Cứu trợ phải đúng địa chỉ, hiệu quả, tránh lãng phí

Đợt cứu trợ đồng bào bị bão lũ do bão Yagi gây ra vừa qua được xem là rất lớn. 1.839 tỷ đồng qua Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam và hàng tỷ đồng, hàng hóa của các cá nhân, hội đoàn, tổ chức từ thiện... được đưa đến tay người dân. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập trong công tác từ thiện, có thể gây lãng phí, thậm chí ít hiệu quả. Có nhiều bài học rút ra từ công tác từ thiện, cứu trợ khẩn cấp...

Cuộc cứu trợ lớn, đầy ắp tình thương yêu đồng bào

Bão Yagi, một cơn bão đặc biệt lớn với sức tàn phá khủng khiếp. Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, cơn bão gây thiệt hại cho Việt Nam 81.500 tỷ đồng. Bão gây thiệt hại rất lớn về người, 44 người chết và mất tích; số người chết và mất tích do sạt lở đất, lũ quét 264 người. Đằng sau những con số khủng khiếp đó là cảnh hàng ngàn người mất nhà cửa, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất; đặc biệt có nhiều vùng bị cô lập do sạt lở đất, lũ, lũ quét bao vây.

Cứu trợ khẩn cấp cho đồng bào bị bão lũ được xem là nhiệm vụ khẩn cấp. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kịp thời đứng ra tổ chức, phát động sâu rộng trong nhân dân đợt cứu trợ lớn nhất và hiệu quả nhất, làm rất bài bản và đặc biệt minh bạch qua hàng ngàn trang sao kê số tiền người dân ủng hộ và cả công khai số tiền chi cho các địa phương. Sự minh bạch đó càng làm cho người dân tin tưởng và an tâm đóng góp tiền cứu trợ. Đến nay, MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận tổng số tiền cứu trợ là 1.839 tỷ đồng.

Người dân thôn Ngọc Chẫm, xã Thăng Long, Nông Cống, Thanh Hóa gói bánh chưng tối 10/9 ủng hộ đồng bào vùng lũ

Người dân thôn Ngọc Chẫm, xã Thăng Long, Nông Cống, Thanh Hóa gói bánh chưng tối 10/9 ủng hộ đồng bào vùng lũ

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, nguồn lực ủng hộ này được phân bổ cho nhân dân vùng bão lũ thành 3 giai đoạn: phòng, chống bão lũ; nhanh chóng khắc phục, tìm kiếm người mất tích và bước đầu sửa chữa nhà ở cho người dân, các công trình xã hội; giai đoạn thứ ba là tái thiết cơ sở hạ tầng cho người dân. Việc Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức cứu trợ bài bản như vậy đã được nhân dân tin tưởng. Đó cũng là một kinh nghiệm quý báu để cơ quan này tổ chức tốt hơn ở những lần vận động cứu trợ sau đó.

Ngoài Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, tấm lòng thiện nguyện và nhân ái của người dân cả nước hướng về đồng bào bị thiên tai đã thắp lên như một ngọn đuốc nhân ái sáng rực. Tinh thần đó được thể hiện rõ qua những đoàn xe đầy ắp hàng hóa, ùn ùn chạy từ các tỉnh phía Nam chở ra Bắc của rất nhiều cá nhân, cơ quan, các tổ chức từ thiện, hội nhóm. Đây là đợt cứu trợ rất lớn, đầy ắp tính nhân văn, đạo lý dân tộc. Qua đó, cho thấy tinh thần thiện nguyện của người dân lớn đến mức nào. Hai trường hợp phát hiện vàng trong quần áo cứu trợ và được trao trả lại cho chủ nhân, cho thấy tấm lòng nhân ái của người dân lớn đến mức nào.

Thực phẩm cứu trợ phải bảo đảm an toàn

Tuy nhiên trong mênh mông tình yêu thương đó, vẫn có nhiều vấn đề cần rút kinh nghiệm để công tác thiện nguyện xã hội hóa được làm tốt hơn. Quan sát kỹ những chuyến hàng cứu trợ khắp nơi, dễ thấy ngoài những đoàn xe chở đầy thực phẩm, quần áo, thuốc men, nhu yếu phẩm khác, còn có bánh chưng, bánh tét, ruốc thịt; cơm nắm, thức ăn kèm theo được hút chân không rất vệ sinh.

