Đa dạng hóa thị trường để đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% - Bài 2: Doanh nghiệp xuất khẩu không ''bỏ trứng vào một giỏ''
Những thách thức từ các thị trường đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải nỗ lực đa dạng hóa thị trường, tận dụng tối đa các FTA và không 'bỏ trứng vào một giỏ'.
Cần thiết đa dạng thị trường
Xu hướng bảo hộ trên thị trường thế giới ngày càng mạnh mẽ và là xu hướng không thể tránh khỏi và Việt Nam buộc phải đối diện khi tham gia “cuộc chơi” thương mại toàn cầu.
Góp ý “lời giải” cho “bài toán” này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính chia sẻ, Bộ Công Thương và các thương vụ, đại sứ quán, cơ quan quản lý nhà nước phải chủ động, tích cực hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm thị trường mới, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, từ đó đa dạng hóa hoạt động xuất nhập khẩu, tránh quá tập trung vào một số thị trường. Việc này giúp doanh nghiệp đỡ được những “cú sốc” khi các thị trường lớn thay đổi trong chính sách hay trục trặc trong nền kinh tế.
![Đa dạng hóa thị trường là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn (Ảnh: Cấn Dũng)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51429863/6c28ba01804f6911305e.jpg)
Đa dạng hóa thị trường là giải pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn (Ảnh: Cấn Dũng)
Bên cạnh đó, phải tổ chức kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Làm sao để các đơn hàng có được nhiều hơn và thông suốt hơn. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động kết nối các doanh nghiệp trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, đáp ứng yêu cầu xanh hơn, sạch hơn, từ đó thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu tốt hơn.
Đồng ý kiến, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) cho hay, trong bối cảnh các thị trường khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu cần lưu ý nỗ lực đa dạng hóa thị trường, tránh việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường có thể gây rủi ro. Doanh nghiệp nên mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông, châu Phi… để giảm thiểu rủi ro và tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết.
Bên cạnh đó, dù ở bất cứ thị trường nào thì việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cũng sẽ giúp doanh nghiệp trụ vững hơn trên thị trường. Mỗi thị trường đều có những tiêu chuẩn khác nhau nên doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn này để duy trì và mở rộng thị phần.
“Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin và tuân thủ các quy định để tránh bị áp dụng các biện pháp này.Tăng cường năng lực cạnh tranh đầu tư vào công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất và quản lý để giảm chi phí, nâng cao hiệu quả và tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế” - PGS.TS Ngô Trí Long lưu ý.
FTA sẽ tiếp tục là “chìa khóa” quan trọng cho năm 2025
Những biến động không thể lường trước trên thị trường đã và đang cho thấy, doanh nghiệp cần tận dụng thật tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực để gia tăng kim ngạch xuất nhập khẩu theo hướng đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa cơ hội.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) thông tin, năm 2024, các cơ quan, tổ chức được ủy quyền đã cấp khoảng 1,8 triệu bộ C/O ưu đãi với trị giá hơn 100 tỷ USD, tăng 28% về trị giá và 18% về số lượng C/O so với cùng kỳ năm 2023 (chiếm 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường ký FTA). Tôi cũng xin lưu ý rằng tỷ lệ cấp C/O tại nước xuất khẩu không hoàn toàn phản ánh tỷ lệ sử dụng C/O tại nước nhập khẩu và tỷ lệ tận dụng FTA.
Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi trung bình 28% không có nghĩa là 72% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu còn lại của Việt Nam phải chịu thuế cao bởi thuế nhập khẩu tại một số thị trường như Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc) đã là 0%. Hơn nữa, con số 28% chỉ là tỷ lệ cấp trung bình của các mẫu C/O ưu đãi. Tỷ lệ cụ thể khác nhau theo từng mẫu C/O, từng thị trường và mặt hàng xuất khẩu. Tỷ lệ cấp C/O ưu đãi 28% cho thấy đây là một kết quả tích cực, thể hiện Việt Nam đang tận dụng tốt ưu đãi FTA. Đồng thời cho thấy, FTA sẽ là “chìa khóa” cho doanh nghiệp tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay.
