Những cái chết đau lòng từ sự chủ quan về bệnh dại
Bệnh dại là bệnh nguy hiểm, khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% ở cả người và động vật. Hiện vẫn còn nhiều suy nghĩ chủ quan của người dân trong phòng ngừa căn bệnh này.
Từ đầu năm đến nay, số bệnh nhân tử vong vì bệnh dại liên tục gia tăng tại nhiều địa phương trên cả nước. Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An (CDC Nghệ An), trong 9 tháng đầu năm số ca mắc của tỉnh này xếp thứ 2 toàn quốc (sau Bình Thuận 8 ca tử vong). Trong đó, tất cả trường hợp tử vong đều không tiêm ngừa vaccine dại mà tự điều trị bằng các phương pháp dân gian như uống thuốc nam, lấy nọc. Ngoài ra, ở Nghệ An có hơn 400.000 con chó được người dân nuôi. Phần lớn được thả rông, không rọ mõm và chưa tiêm phòng vaccine dại. Đây là nguồn lây virus dại cho người.
Tỉ lệ tử vong 100% khi lên cơn dại
Theo CDC Nghệ An, trong 9 tháng đầu năm, ghi nhận 9 ổ dịch dại trên chó tại các huyện như Tân Kỳ, Quỳ Châu, thị xã Thái Hòa… Tính đến ngày 20/9, toàn tỉnh có 6 trường hợp tử vong, tất cả đều do không tiêm phòng bệnh dại sau khi chó cắn.
Số ca tử vong ngày càng lớn nhưng người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh. Điển hình trường hợp bệnh nhân L.T.T (9 tuổi, trú tại bản Tân Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông) tử vong do bệnh dại vào đầu tháng 3/2024. Khi cháu T. bị chó cắn, gia đình tự xử lý vết thương, không đưa đến cơ sở y tế, không đi tiêm phòng huyết thanh và vaccine phòng bệnh dại. Hậu quả đau lòng cháu T. phát bệnh và tử vong.
Mới đây, tại huyện Tân Kỳ xảy ra trường hợp bị chó cắn vào cánh tay nhưng chủ quan không đi tiêm ngừa dẫn đến tử vong do lên cơn dại. Điều đáng nói, sau khi bị cắn khoảng 1 ngày, thay vì đưa đến TTYT để tiêm phòng dại thì người nhà đưa đến thầy lang trong vùng để thử dại và uống thuốc nam điều trị. Sau khi cắn, chó vẫn bình thường và do bức xúc, gia đình đã làm thịt để ăn mà không xích nhốt tại nhà để theo dõi.
Ngày 17/8, bệnh nhân có biểu hiện nhức đầu, đau mỏi toàn thân, sợ gió, mắt lờ đờ nghĩ do cảm cúm nên không đi khám. Sau đó, người này tử vong sau 60 ngày sử dụng thuốc của thầy lang.
Đó là những trường hợp điển hình cho thấy người dân vẫn còn chủ quan, chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của bệnh dại.
Theo ThS.BS Nguyễn Huy Anh, Phó khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Nghệ An, bệnh dại đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, ý thức của người dân về phòng bệnh bảo vệ tính mạng còn chủ quan, lơ là. Bên cạnh đó, việc quản lý đàn chó còn lỏng lẻo, tỷ lệ tiêm vaccine dại trên chó còn thấp.
Số liệu từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho thấy, hàng năm chỉ có khoảng 20 - 47% tổng đàn chó trên địa bàn được tiêm vaccine phòng bệnh dại. "Sự chủ quan của người dân không chỉ gây khó khăn trong việc phòng chống bệnh dại, mà ngay cả bản thân của họ phải trả giá đắt bằng tính mạng", BS Huy Anh nói.
