Cựu thống đốc NHTW Lebanon bị bắt vì tham nhũng
Hôm 3/9, cựu Thống đốc ngân hàng trung ương Lebanon, Riad Salameh, đã bị bắt sau cuộc điều tra về các cáo buộc tham ô, các nguồn tư pháp Lebanon cho biết.
Vụ bắt giữ diễn ra sau các lệnh trừng phạt do Mỹ, Canada và Anh áp đặt đối với Salameh và gia đình ông vì tội tham nhũng, bao gồm cả việc đóng băng tài sản của họ ở các quốc gia này.
AFP trích dẫn các nguồn tư pháp Lebanon cho biết, “Salameh đã bị giam giữ sau cuộc thẩm vấn kéo dài ba giờ của công tố viên, Thẩm phán Jamal Al-Hajjar, về cáo buộc biển thủ hơn 40 triệu đô la từ ngân hàng trung ương Lebanon".
Đây là lần đầu tiên Salameh phải hầu tòa kể từ khi nhiệm kỳ Thống đốc của ông kết thúc vào tháng 7/2023. Salameh đã bị điều tra trong ba năm qua, với các cuộc điều tra địa phương và châu Âu nghi ngờ ông tích lũy tài sản bất hợp pháp và lạm dụng công quỹ trong nhiệm kỳ của mình, bao gồm chuyển tiền ra nước ngoài và tham gia vào hoạt động “làm giàu bất hợp pháp”.
Năm ngoái, chính quyền Pháp và Đức đã ban hành lệnh bắt giữ Salameh, lệnh này được lưu hành qua Interpol. Đáp lại, chính quyền Lebanon đã cấm ông đi du lịch và tịch thu hộ chiếu Lebanon và Pháp của ông.
Tuy nhiên, Văn phòng Công tố Munich đã dỡ bỏ lệnh bắt giữ vào tháng 6 với lý do Salameh không còn tại vị, mặc dù cuộc điều tra vẫn tiếp tục. Trong khi lệnh bắt giữ của Pháp vẫn còn hiệu lực, Lebanon không dẫn độ công dân của mình để xét xử ở nước ngoài.
Salameh đã liên tục phủ nhận các cáo buộc, cho rằng chúng là "dữ liệu bịa đặt" và "động cơ chính trị". Bất chấp các cuộc điều tra đang diễn ra, ông vẫn tại vị cho đến cuối nhiệm kỳ và được hưởng lợi từ sự bảo vệ chính trị đáng kể.
Salameh, 74 tuổi, từng là Thống đốc NHTW Lebanon từ năm 1993 đến năm 2023, một trong những nhiệm kỳ dài nhất trên toàn cầu của các thống đốc NHTW, chỉ đạo các chính sách tài chính của Lebanon sau cuộc nội chiến (1975-1990).
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế sụp đổ chưa từng có kể từ năm 2019, ông và các cơ quan quản lý bị đổ lỗi vì đã không giải quyết được các cuộc khủng hoảng của đất nước.
Các nhân vật chính trị, nhà phân tích và người dân ở Lebanon cho rằng Salameh phải chịu trách nhiệm về sự sụp đổ của đồng tiền quốc gia, đồng thời chỉ trích gay gắt các chính sách tiền tệ của ông trong việc tích lũy nợ và đẩy nhanh cuộc khủng hoảng. Salameh đã nhiều lần bào chữa cho mình, khẳng định ngân hàng trung ương “tài trợ cho nhà nước nhưng không tiêu tiền”.