Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Dậu xông pha trong chiến đấu, sống nặng tình đồng đội
Chúng tôi đến khu Mộ Thượng (phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ) hỏi thăm gia đình cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Dậu, nhiều người dân biết và nhiệt tình chỉ giúp. Mặc dù đã 80 tuổi nhưng ông Dậu vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát, nhớ rất kỹ từng trận đánh cách đây 50 năm về trước.
Đầu năm 1975 khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí Nguyễn Ngọc Dậu chiến đấu trong đội hình Trung đoàn Đặc công 198 phối thuộc đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuật… Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Dậu đã cùng với các chiến sĩ Trung đoàn Đặc công 198 chiến đấu rất mưu trí, anh dũng, kiên cường, tạo thời cơ cho quân ta tiến công, làm chủ hoàn toàn chiến trường. Các chiến sĩ đặc công đã vận dụng hiệu quả nghệ thuật quân sự trong từng trận đánh.
Ông Dậu còn nhớ như in trận đánh chiếm sân bay Buôn Ma Thuột. Hôm ấy là vào rạng sáng ngày 10-3-1975, sau khi lệnh tiến công được phát ra, đồng chí Dậu và các chiến sĩ đặc công dùng lựu đạn, hơi cay, pháo thủ đánh chiếm các mục tiêu, hỏa lực B40, B41 đồng loạt nổ súng tấn công sở chỉ huy, điện đài của địch. Địch chống trả quyết liệt, nhưng vẫn phải lùi bước, ta làm chủ khu vực sân bay.

Cựu chiến binh Nguyễn Ngọc Dậu (thứ hai từ trái sang) ôn lại chuyện chiến đấu năm xưa.
Chiến sĩ Nguyễn Ngọc Dậu đã tham gia hàng chục trận đánh lớn nhỏ. Quá trình chiến đấu ông chứng kiến nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần cơ thể khắp các chiến trường, chính tay ông Dậu đã chôn cất 14 liệt sĩ. Đã có những chiến sĩ khi trút hơi thở cuối cùng trên tay ông còn căn dặn: “Sau này đất nước giải phóng bạn phải nhớ đưa tôi về với quê hương, về với gia đình nhé”. Điều đó khiến ông Dậu suy tư trăn trở mãi về sau.
Trở về đời thường, bên cạnh việc làm đồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, lao động mọi việc để mưu sinh, chăm lo cho gia đình, CCB Nguyễn Ngọc Dậu luôn canh cánh trong lòng về việc tìm và đưa hài cốt của các liệt sĩ về quê hương. Từ đầu những năm 2000, ông dành nhiều thời gian nghe đài, xem ti vi, đọc báo, ngóng tìm tin tức về đồng đội hy sinh năm xưa. Ông ghi chép kín vài cuốn sổ tay về họ tên, nơi hy sinh, địa chỉ quê quán, nơi an táng của các liệt sĩ, số điện thoại của thân nhân. Sau đó ông sàng lọc, lựa chọn, tự bỏ tiền mua tem thư, rồi gọi điện báo tin, kết nối đến nhiều thân nhân liệt sĩ. Từ nguồn tin của ông đã có nhiều gia đình tìm được hài cốt liệt sĩ đem về quê an táng, thờ cúng.
Còn một số đồng đội ông chôn cất năm xưa vẫn nằm lại chiến trường khiến ông luôn canh cánh trong lòng. Đầu năm 2004 ông bàn với vợ đem bán cặp bò và cầm cố sổ đỏ để lấy tiền vào chiến trường tìm đồng đội. Ban đầu vợ và các con phản đối kịch liệt, có người hàng xóm còn bảo ông gàn, dở. Nhưng với lòng kiên trì, bền bỉ ông đã thuyết phục được vợ con và đã có hàng chục lần ra vào các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, Gia Lai để đi tìm hài cốt các đồng đội…
Ông đến các nghĩa trang, chiến trường cũ, đơn vị Quân đội, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội của các địa phương để tìm, ghi chép lại thông tin của các liệt sĩ. Từ đó, ông đã kết nối, cung cấp thông tin cho 1.528 gia đình liệt sĩ của 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, trong đó có hàng chục gia đình đã tìm được di cốt liệt sĩ đem về quê an táng. Ngoài ra, CCB Nguyễn Ngọc Dậu còn phối hợp với Ban liên lạc Sư đoàn 305 tập kết được 53 phần mộ của liệt sĩ.
Hằng năm mỗi khi tổ chức gặp mặt Ban liên lạc CCB Trung đoàn Đặc công 198, ông Nguyễn Ngọc Dậu và đồng đội dành nhiều thời gian ôn lại truyền thống của đơn vị; tổ chức thăm hỏi, giúp đỡ những CCB có hoàn cảnh khó khăn, qua đó gắn kết nghĩa tình đồng đội.