Giải phóng doanh nghiệp khỏi cảnh 'đi đường dài giữa mê cung thủ tục'

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Như So chia sẻ nhiều kiến nghị để khu vực kinh tế tư nhân thực sự được giải phóng, trở thành trụ cột, không còn phải 'đi đường dài với đôi chân trần' giữa mê cung thủ tục.

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2024; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2025.

Đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh, nhận định tốc độ tăng trưởng GDP quý 1/2025 đạt 6,93%, một con số tích cực trong bối cảnh thế giới nhiều biến động. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên cho cả năm, các quý còn lại buộc phải đạt bình quân khoảng 8,4%.

"Đây là một thử thách lớn khi nền kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn những rủi ro về địa chính trị, thương mại đặc biệt là thách thức đến từ chính sách thuế của Hoa Kỳ và tác động của chiến tranh thương mại," đại biểu đánh giá.

Trong bối cảnh đó, ngày 17/5 vừa qua, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 198 nhằm thể chế hóa Nghị quyết 68/2025 của Bộ chính trị về phát triển kinh tế tư nhân. Đây là một bước tiến quan trọng mang tính "đột phá về tư duy quản lý và thiết kế thể chế" nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho kinh tế tư nhân phát triển.

Song, để biến mục tiêu cải cách từ khẩu hiệu thành hành động thực chất, tránh rơi vào tình trạng "lặp lại mục tiêu cũ, nhưng không có kết quả mới", đại biểu tỉnh Bắc Ninh đề xuất, cần phải có một cuộc đại phẫu thể chế thật sự, bắt đầu từ việc khoán rõ ràng cho từng Bộ, ngành chỉ tiêu cắt giảm thủ tục hành chính cụ thể theo từng lĩnh vực quản lý, có cam kết, có giám sát và có chế tài.

Đại biểu phân tích, thực tế hiện nay, dù có năng lực, sản phẩm và thị trường, nhiều doanh nghiệp vẫn bị vướng vào ma trận thủ tục chồng chéo, mâu thuẫn giữa các cơ quan quản lý khiến chi phí gia nhập thị trường tăng cao, cơ hội bị bỏ lỡ và niềm tin nhà đầu tư bị bào mòn. Nhiều doanh nghiệp mất cả năm để hoàn tất thủ tục, trong khi đối thủ nước ngoài đã vào cuộc, chiếm lĩnh thị phần.

"Nếu cứ tiếp tục cải cách theo kiểu gọt chân cho vừa giày, chúng ta sẽ mãi tụt hậu trên chính sân nhà. Đã từng có Khoán 10 làm nên cuộc cách mạng trong nông nghiệp nhờ dám trao quyền, cắt rào cản đúng chỗ. Giờ đây, nền kinh tế cần một Khoán 10 mới cho cải cách thể chế, khoán trách nhiệm cắt giảm thủ tục cho từng bộ, ngành theo lĩnh vực cụ thể," đại biểu nêu.

Đại biểu đề xuất thực hiện tinh thần chuyển đổi tư duy từ "xin - cho" sang "cam kết - chịu trách nhiệm". Đồng thời, nghiên cứu, thể chế chủ trương không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế trong Bộ luật hình sự sửa đổi, bổ sung lần này bằng việc quy định 1 điều về nguyên tắc xử lý đối với hành vi vi phạm quan hệ dân sự, kinh tế. Theo đó chỉ xử lý hình sự nếu có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm, có lỗi cố ý rõ ràng và gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội, ưu tiên cơ chế trọng tài, hòa giải.

"Chỉ khi ấy, khu vực kinh tế tư nhân mới thực sự được giải phóng để trở thành trụ cột, chứ không còn phải đi đường dài với đôi chân trần giữa mê cung thủ tục," đại biểu ví von.

Đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Như So - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Đại biểu Nguyễn Như So cũng đề nghị sớm nghiên cứu ban hành các chương trình hành động cụ thể nhằm xây dựng một thể chế đủ sâu để nuôi dưỡng, đủ rộng để bảo vệ, đủ linh hoạt để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Trong đó tập trung xây dựng các bộ chỉ số đánh giá, đo lường cụ thể có tính định lượng, thiết lập hệ thống giám sát, đánh giá độc lập có sự tham gia của đại diện doanh nghiệp, hiệp hội.

Để chính sách tài khóa và tiền tệ cần thật sự trở thành đòn bẩy tăng trưởng chứ không thể chỉ dừng lại ở vai trò "trấn an tinh thần", bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách, điều cấp thiết hơn là cải tổ toàn diện cơ chế thực thi để dòng vốn thực sự chảy đến đúng nơi cần thiết.

Theo đó, tiến hành cải cách tư duy đánh giá tín dụng phù hợp với từng loại hình doanh nghiệp. Không thể tiếp tục áp dụng một bộ tiêu chí giống nhau cho cả tập đoàn lớn và doanh nghiệp khởi nghiệp, đại biểu nêu giải pháp.

Mặt khác, theo đại biểu, cần tăng tốc phát triển thị trường, coi đây là đòn bẩy chiến lược, tạo động lực tăng trưởng và nâng cao sức chống chịu của khu vực kinh tế tư nhân. Song song đó, cũng cần phải kiến tạo một thị trường minh bạch, công bằng, liêm chính, không thể để gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái len lỏi, làm méo mó sân chơi, suy yếu niềm tin, bóp nghẹt những doanh nghiệp chân chính và xói mòn lòng tin thị trường như thời gian qua.

"Đây không chỉ là yêu cầu quản lý, mà là cam kết đạo đức với một nền kinh tế phát triển dựa trên giá trị thật," đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nhìn nhận.

Cần khuyến khích tăng trưởng bất động sản

Phát biểu tại họp tổ, đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội đã đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm, cấp bách nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt ít nhất 8% trong năm 2025. Trong đó đại biểu nhấn mạnh giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

"Muốn thúc đẩy tăng trưởng mạnh trong năm 2025, không chỉ chú trọng vào đầu tư công, mà còn phải khuyến khích đầu tư khối tư nhân. Về nguyên tắc, tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn và lao động, khu vực nào hút tiền càng nhiều, tăng trưởng sẽ nhanh," đại biểu phân tích và nêu quan điểm, cần khuyến khích tăng trưởng bất động sản, đặc biệt là nhà ở xã hội, kéo đà tăng của nền kinh tế.

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn ĐBQH TP Hà Nội

Cũng theo đại biểu, tại kỳ họp này, Chính phủ đề xuất cho phép áp dụng rộng rãi cơ chế xử lý khó khăn, vướng mắc tương tự đối với các dự án, đất đai đã có kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án như Nghị quyết 170/2024/QH15 trên phạm vi toàn quốc. Trong khi đó, thống kê của Bộ Tài chính cho thấy có 2.200 dự án đang triển khai dở dang, bị dừng do vướng mắc pháp luật, tổng số vốn đầu tư của các dự án này là 5,9 triệu tỷ đồng.

"Tiền đang bị chôn ở các dự án này. Tôi đề nghị nên cho nhân rộng áp dụng cơ chế đã được xử lý như Nghị quyết 170 cho dự án khác trong toàn quốc để giải phóng toàn bộ nguồn lực. Đây sẽ là yếu tố đóng góp tăng trưởng rất lớn trong giai đoạn này," đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/giai-phong-doanh-nghiep-khoi-canh-di-duong-dai-giua-me-cung-thu-tuc-41834.html
Zalo