Thực phẩm hút chân không tưởng rất an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị hỏng khi đến tay người dân

Thực phẩm hút chân không tưởng rất an toàn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị hỏng khi đến tay người dân

Bà con nhiều địa phương thức cả đêm gói bánh chưng, bánh tét để kịp thời gửi đến tận tay bà con vùng lũ bão. Tại Quảng Bình, một cửa hàng đã cùng với bà con phường Phú Hải, TP Đồng Hới làm 500 hộp thịt sả ruốc gửi ra miền Bắc. Tại Hà Nội, một số nhóm gia đình đã quyết định làm cơm nắm muối vừng, lạc rang, ruốc thịt để gửi lên vùng lũ. Những món ăn được hút chân không hoặc cho vào hộp kín, đóng gói cẩn thận... Nhiều lắm những tấm lòng tích cực như vậy.

Việc cứu trợ đồ ăn cho bà con vùng lũ là cần thiết, nhưng gửi những đồ ăn gì bảo đảm dinh dưỡng, lại dự trữ được lâu ngày là cả một vấn đề. Thực tế cho thấy, bánh mì sau 1 ngày sẽ bị mềm ỉu, hỏng trong quá trình vận chuyển; bánh mì ăn liền đến tay người nhận thì hết hạn sử dụng, cứng ngắc; trứng dễ vỡ trên đường đi; gạo gặp nước bị mốc; bánh chưng, bánh tét bị thiu vì nhiệt độ ngoài trời cao.

Sau khi nhận đồ ăn từ các đơn vị quyên góp, chính quyền địa phương rất mừng nhưng lại gây những khó khăn khác khi phải xử lý những tấn thực phẩm chất đống vì không thể chuyển ngay cho dân. Số đồ ăn này có nguy cơ phải tiêu hủy khi hết thời gian an toàn để sử dụng, vừa gây lãng phí tiền bạc, công sức của người cho.

Việc bảo quản thực phẩm cứu trợ là vấn đề lớn, không hề đơn giản. TS Vũ Thị Tần, giảng viên Hóa vô cơ ĐH Bách Khoa Hà Nội cho rằng đồ ăn hút chân không như bánh mì, bánh chưng, cơm nắm, xôi... chuyển cho bà con vùng lũ tưởng an toàn nhưng không phải như vậy. Theo TS Tần cho biết: "Hút chân không là rút hết khí của thực phẩm, tạo môi trường chân không (không còn không khí trong thực phẩm). Phương pháp này có thể ngăn cản sự phát triển của một số loại vi khuẩn, nhưng có loại vi khuẩn lại phát triển mạnh mẽ ở trong môi trường kị khí (không có không khí hoặc thiếu oxy), như botulinum chẳng hạn. Độc tố botulinum có thể gây nhiễm độc mạnh, thậm chí gây tử vong, rất nguy hiểm". Hơn nữa, việc các loại thực phẩm được chế biến ồ ạt, nếu trong quá trình chế biến có nhiễm khuẩn botulinum thì việc hút chân không sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển mạnh hơn nhiều so với việc để đồ ăn trong túi bình thường.

Hàng hóa cứu trợ chưa tiếp cận được với người dân vùng thiên tai, được đổ thành từng đống lớn

Hàng hóa cứu trợ chưa tiếp cận được với người dân vùng thiên tai, được đổ thành từng đống lớn

Cần xác định những thứ người dân cần, tránh lãng phí

Cứu trợ cũng phải khoa học, đòi hỏi phải có kiến thức chế biến thực phẩm, phải tìm hiểu người dân đang cần gì, những thứ ưu tiên, cần chuyển gấp đến người dân. Việc thực hiện cứu trợ nếu không có kế hoạch, tổ chức tốt, có thể dẫn đến lãng phí và không đạt được hiệu quả. Thực tế cho thấy, không phải lúc nào hành động thiện nguyện, xuất phát từ trái tim cũng đạt được hiệu quả như mong đợi.

