024. Đóng góp vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Ninh Bình từ nông nghiệp sang dịch vụ (tỷ trọng dịch vụ đạt 47,1%), với hơn 10.000 lao động trực tiếp, 20.000 lao động gián tiếp được tạo việc làm ổn định. Thu nhập của người dân tăng cao so với thời kỳ chưa làm du lịch. Cộng đồng chuyển từ “làm nông” sang “làm du lịch”, gắn kết chặt chẽ hơn với di sản.
Để người dân được hưởng lợi từ di sản, Tràng An thực hiện hiệu quả mô hình hợp tác PPP với sự tham gia của các bên, trong đó nhà nước giữ vai trò quản lý, quy hoạch, kiểm tra và định hướng phát triển; Doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, khai thác dịch vụ (du thuyền, hướng dẫn viên, bán vé, tổ chức sự kiện...); cộng đồng tham gia vận hành dịch vụ (chèo đò, homestay, ẩm thực, hàng lưu niệm…), bảo vệ môi trường và truyền thống văn hóa; giới khoa học: Tư vấn về bảo tồn, quản trị du lịch, diễn giải di sản.
“Sự kết hợp này dựa trên các nguyên tắc: Tôn trọng giá trị gốc và tính toàn vẹn của di sản; hài hòa lợi ích giữa các bên; minh bạch tài chính và giám sát cộng đồng; phát triển du lịch có trách nhiệm”, ông Thắng cho biết.
Để phát huy vai trò cộng đồng, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo cho rằng, các địa phương cần đảm bảo phúc lợi và sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương, người dân bản địa sống trong và xung quanh các di sản thế giới; trao quyền thông qua xây dựng năng lực và chia sẻ kiến thức bảo tồn; đồng thời thúc đẩy khả năng phục hồi của di sản trước biến đổi khí hậu dựa trên tri thức bản địa; thúc đẩy số hóa, ứng dụng công nghệ AI phục vụ công tác bảo tồn di sản. “UNESCO sẵn sàng hỗ trợ các quốc gia thành viên trong việc thúc đẩy tầm nhìn chung này, nơi văn hóa là nền tảng cho phát triển bền vững”, ông Lazare Eloundou Assomo khẳng định.