Đa dạng hàng hóa, nông sản phục vụ thị trường tết
Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 đang đến gần, đây là thời điểm nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Do đó, các hợp tác xã (HTX), cơ sở kinh doanh, hộ sản xuất nông nghiệp, làng nghề tích cực chuẩn bị hàng hóa, nông sản nhằm phục vụ thị trường.
Đặc sản tết vào mùa
Từ xưa đến nay, bánh, mứt truyền thống là những món không thể thiếu trong những ngày tết. Thời điểm này, nhiều cơ sở, làng nghề đang vào mùa, tất bật sản xuất hàng tết để cung ứng cho thị trường.
Những ngày này, các cơ sở làm bánh, mứt trong tỉnh Long An nhộn nhịp hẳn lên, mọi người tất bật làm ra những mẻ bánh, mứt chất lượng, thơm ngon phục vụ những ngày tết.
Tại hộ kinh doanh (HKD) Vạn Long (xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ), công nhân đang hối hả sản xuất. Người cân bột, người đổ khuôn, người đóng gói,... ai nấy đều khẩn trương. Mùi bột, mạch nha, đậu phộng, gừng,... thơm lừng.
Theo chủ HKD Vạn Long - Dương Thị Anh Thơ, từ tháng 8 Âm lịch, HKD bắt tay sản xuất hàng tết. Sản phẩm chủ lực của HKD là mứt gừng sên (mứt gừng nguyên củ) và các loại bánh in. Hiện vào mùa cao điểm nên HKD tăng số công nhân để sản xuất. Năm nay, HKD sản xuất khoảng 5 tấn mứt gừng và dùng khoảng 10 tấn bột để làm bánh in các loại theo đơn đặt hàng.
"Sản phẩm bánh in Vạn Long được UBND huyện Tân Trụ công nhận là sản phẩm OCOP hạng 3 sao từ tháng 7/2024. Đây là minh chứng cho chất lượng sản phẩm của HKD. Đồng thời, thông qua phát triển sản phẩm OCOP, HKD được hỗ trợ cải tiến mẫu mã, bao bì của sản phẩm. Ngoài ra, các sản phẩm cũng có mặt trên nhiều sàn thương mại điện tử để thuận tiện kết nối tiêu thụ” - chị Thơ cho biết thêm. Nhờ chú trọng duy trì chất lượng nên sản phẩm bánh, mứt của HKD Vạn Long vẫn tiêu thụ tốt.
Bên cạnh bánh, mứt, các sản phẩm như chả giò, lạp xưởng cũng là món ngon không thể thiếu trong những ngày tết.
Giám đốc Công ty (Cty) TNHH Một thành viên Chả giò Kim Ngọc Food (xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) - Lê Ca Bin cho biết: Cty hiện có 8 sản phẩm OCOP 3 sao gồm: Chả giò xốp thịt heo, chả giò rế thịt heo, chả giò xốp con tôm, chả giò rế con tôm, chả giò xốp chay, chả giò rế chay, chả giò hải sản phô mai và lạp xưởng tươi. Cty đưa vào hoạt động dây chuyền sản xuất khép kín, từ khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào, chế biến cho đến khâu đóng gói, vận chuyển.
Nếu như ngày thường, Cty chỉ sản xuất chả giò các loại khoảng 30.000 hộp/tháng thì những ngày này, phải tăng lên gấp 2-3 lần mới đáp ứng đủ các đơn đặt hàng của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Vì vậy, Cty phải thuê thêm công nhân làm việc và tăng ca liên tục.
Bánh, mứt, chả giò, lạp xưởng,... là những món ăn mang đậm hương vị tết. Các cơ sở sản xuất đang từng ngày nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến về hình thức, đặc biệt là bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tất bật chăm sóc hoa, sản xuất rau phục vụ thị trường
Thời điểm này, người trồng hoa, kiểng trên địa bàn tỉnh tất bật chăm sóc từng giỏ hoa, chậu kiểng để ra nhánh, đâm đọt, ra hoa đúng dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Theo nhiều người trồng hoa, năm nay, thời tiết không thuận lợi nên chăm sóc hoa khó khăn hơn. Dù kỳ vọng vào thị trường, song do vụ hoa Tết Nguyên đán năm 2024, tình hình tiêu thụ khá bấp bênh khiến nhiều người lo ngại cho vụ hoa này.
Ông Nguyễn Văn Bình (xã Long Hòa, huyện Cần Đước) cho biết, sau khi thu hoạch xong vụ rau, ông mua chậu, giống hoa về gieo trồng để phục vụ nhu cầu người dân.
