Đã có 57 TCTD đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội khi cho vay

Trao đổi tại Tọa đàm với chủ đề: 'Thực hành Báo cáo Phát triển bền vững trong lĩnh vực ngân hàng với giải pháp AI'do Thời báo Ngân hàng phối hợp với Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh quốc (ACCA) tổ chức sáng nay (21/5), ông Trần Anh Quý - Trưởng phòng Tín dụng chính sách, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, đến 31/3/2025 có 57 TCTD đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội với dư nợ hơn 3,62 triệu tỷ đồng.

Theo ông Quý, báo cáo phát triển bền vững (SDGs) có vai trò vô cùng quan trọng đối với các ngân hàng trong bối cảnh hiện nay và là xu hướng phát triển tất yếu, chủ đạo của ngành Ngân hàng. Trong năm 2024, số Báo cáo SDGs được công bố tăng kỷ lục là 33 tổ chức, trong đó, có thêm 06 ngân hàng vừa công bố Báo cáo SDGs.

Thực tế, đã có nhiều quy định về lập báo cáo phát triển bền vững như Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Thông tư số 96/2020/TT-BTC hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán và Thông tư số 116/2020/TT-BTC hướng dẫn một số điều về quản trị công ty áp dụng đối với công ty đại chúng.

Về phía NHNN cũng có nhiều chính sách khuyến khích Báo cáo SDGs. Đơn cử như Quyết định số 986/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trong đó có giao mục tiêu ngành Ngân hàng đóng góp tích cực cho phát triển bền vững. Quyết định số 731/QĐ-NHNN đặt mục tiêu góp phần tích cực thực hiện SDGs quốc gia khác; nâng cao vai trò và trách nhiệm của Ngành với giải pháp đó là chủ động và tích cực tham gia, tăng cường vị thế của Việt Nam; TCTD lồng ghép vào chiến lược, chương trình, kế hoạch kinh doanh, quy trình nghiệp vụ.

Hay Quyết định 1408/QĐ-NHNN năm 2023 Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 và Đề án về những nhiệm vụ, giải pháp triển khai kết quả Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu do Thống đốc NHNN Việt Nam ban hành. Trong đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng xây dựng và công bố Báo cáo phát triển bền vững, công bố các cam kết “xanh” của tổ chức mình. Quyết định 1604/QĐ-NHNN năm 2018 về phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam; Quyết định 1663/QĐ-NHNN ngày 6/8/2024 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ban hành năm 2018 về việc phê duyệt Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam đặt mục tiêu tích cực thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Giải pháp được đưa ra đó là đào tạo, tuyên truyền; tổ chức các diễn đàn, hội thảo về chủ đề phát triển bền vững; bổ sung trong báo cáo thường niên.

Bên cạnh ban hành mục tiêu, chiến lược, NHNN cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ, khuyến khích thực hành và báo cáo SDGs như tổ chức nhiều tọa đàm, sự kiện về chủ đề này. Ban hành sổ tay hướng dẫn đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đối với một số ngành sản xuất và kinh doanh.

Nhờ đó, đến nay cả hệ thống có 13-15 TCTD đã công bố Báo cáo SDGs; riêng năm 2024 có thêm 06 TCTD công bố. Đến 31/3/2025 có 58 TCTD phát sinh dư nợ xanh, đạt trên 704.200 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (37%) và nông nghiệp xanh (29%). Giai đoạn 2017-2024, dư nợ cấp tín dụng xanh bình quân đạt gần 21,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế. Đến 31/3/2025 có 57 TCTD đánh giá rủi ro về môi trường và xã hội với dư nợ hơn 3,62 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên các TCTD cũng gặp khó khăn khi thực hành báo cáo phát triển bền vững. Đơn cử như chi phí đầu tư, thuê tư vấn xây dựng báo cáo còn cao. Lực lượng cán bộ có trình độ cao, chuyên sâu còn hạn chế. Ngoài ra, thiếu khung pháp lý để xây dựng danh mục đầu tư xanh, phát triển bền vững của các NHTM.

Để hóa giải các khó khăn nêu trên, cần triển khai một số giải pháp như: Danh mục phân loại xanh quốc gia (Danh mục tiêu chí xác định dự án xanh) cần được sớm ban hành;Tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc tế, tiếp cận, tiếp nhận các hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn phù hợp. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động trao đổi kinh nghiệm, đào tạo; Nâng cao chất lượng tư vấn, xây dựng Báo cáo phát triển bền vững cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng.

Về phía các TCTD cũng cần chủ động nghiên cứu, tìm kiếm tư vấn xây dựng khuôn khổ quản trị hướng tới phát triển bền vững; bố trí nguồn lực để đầu tư cho thực hành ESG, công bố Báo cáo phát triển bền vững.

Quỳnh Trang - ảnh: Hoàng Giáp

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/da-co-57-tctd-danh-gia-rui-ro-ve-moi-truong-va-xa-hoi-khi-cho-vay-164549.html
Zalo