Đa dạng hóa hình thức vận động bầu cử Quốc hội
Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban công tác đại biểu của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; trong đó có nội dung về hình thức vận động bầu cử vào sáng 12/5.
Theo tờ trình, quan điểm của việc chỉnh sửa lần này là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy đã có chỉ đạo rõ của cấp có thẩm quyền; những vấn đề cấp thiết xuất hiện trong thực tế để cụ thể hóa các chỉ đạo, kết luận của Trung ương Đảng và kịp thời khắc phục một số bất cập đã được tổng kết trong triển khai Luật Bầu cử thời gian qua.
Dự thảo luật có đề xuất đa dạng hóa hình thức vận động bầu cử, gồm cả trực tiếp, trực tuyến, trực tiếp kết hợp với trực tuyến. Dự thảo Luật cũng lược bỏ toàn bộ các quy định có nội dung liên quan đến Hội đồng nhân dân cấp huyện như: Hội đồng nhân dân; đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức phụ trách bầu cử, đơn vị bầu cử cấp huyện,…
Dự thảo Luật điều chỉnh, bổ sung một số nội dung có liên quan đến mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, như: thẩm quyền quyết định việc xác định khu vực bỏ phiếu, việc tăng số lượng thành viên của Ủy ban bầu cử ở cấp xã; bổ sung thành phần đại diện Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã tham dự các hội nghị hiệp thương ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, bổ sung quy định chuyển tiếp, quy định đối với những nơi hiện không tổ chức Hội đồng nhân dân phường.
Dự án luật cũng sửa đổi 20 điều có nội dung liên quan đến giảm thời gian thực hiện một số bước trong quy trình bầu cử. Trong đó, đối với khoảng thời gian từ thời điểm cuối nộp hồ sơ ứng cử tới ngày bầu cử: rút ngắn từ 70 ngày xuống còn 42 ngày, nhưng vẫn đảm bảo tổng thời gian từ hạn cuối công bố ngày bầu cử đến ngày bầu cử là 115 ngày như Luật hiện hành.