Muốn hoa nở đẹp thì ngoài giống và cách chăm sóc, việc lựa chọn chất đất để trồng cũng rất quan trọng. Đất trồng hoa phải sạch, được trộn, ủ kỹ từ đầu năm với các loại thuốc phòng trừ nấm và phân chuồng để tạo dinh dưỡng, sau đó mới trồng.
“Năm trước, tình hình kinh doanh hoa không thuận lợi, tôi lo lắng thị trường năm nay cũng sẽ bấp bênh nên chỉ trồng khoảng 1.000 chậu hoa cúc” - ông Bình chia sẻ thêm.
Nhiều người trồng hoa cho biết, năm nay, mặc dù tình hình kinh tế đã phục hồi nhưng nhiều người trồng hoa vẫn không dám trồng nhiều như những năm trước. Nguyên nhân chủ yếu là sợ ế ẩm, phải đổ bỏ hoặc chở hoa, kiểng trở lại vườn.
Những ngày này, tại HTX Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước), không khí lao động, sản xuất sôi nổi. Các thành viên HTX tất bật sản xuất rau phục vụ thị trường tết.
Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa - Kiều Anh Dũng khẳng định: “Hiện nay, diện tích trồng rau của HTX tăng lên khoảng 30% so với ngày thường, trong đó chủ yếu tập trung trồng các loại rau như hành lá, rau thơm, xà lách,... Đây là những loại rau rất hút hàng dịp Tết Nguyên đán. Dự kiến, giá các loại rau sẽ tăng khoảng 20-30% so với ngày thường”.
Hàng hóa, nông sản dồi dào
Thông tin từ Sở Công Thương, nhằm tạo nguồn hàng hóa dồi dào với giá ổn định, hợp lý cho thị trường trong những tháng cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 trên địa bàn tỉnh, Sở có văn bản yêu cầu Cty Cổ phần Thương mại và Xuất nhập khẩu Long An, Cty Cổ phần Thương mại Mộc Hóa, Co.op Mart Tân An, Co.op Mart Bến Lức, Co.op Mart Cần Giuộc, Cty Cổ phần Thực phẩm An Long, Cty Cổ phần Ba Huân và hệ thống 93 cửa hàng Bách Hóa Xanh, 6 cửa hàng Winmart Long An, 17 cửa hàng tiện lợi San Hà và các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại xây dựng phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu, mặt hàng đa dạng về mẫu mã, số lượng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.
Theo đó, hàng hóa mà các doanh nghiệp tham gia tạm trữ như gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, rượu, bia, nước giải khát, hàng thực phẩm tươi sống, rau, củ, quả các loại, thịt, cá, trứng, sữa, lạp xưởng, giò chả, bánh, mứt,... tổng giá trị hàng hóa khoảng 1.259 tỉ đồng (tăng 36 tỉ đồng so với lượng hàng hóa tạm trữ phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có hơn 3.200 đại lý bách hóa tổng hợp góp phần tăng nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Mặt khác, các doanh nghiệp kinh doanh thương mại tổ chức mở rộng mạng lưới bán lẻ, phân phối đến các khu vực nông thôn, khu, cụm công nghiệp với hình thức bán hàng trực tuyến để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân ở vùng sâu, vùng xa và của công nhân, góp phần tăng khả năng tiếp cận hàng hóa cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin: Sở tham gia ký kết biên bản thỏa thuận kết nối cung - cầu hàng hóa ổn định thị trường năm 2023 giữa Sở Công Thương TP.HCM, TP.Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 16/11/2023 tại TP.HCM.
Thông qua chương trình hợp tác thương mại này, khi có tình hình biến động về giá cả thị trường hàng hóa ở địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM tăng bất thường thì Sở Công Thương địa phương đó có trách nhiệm thông báo đến các tỉnh, thành phố trong khu vực để các Sở Công Thương huy động doanh nghiệp cung ứng hàng hóa về hỗ trợ ổn định thị trường.
“Nhìn chung, tình hình hàng hóa phục vụ tết tại các chợ, siêu thị trên địa bàn các huyện, thị xã Kiến Tường, TP.Tân An tương đối dồi dào, phong phú về mẫu mã, đa dạng về chủng loại, các tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống đã chủ động nhập hàng hóa tạm trữ, nhất là mặt hàng bánh, kẹo, mứt các loại,... phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân” - ông Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin thêm./.