Cựu chiến binh Nam Đông vươn lên thoát nghèo
Trong phong trào 'Cựu chiến binh (CCB) gương mẫu giai đoạn 2019 – 2024', Hội CCB huyện Nam Đông đã có nhiều nỗ lực để giúp đỡ hội viên vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tôi có dịp đến thăm mô hình chăn nuôi gia súc của CCB Lê Văn Lương, Chủ tịch Hội CCB xã Thượng Lộ. Ông Lương là người có nhiều trăn trở, sáng tạo, nỗ lực trong sản xuất vừa để phục vụ nhu cầu của gia đình, vừa làm gương cho các hội viên phấn đấu thoát nghèo. Hiện mô hình của ông Lương có quy mô gồm 5 bò mẹ sinh sản, đàn gia cầm với số lượng 150 con/lứa, rừng keo với diện tích 4,5ha, đem lại tổng thu nhập trên 200 triệu đồng/năm.
Ông Lương là một trong nhiều điển hình nỗ lực phát triển kinh tế giỏi tại huyện Nam Đông. Theo ông Hoàng Kim Thạnh, Chủ tịch Hội CCB huyện, hội luôn tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tự lực, tự cường, giúp nhau làm kinh tế, phấn đấu giảm nghèo bền vững và tham gia các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hội CCB huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành liên quan tổ chức tập huấn, phổ biến các chương trình, dự án phát triển kinh tế triển khai trên địa bàn gắn với việc hướng dẫn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh, thu hút hơn 1.500 lượt cán bộ, hội viên tham gia. Hiểu rõ được lợi thế về địa hình, thổ nhưỡng trên địa bàn huyện, Hội CCB huyện Nam Đông vận động CCB vay vốn, cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; hình thành các gia trại, trang trại, góp phần tạo ra sản phẩm chủ lực trên địa bàn như cam, chuối, dứa, mủ cao su, gỗ rừng trồng, mật ong, thịt gia súc, gia cầm...
“Bên cạnh định hướng, vận động cho hội viên CCB xây dựng gia trại, trang trại để phát triển kinh tế, chúng tôi cũng hình thành nhiều tổ, nhóm giúp nhau tạo việc làm như: Tổ đổi công, đan lát, thợ xây, trồng rừng và khai thác gỗ rừng trồng, sấy cau, làm nấm... ở hầu hết các xã, thị trấn, thu hút và tạo nhiều việc làm cho người lao động, hướng đến giảm nghèo bền vững trong gia đình hội viên CCB”, ông Hoàng Kim Thạnh chia sẻ.
Để giải quyết nhu cầu vốn vay cho hội viên, Hội CCB huyện Nam Đông đã hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hội viên vay vốn với tổng dư nợ khoảng 44 tỷ đồng. Ngoài ra, có trên 250 hộ được xét vay vốn ủy thác ở các đoàn thể khác trên 12 tỷ đồng, cùng với quỹ Hội khoảng 270 triệu đồng dành cho hội viên vay lãi suất thấp, hoặc không tính lãi để phát triển kinh tế.
5 năm qua, Hội CCB huyện đã hỗ trợ cải tạo và xóa 134 vườn tạp, đồng thời giúp hội viên tiếp cận các chương trình, dự án trên địa bàn như tham gia dự án trồng cam (tổng diện tích 20,8ha/81 hộ), trồng dứa (18ha/45 hộ), chuối đặc sản (65ha/120 hộ), trồng rừng kinh tế (819ha/548 hộ) và tham gia đăng ký trồng rừng gỗ lớn 45ha, có chứng chỉ FSC 29,5ha; chăm sóc khai thác cao su 361ha/360 hộ; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng gia trại.
Với những hoạt động tích cực trong phong trào CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, đến nay, số hộ nghèo trong hội viên CCB đồng bào dân tộc thiểu số ở Nam Đông chỉ còn 11/1.006 hộ, chiếm tỷ lệ 1,09%; 9/9 xã trên địa bàn huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Trong giai đoạn mới, Hội CCB huyện đặt mục tiêu phấn đấu thi đua phát triển kinh tế - xã hội, giảm hộ nghèo còn dưới 1%; tiếp tục đẩy mạnh phong trào “CCB gương mẫu”, “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” gắn với phong trào “Thi đua yêu nước ở cơ sở”, góp phần xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.