Cứu thương trong giải phóng Buôn Ma Thuột

Tháng 3-2025 này, bác sĩ Huỳnh Thị Xuân, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk bước sang tuổi 82 và tròn 60 năm tuổi Đảng. Khi chúng tôi hỏi về những kỷ niệm chiến trường cách đây 50 năm, bà Xuân vẫn nhớ như in thời khắc quân ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột:

“Khi trận đánh giải phóng Buôn Ma Thuột diễn ra, tôi 32 tuổi, cùng các bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, dược tá và y tá được điều động từ Bệnh xá khu căn cứ H4 (nay là huyện Krông Búk) về Ban Dân y tỉnh Đắk Lắk. Ban Dân y có nhiệm vụ cứu chữa thương binh, bệnh binh và khám, chữa bệnh cho nhân dân; tiếp quản, điều hành hoạt động các cơ sở y tế của địch ngay sau khi ta giải phóng”.

Hôm đó, đúng Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3-1975, bác sĩ Huỳnh Thị Xuân cùng các nữ nhân viên trong Bệnh xá khu căn cứ H4 nhận được quà là bánh kẹo, mà chẳng kịp ăn, nên mang theo trên đường hành quân về nơi nhận nhiệm vụ tại Ban Dân y tỉnh Đắk Lắk. Thời điểm đó, lực lượng của Ban Dân y tỉnh Đắk Lắk còn mỏng, ngoài hai bác sĩ (bác sĩ Xuân và bác sĩ Đặng Công Long), còn có dược sĩ Dương Văn Đồng, y sĩ Trần Thị Thiệu và một số y tá, dược sĩ khác. Thuốc men, vật tư y tế cũng thiếu đủ thứ, không bảo đảm đủ cho công tác khám, chữa bệnh. Vì vậy, một trong những việc cần tiến hành khẩn trương là triển khai công tác dân vận, binh-địch vận; vận động, kêu gọi cán bộ phụ trách quân y và ty y tế thuộc chính quyền ngụy, cùng đội ngũ y sĩ, bác sĩ, nhân viên y tế đang làm việc trong các cơ sở y tế của ngụy đóng ở thị xã Buôn Ma Thuột tham gia công tác cứu thương, khám, chữa bệnh cho bộ đội, nhân dân trên địa bàn để được hưởng chế độ khoan hồng của cách mạng. Điều đáng mừng là tất cả nhân lực trong các cơ sở y tế của ngụy quyền, trong đó có nhà thương Buôn Ma Thuột (cơ sở phục vụ khám, chữa bệnh cho người dân) và Bệnh xá quân y 48 (cơ sở khám, chữa bệnh cho quân đội ngụy), sau khi bộ đội ta giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột đã cùng các cán bộ, y sĩ, bác sĩ của cách mạng duy trì hoạt động cứu thương, khám, chữa bệnh, xử lý môi trường, phòng, chống dịch bệnh; trong đó, khó khăn nhất là xử lý các tử thi trong chiến tranh không được mai táng kịp thời. Trong số đối tượng ta vận động được có Trung tá Nguyễn Văn Lạng, phụ trách quân y của ngụy và Trưởng ty y tế Nguyễn Kim Sơn.

Bác sĩ Huỳnh Thị Xuân, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: BÌNH ĐỊNH

Bác sĩ Huỳnh Thị Xuân, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: BÌNH ĐỊNH

Theo mạch hồi tưởng của bác sĩ Huỳnh Thị Xuân, những ngày đầu ta tiến công giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, địch tăng cường dùng máy bay đánh phá nên thương vong nhiều. Vì vậy, công tác cứu thương phải thực hiện suốt ngày đêm, trong khi thuốc men thiếu, ta phải tự pha chế nước cất, pha chế thuốc ký ninh, sử dụng thuốc Nam vào việc cứu chữa. Đã thế, những ngày đó, thị xã Buôn Ma Thuột lại mất điện, mất nước, khiến công việc càng khó khăn, vất vả.

Có những chuyện khiến bác sĩ Huỳnh Thị Xuân tâm đắc, nhớ mãi: “Không hiểu sao vào lúc nước sôi lửa bỏng đó, ở thị xã Buôn Ma Thuột lại có nhiều phụ nữ đến kỳ sinh nở; trong đó có cả vợ, con của ngụy quân, ngụy quyền. Các y sĩ, bác sĩ phải căng sức, vừa cứu thương, vừa sẵn sàng đỡ đẻ cho các sản phụ, không phân biệt người phía địch, ta. Để tránh thương vong khi địch sử dụng máy bay đánh phá, tại Ban Dân y tỉnh, ta đào một căn hầm để tránh bom, nhưng do sản phụ đông nên các y sĩ, bác sĩ nhường hầm cho họ tránh bom, còn các nhân viên y tế tiếp tục công tác cứu thương. Rất may là cả Ban Dân y tỉnh an toàn cho đến ngày Đắk Lắk hoàn toàn giải phóng".

BÌNH ĐỊNH (ghi theo lời kể của bác sĩ Huỳnh Thị Xuân)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/50-nam-dai-thang-mua-xuan-1975/cuu-thuong-trong-giai-phong-buon-ma-thuot-821653
Zalo