Cứu làn da tổn thương do tẩy tế bào chết quá đà

Tẩy da chết quá mức có thể làm da nhạy cảm và kích ứng. Lúc này, chúng ta cần để da nghỉ ngơi và bôi kem dưỡng phục hồi.

 Tẩy da chết quá nhiều có thể làm da trở nên nhạy cảm, thậm chí kích ứng. Ảnh minh họa: @sasha.mei.

Tẩy da chết quá nhiều có thể làm da trở nên nhạy cảm, thậm chí kích ứng. Ảnh minh họa: @sasha.mei.

Da đột ngột trở nên siêu bóng và gần như quá trắng sáng có thể là dấu hiệu của việc bị tẩy tế bào chết quá mức. Hiệu ứng da đẹp này thực tế chỉ có thể kéo dài một thời gian trước khi da bắt đầu thoái hóa thành da khô, thậm chí hình thành các mảng thô ráp và phát ban.

Bác sĩ Geetika Mittal Gupta, người sáng lập phòng khám da liễu và thẩm mỹ ISAAC Luxe (Ấn Độ), cho biết: "Khi tẩy tế bào chết đúng cách, bạn thậm chí sẽ không nhận thấy nhiều khác biệt trên da. Làn da sẽ chỉ mịn màng hơn, sạch hơn, trẻ trung hơn và khỏe mạnh hơn một chút.

Ngược lại, da bị tẩy tế bào chết quá mức có thể trông trơn láng như sáp do các tế bào da và dầu tự nhiên đã bị lau sạch khiến lớp da bên dưới bị lộ ra sớm. Điều quan trọng cần lưu ý là làn da khỏe mạnh sẽ trông căng mọng, không quá mỏng hoặc quá bóng nhờn".

Dưới đây, Vogue India làm việc với các chuyên gia da liễu giúp tìm hiểu và khắc phục làn da bị tẩy da chết quá mức cần thiết.

 Tẩy tế bào chết của da không nên quá 1-2 lần/tuần. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Tẩy tế bào chết của da không nên quá 1-2 lần/tuần. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Tần suất hợp lý

Thông thường, da chỉ cần được tẩy tế bào chết 1-2 lần một tuần để cải thiện và đẩy nhanh quá trình thay tế bào da. Nếu thoa axit và retinol hàng ngày, về lâu dài, chúng có thể gây hại cho da.

Bác sĩ Gupta cho hay nhiều khách hàng đến gặp bà với làn da bị tẩy tế bào chết quá mức vì peel quá đà (tái tạo da bằng hóa chất) hoặc đã dùng chất tẩy tế bào chết vật lý mạnh khiến da bị đau, bầm tím, đỏ và kích ứng.

Simal Soin, bác sĩ da liễu tại Delhi (Ấn Độ), nói thêm ngay cả đối với những người có tuyến dầu hoạt động mạnh, như trong trường hợp bị mụn trứng cá, ông cũng chỉ khuyên họ nên peel da mỗi tuần hoặc hai tuần một lần.

Những sản phẩm quá mạnh không phải lúc nào cũng sẽ đem hiệu quả tốt cho da. Thêm vào đó, khi làn da bị tẩy quá mức tiếp tục tiếp xúc với mỹ phẩm chứa axit, nó có thể bắt đầu bong tróc.

Hậu quả, làn da có thể bị kích ứng, bỏng, đỏ, viêm, lỗ chân lông bị tắc nghẽn, mụn nhọt và tăng độ nhạy cảm với các sản phẩm chăm sóc da khác. Ví dụ: Loại toner dưỡng ẩm thông thường đột nhiên bắt đầu gây châm chích da khi sử dụng.

 Da cần được "thở" và dưỡng ẩm nhẹ nhàng sau khi tẩy da chết. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels.

Da cần được "thở" và dưỡng ẩm nhẹ nhàng sau khi tẩy da chết. Ảnh minh họa: Anna Shvets/Pexels.

Cách khắc phục

Nếu tẩy da chết quá nhanh và quá mạnh, chúng ta sẽ cần phải dừng lại và xem xét lại thói quen chăm sóc da của mình cho đến khi làn da hồi phục.

Bác sĩ Gupta cho hay làn da có thể tự lành lại nhưng cần thời gian và phương pháp chăm sóc thích hợp. Trong trường hợp này là để da "thở".

Chúng ta cần để da ở trạng thái cân bằng nhất có thể trước khi thoa thêm bất cứ thứ gì. Bác sĩ Soin cho hay làn da cần được chữa lành tổn thương sau đó bổ sung độ ẩm đã mất và cuối cùng là tái tạo các tế bào da khỏe mạnh.

Thực tế, không chỉ axit, hương liệu và cồn cũng có thể gây hại cho da. Vì vậy, mọi người vậy hãy tạm thời thay thế mỹ phẩm có những đặc điểm, thành phần như vậy.

Quy trình cứu làn da bị tẩy tế bào chết quá đà nên bao gồm sữa rửa mặt có độ pH nhẹ nhàng, kem dưỡng ẩm, kem chống nắng và kem phục hồi giúp tái tạo hàng rào bảo vệ da. Bác sĩ Gupta khuyến khích tìm những sản phẩm có thành phần dưỡng ẩm và làm dịu da như axit hyaluronic, oxit kẽm, CoQ10, squalane, bơ hạt mỡ và glycerin.

Mọi người sẽ thấy sự khác biệt trong vòng một tháng, vì đây là thời gian cần thiết để các tế bào da tái tạo lại. Đối với những vùng da rất thô hoặc đỏ, kem hydrocortisone có thể giúp làm dịu tình trạng kích ứng.

 Dưa leo hay lô hội có thể làm dịu da tạm thời. Ảnh minh họa: Adrian Motroc/Unsplash.

Dưa leo hay lô hội có thể làm dịu da tạm thời. Ảnh minh họa: Adrian Motroc/Unsplash.

Giải pháp nhanh chóng

Nếu sử dụng axit mạnh hoặc chà xát quá mức, mọi người sẽ cảm nhận sự khác biệt ngay sau khi rửa sạch mặt. Lúc này, chườm lạnh là một cách tuyệt vời để ngăn ngừa cảm giác nóng rát.

Từ chườm đá viên đến sử dụng túi chườm đá hoặc túi lạnh, làm mát vùng da bị ảnh hưởng thể giảm đau cũng như hạn chế khả năng gây viêm.

Bên cạnh đó, thoa kem dưỡng ẩm và tái tạo da có thể giúp ích. Tuy nhiên, nếu đang tìm kiếm một giải pháp nhanh chóng tại nhà, mọi người có thể sử dụng lô hội hoặc dưa leo để làm dịu da vì chúng mát và có thể ngăn ngừa phản ứng da.

Song, nếu tình trạng da thô ráp hoặc đau khi chạm vào sau khi sử dụng sản phẩm tẩy tế bào chết, mọi người vẫn nên giữ nguyên tình trạng da và tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu.

Thiên Thanh

Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/cuu-lan-da-ton-thuong-do-tay-te-bao-chet-qua-da-post1499648.html
Zalo