Nhiều đoàn từ thiện chỉ mang đến giao cho chính quyền địa phương, chụp ảnh, đăng lên mạng xã hội là đã trao, vì không thể đến tận nơi do đường sá hư hỏng, di chuyển rất nguy hiểm. Tuy nhiên những người trực tiếp cứu nạn, cứu hộ cho biết, hàng hóa cứu trợ quá nhiều, chủ yếu là thực phẩm ăn nhanh nên rất nhanh hỏng, dẫn tới việc chỗ cần vẫn cần mà chỗ thừa vẫn cứ thừa. Giải cứu người vừa xong đến giải cứu đồ từ thiện. Có tình trạng cả thôn 300 người mà có tới hàng nghìn chiếc bánh chưng gửi tới, vừa không thể dùng hết, vừa lãng phí công sức của xã hội. Những hình ảnh hàng hóa bị hư hỏng, đổ bỏ, hàng dư chất đống quá lãng phí.

Vấn đề khác là hàng cứu trợ không đến đúng nơi cần thiết. Một số khu vực người dân nhận được hàng cứu trợ rất nhiều, trong khi những khu vực khác lại không có hoặc có rất ít, có những người dân phải kêu cứu. Có trường hợp, những địa phương bị lũ bão tàn phá khủng khiếp được báo chí đưa tin, được các đoàn thiện nguyện, cá nhân lũ lượt đổ về, trong khi đó một số người dân vùng bị chia cắt do lũ, mất liên lạc thì rơi vào cảnh rất khó khăn.

Để công tác cứu trợ đạt hiệu quả cao

Thực tế cũng có nhiều đoàn thiện nguyện đã tổ chức cứu trợ rất chuyên nghiệp, bảo đảm an toàn cho thành viên đoàn, có kế hoạch rõ ràng, biết dự phòng rủi ro, đồng thời nắm vững thông tin và rất kịp thời có mặt ở những nơi người dân đang cần. Những người có kinh nghiệm làm thiện nguyện cho rằng, trong tình hình bão lũ, nhu yếu phẩm thiết yếu là cần thiết nhưng cần phải được bảo quản đúng cách và vận chuyển kịp thời để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm; cần phải lựa chọn các loại hàng hóa phù hợp với nhu cầu cụ thể của người dân tại thời điểm đó.

Ở các quốc gia có nhiều thiên tai như Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, kinh nghiệm cứu trợ rất hiệu quả, cần học tập. Thổ Nhĩ Kỳ đã xây dựng những thực đơn cứu trợ rất khoa học như thịt bò khô, bì lợn/da heo chiên giòn, bỏng ngô... Nhật Bản có 10 sản phẩm được xếp vào loại thực phẩm cứu trợ thiên tai và có cả một ngành công nghiệp sản xuất đồ ăn tiện lợi, an toàn cho người dùng. Đó là những bài học cho tương lai của chính chúng ta, khi biến đổi khí hậu và thiên tai cực đoan không còn là chuyện hiếm gặp.

Không chỉ cứu trợ khẩn cấp giúp bà con vượt qua khó khăn tức thì, việc dành tiền cứu trợ để sửa chữa đường sá, công trình phúc lợi công cộng, trường học cũng nên được ưu tiên bởi nó phục vụ cho cộng đồng.

Phải liên hệ, phối hợp với chính quyền địa phương

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, để bảo đảm công tác cứu trợ đến đúng địa điểm, đúng đối tượng, các đoàn cứu trợ vùng lũ cần chú ý phối hợp với chính quyền địa phương. Một số người làm thiện nguyện chia sẻ trên mạng xã hội, rút ra kinh nghiệm rằng trước khi tổ chức quyên góp và hoạt động cứu trợ luôn phải có kế hoạch rõ ràng, khảo sát, nắm bắt thông tin nhu cầu thực tế, liên hệ với chính quyền và cả người dân, đoàn thể hay tổ chức từ thiện ở địa phương để hiểu rõ nhu cầu của người dân cần và tình hình tại khu vực muốn đến để bảo đảm an toàn. Theo quy định, việc điều phối lực lượng cứu trợ thuộc trách nhiệm của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khi có thiên tai, thảm họa nên chỉ đạo ngay cho địa phương cấp xã, phường lập ngay ban chỉ đạo cứu trợ phản ứng nhanh để phối hợp cứu trợ hiệu quả, đúng người, đúng đối tượng.

VĨNH HY

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tu-thien/cuu-tro-phai-dung-dia-chi-hieu-qua-tranh-lang-phi_168063.html
Zalo