Đa dạng hóa các hình thức phát triển vùng dân tộc thiểu số
Những năm gần đây, nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đã có nhiều đổi thay. Trong đó, nhiều địa phương của tỉnh Hòa Bình đã tập trung xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất, hỗ trợ đồng bào DTTS vươn lên phát triển kinh tế hiệu quả, giảm nghèo bền vững.
Đà Bắc là huyện khó khăn nhất của tỉnh Hòa Bình, tỷ lệ đồng bào DTTS chiếm đến gần 90%. Nơi đây có địa hình phần lớn là đồi núi cao, hiểm trở, thường xuyên hứng chịu các đợt thiên tai, bão lũ, sạt lở đất đá. Để chăm lo đời sống cho đồng bào DTTS và miền núi nơi đây, huyện xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, vì vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm, triển khai hiệu quả nhiều chương trình, chính sách để nâng cao đời sống cho đồng bào. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, Phòng Dân tộc huyện đã tăng cường tham mưu với UBND huyện Đà Bắc thực hiện tốt công tác dân tộc, quan tâm, chăm lo đời sống cho người dân vùng đồng bào DTTS.
Bà Đinh Thị Năm - Trưởng phòng Dân tộc huyện Đà Bắc cho biết, để thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc, Phòng Dân tộc tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo UBND huyện chỉ đạo đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình MTQG 1719) trên địa bàn.
Theo đó, huyện Đà Bắc chú trọng hỗ trợ giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt của đồng bào DTTS; phát triển giáo dục đào tạo… Qua đó, cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao thu nhập, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Còn tại huyện Yên Thủy, tính đến cuối năm 2023, toàn huyện có 17.310 hộ dân, trong đó có 798 hộ nghèo, chiếm 4,26%. Trong đó, 85,84% là hộ nghèo đồng bào DTTS. Để chăm lo cho đồng bào DTTS, đặt biệt là những hộ nghèo, những năm gần đây, huyện Yên Thủy chú trọng lồng ghép nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ sản xuất, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS.
Vì vậy, theo thống kê của UBND huyện, thực hiện tiểu Dự án 1 “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp bền vững gắn với bảo vệ rừng và nâng cao thu nhập cho người dân”, huyện đã được giao hơn 1,7 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp, đến nay đã giải ngân đạt 100%. Nguồn vốn được sử dụng hỗ trợ bảo vệ rừng 5 xã thuộc vùng điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với diện tích rừng được bảo vệ 2.127,5 ha. Đối với tiểu Dự án 2 “Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi”, tổng kế hoạch vốn giao là hơn 7 tỷ đồng từ nguồn vốn sự nghiệp. Kết quả giải ngân đến nay đạt 50,81% kế hoạch. Nguồn vốn được sử dụng để thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, vùng trồng dược liệu quý, thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào DTTS và miền núi. Từ đó mang lại doanh thu cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nâng cao thu nhập cho người dân.
Theo bà Đinh Thị Thảo - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, Chương trình MTQG 1719 là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Để thực hiện, tỉnh Hòa Bình đã tập trung triển khai các tiểu dự án trong vùng đồng bào. Đặc biệt, quan tâm hỗ trợ sinh kế, chuyển đổi ngành nghề trong đồng bào dân tộc đúng trường hợp và theo quy định. Từ năm 2021 đến nay, Hòa Bình đã hỗ trợ chuyển đổi nghề cho hơn 2.300 hộ với số tiền 23 tỷ đồng.
“Để thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS phát triển. Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình tiếp tục thực hiện chính sách về hỗ trợ nhà ở cho người dân; tổ chức rà soát, tính toán lại để đẩy nhanh tiến độ triển khai chính sách. Bên cạnh đó, các địa phương quan tâm, tạo sinh kế bền vững cho người dân, phát triển hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục; tập trung giải ngân nguồn vốn Trung ương và địa phương đảm bảo đúng quy định, hiệu quả, tránh gây lãng phí hoặc không phù hợp với thực tế” - bà Thảo nói.