Cựu chiến binh Mỹ Chuck Searcy: 'Tôi tự hào vì được người Việt Nam đón nhận'

Đã ngoài 80 tuổi nhưng ông Chuck Searcy - Chủ tịch Tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình của Mỹ tại Việt Nam (VFP 160), vẫn dành trọn tâm huyết để hàn gắn những vết thương do chính thế hệ ông từng gây ra trên đất nước mà ông gọi là 'ngôi nhà thứ hai', nơi ông được tha thứ, được chào đón như bạn bè.

Cuộc trò chuyện giữa phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng với ông như một lát cắt đặc biệt về hòa giải, về lòng nhân ái và hành trình đi tìm ý nghĩa mới của một cựu binh Mỹ tại mảnh đất mà ông từng tham chiến.

Tôi đã thức tỉnh khi nhận ra sự thật

PV: Việt Nam vừa kỷ niệm 50 năm thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025). Là một cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam và sau này dành nhiều năm gắn bó, ông có cảm xúc gì khi nhìn lại chặng đường nửa thế kỷ đã qua cũng như sự thay đổi lớn trong quan hệ Việt-Mỹ?

Ông Chuck Searcy: Cuộc xung đột giữa hai quốc gia trong thế kỷ trước đã để lại nỗi đau và mất mát cho hàng triệu người Việt Nam cũng như hàng chục ngàn cựu binh Mỹ. Đó là một cuộc chiến lẽ ra không bao giờ nên xảy ra. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả những ai đã góp phần giành lại hòa bình cho mảnh đất này.

Ông Chuck Searcy.

Ông Chuck Searcy.

Suốt nửa thế kỷ qua, Việt Nam đã không ngừng nỗ lực tái thiết đất nước, từ trồng trọt, xây dựng, khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc da cam/dioxin... đến việc tìm kiếm hài cốt những người lính còn mất tích từ cả hai phía. Nhiều cựu binh Mỹ, trong đó có tôi, đã cùng người Việt Nam đồng hành trên chặng đường ấy - vì một tương lai chữa lành, hiểu biết và hợp tác. Chính sự sẻ chia đó đã tạo dựng lòng tin, sự tôn trọng lẫn nhau và mở ra những cơ hội đầy hy vọng cho thế hệ trẻ - những người sẽ tiếp bước với niềm tự hào về chủ quyền và tự do của đất nước mình.

Còn về quan hệ Việt-Mