Cứu sống bệnh nhân 60 tuổi ở Hải Dương bị dập nát hai chân do tai nạn giao thông
Bị tai nạn giao thông, người phụ nữ 60 tuổi ở Hải Dương đã phải nhập viện trong tình trạng dập nát đùi, cẳng và hai bàn chân.
Ngày 20/2, tin từ Bệnh viện Việt Đức cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân P.T.N (60 tuổi, trú tại Hải Dương) gặp chấn thương nặng do tai nạn giao thông. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng dập nát nghiêm trọng đùi, cẳng và bàn chân hai bên. Đặc biệt, đùi phải có dấu hiệu hoại tử lan rộng, buộc phải phẫu thuật cắt cụt để cứu sống bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh nhân bị gãy hở phức tạp (độ 3C) ở chân trái, đã được cố định ngoại vi và găm kim tạm thời tại vùng liên cầu đùi. Các bác sĩ cũng tiến hành nối mạch khoeo để đảm bảo lưu thông máu cho chân trái.
Bác sĩ Lê Xuân Hoàng - Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) cho biết, sau ca phẫu thuật lớn, hiện mỏm cụt đùi phải của bệnh nhân P.T.N ổn định, vết mổ ở chân trái khô, mạch mu chân tương đối tốt. Dự kiến, bệnh nhân sẽ tiếp tục được phẫu thuật kết hợp xương đùi trái để phục hồi chức năng.
Theo các bác sĩ, trường hợp của bệnh nhân N. là một tình huống cấp cứu khẩn cấp. Nếu không được can thiệp kịp thời, nguy cơ sốc tuần hoàn, sốc chấn thương và tử vong là rất cao. Nhờ sự xử lý nhanh chóng tại phòng khám cấp cứu của bệnh viện, bệnh nhân đã được cắt cụt đùi phải, cố định chân trái và xử lý mạch máu thành công, giúp giữ lại mạng sống.
Trong những ca bệnh nặng như vậy, ưu tiên hàng đầu là cứu sống bệnh nhân. Sau đó, các bước điều trị như kết hợp xương, phục hồi mạch máu và tập phục hồi chức năng, lắp chi giả đóng vai trò quan trọng trong việc giúp bệnh nhân có thể đi lại và tái hòa nhập cuộc sống.

Nữ bệnh nhân bị chấn thương nghiêm trọng, cần điều trị kéo dài. Ảnh BVCC
Theo khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm, đe dọa tính mạng của nạn nhân. Việc sơ cứu kịp thời và đúng cách tại hiện trường có thể giúp giảm thiểu tổn thương và tăng cơ hội sống sót cho người bị nạn. Một tỷ lệ không nhỏ nạn nhân bị tai nạn giao thông tử vong là do không được sơ cứu, hoặc sơ cứu không đúng cách trước khi đưa tới các cơ sở y tế.
Các biện pháp sơ cứu như cầm máu, cố định vết thương, mở đường thở giúp ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm như mất máu quá nhiều, tắc nghẽn đường thở, nhiễm trùng. Việc sơ cứu đúng cách giúp giảm thiểu tổn thương cho các cơ quan nội tạng, giảm đau và khó chịu cho nạn nhân.
Người dân khi gặp trường hợp tai nạn giao thông nghiêm trọng, hãy liên hệ ngay với số điện thoại cấp cứu 115 hoặc cơ sở y tế gần nhất. Mô tả chi tiết tình hình, số lượng nạn nhân, vị trí xảy ra tai nạn... Không di chuyển nạn nhân trừ khi có nguy hiểm hoặc cần di chuyển để sơ cứu, không di chuyển nạn nhân vì có thể làm tổn thương tủy sống. Đợi xe cấp cứu đến để vận chuyển nạn nhân đến bệnh viện. Nếu không có xe cấp cứu di chuyển nạn nhân trên một bề mặt phẳng, cố định người bị thương để tránh làm tổn thương thêm.