Cần tiêm vaccine dại ngay sau khi bị chó, mèo cào cắn
Tân Kỳ là địa phương vừa xảy ra ổ dịch dại gần đây nhất. Cụ thể, trường hợp cháu N.X.N.H. (7 tuổi, trú tại xóm Làng Rào, xã Tân Hương, Tân Kỳ), vào chiều ngày 17/8, cháu có đi chơi ở hàng xóm về xuất hiện triệu chứng đau đầu, mỏi người, sợ gió và mắt lờ đờ. Gia đình nghĩ cháu H. bị cảm cúm nên không đưa đi khám. Ngày 18/8, khi tình trạng nặng hơn, gia đình nhờ nhân viên y tế ở địa phương kiểm tra được cho biết nghi mắc bệnh dại nhưng vẫn không đi khám.
Gia đình cháu H. liên hệ nhờ thầy lang ở huyện Diễn Châu chữa bằng thuốc nam. Sau khoảng 1 giờ uống thuốc, cháu H. khó thở và được chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An vào ngày 19/8. Tại viện, tình trạng bệnh cháu H. nặng thêm nên gia đình xin đưa về nhà và cháu N.X.N.H tử vong trên đường.
Trao đổi với PV, BS.CKII Nguyễn Viết Xuân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế Tân Kỳ cho biết, ngay sau khi ghi nhận ổ dại trên chó tại địa bàn, trung tâm phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành điều tra, giám sát ca dại. Cùng với đó, tuyên truyền vận động người bị chó dại cắn đi tiêm ngừa vaccine, huyết thanh phòng dại.
"Dù các đơn vị có triển khai nhiều hoạt động, giải pháp phòng chống bệnh dại, nhưng quan trọng nhất vẫn là ý thức của người dân. Phải chủ động tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại sau khi bị chó, mèo cắn để bảo vệ tính mạng", BS Xuân nhấn mạnh.
Hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên đàn chó, mèo còn thấp. Trong khi đó, bệnh dại là căn bệnh vô cùng nguy hiểm, gần như 100% các trường hợp phát bệnh đều tử vong. Biện pháp duy nhất để bảo vệ tính mạng cho người dân khi bị chó, mèo dại cắn là tiêm vaccine.
ThS.BS. Nguyễn Huy Anh – Phó khoa phòng chống bệnh truyền nhiễm, CDC Nghệ An
Từ thực tế số ca tử vong do dại được ghi nhận gần đây và báo cáo của CDC Nghệ An vừa qua, có thể thấy, phòng chống bệnh dại đang là một thách thức. Hằng năm, Nghệ An vẫn là địa phương có nhiều người chết vì bệnh dại do người dân chủ quan và ngộ nhận về bệnh dại, vaccine phòng dại. Mặt khác, tình trạng nuôi, thả rông chó mèo không rọ mõm vẫn còn tồn tại phổ biến tại nhiều địa phương, gây khó khăn trong việc quản lý và tổ chức tiêm phòng dại cho động vật.
"Hầu hết các trường hợp tử vong là do người bệnh không đi tiêm vaccine sau khi bị động vật cắn, cào lên vùng da bị tổn thương. Người dân thường nghĩ, chó mèo tiêm phòng rồi thì không sao, hoặc có thói quen theo dõi động vật cắn trước, nếu có vấn đề gì mới đến cơ sở y tế để tiêm phòng.
Đây là quan niệm không đúng, vì tiêm vaccine phòng dại rất quan trọng và tiêm càng sớm càng tốt sau khi bị chó, mèo cắn. Ngoài ra, việc tự ý điều trị bằng thuốc Đông y, hoặc đi lấy nọc… sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, nguy hiểm hơn là dẫn đến tử vong", BS Huy Anh nói.
ThS.BS. Nguyễn Huy Anh cho rằng, tâm lý sợ tác dụng phụ của vaccine dại cũng là một rào cản khiến người dân ngại đi tiêm phòng sau khi phơi nhiễm. Vaccine dại thế hệ mới được sản xuất bằng công nghệ mới là công nghệ tế bào và đã được kiểm tra với các quy trình chặt chẽ, đảm bảo tính an toàn cho người tiêm và không có gì phải lo lắng về các tác dụng phụ của vaccine ".