Về phía doanh nghiệp, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho biết, cùng với việc bám sát thông tin, cập nhật kịp thời tình hình chính sách từ các thị trường, Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam cũng đã khuyến nghị doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu sang các đối tác mới ở khu vực thị trường EU, Trung Đông, châu Á, đặc biệt là các thị trường Việt Nam có FTA. Thực tế, thời gian qua, các FTA đã và đang mang lại cơ hội lớn cho hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài.
“Việt Nam là nguồn cung hồ tiêu, gia vị lớn của thị trường thế giới, các nhà mua hàng không thể không mua hồ tiêu của Việt Nam được. Tuy nhiên, những chính sách tác động thuế quan sẽ tác động đến toàn bộ chuỗi cung ứng, đặc biệt là biên độ lợi nhuận cho người nông dân và doanh nghiệp xuất khẩu. Do đó, chúng tôi mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành cũng cần có những tham vấn, chuẩn bị sẵn những kịch bản, giải pháp cho cả những tình huống xấu nhất” – bà Hoàng Thị Liên nêu rõ.
![Nông sản Việt hiện có mặt ở hơn 200 thị trường (Ảnh: Tập đoàn Lộc Trời)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_35_51429863/3694e2bdd8f331ad68e2.jpg)
Nông sản Việt hiện có mặt ở hơn 200 thị trường (Ảnh: Tập đoàn Lộc Trời)
Đối với nông sản, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho hay, việc hàng hóa Việt Nam xuất khẩu mạnh sẽ khiến các nước dựng lên các hàng rào để bảo vệ hàng nội dịa. Do đó, một trong những giải pháp quan trọng nhất hiện nay để xuất khẩu nông sản bền vững là tổ chức sản xuất bài bản theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số; chặt chẽ từ khâu nguyên liệu đến khâu chế biến và thúc đẩy thương mại.
Bên cạnh đó, thực hiện tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến để giữ tốc độ tăng trưởng của ngành duy trì ở mức cao. Nông lâm thủy sản Việt Nam đã có mặt ở hơn 200 thị trường và nỗ lực đa dạng hóa đã và đang giúp nhóm hàng này đứng vững trong khó khăn.
Bộ Công Thương đồng hành với doanh nghiệp
Chia sẻ với báo chí về mục tiêu tăng trưởng xuất nhập khẩu của năm 2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, để thực hiện thành công mục tiêu này đòi hỏi quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả của tất cả các cấp, các ngành, các địa phương và các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu hàng hóa gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Do đó, Bộ Công Thương dự kiến sẽ tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm huy động lợi thế cạnh tranh, tận dụng cơ hội về thị trường xuất khẩu thông qua việc thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng khai thác có hiệu quả các thị trường truyền thống còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, tham mưu đàm phán, ký kết hợp tác với các thị trường mới; chú trọng khai thác và tận dụng tối đa các cơ hội từ thị trường trọng điểm, chiến lược.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên, phát huy và nâng cao vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài trong việc nắm bắt thông tin, phản ánh kịp thời những diễn biến của kinh tế thế giới và các chủ trương, chính sách của các nước sở tại, giúp các cơ quan nhà nước có những phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả, bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc.
Đồng thời, cảnh báo, khuyến nghị các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng các giải pháp để ứng phó phù hợp, đẩy mạnh xúc tiến thương mại có trọng tâm, trọng điểm.
Đáng chú ý, đa dạng hình thức xúc tiến, gắn hoạt động xúc tiến thương mại với phát triển sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước và phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số. Tăng cường cảnh báo sớm rủi ro và đồng hành với doanh nghiệp khi phát sinh các vụ kiện phòng vệ thương mại.
Thực tế, hiệu quả công tác xúc tiến thương mại góp phần vào thành quả xuất khẩu hàng hóa thời gian qua là minh chứng hùng hồn cho thấy, xúc tiến thương mại thực sự là cầu nối dẫn đường đưa sản phẩm Việt Nam thâm nhập ra thị trường quốc tế. Từ thị trường gần đến thị trường xa, từ thị trường truyền thống đến thị trường mới, với mục tiêu đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, không “bỏ trứng vào một giỏ”, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 12% là điều có thể đạt được.
Theo xếp hạng của WTO, những năm qua, Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu. Năm 2023, Việt Nam góp mặt trong Top 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa lớn nhất thế giới, đứng ở vị trí 23. Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam đứng thứ 22.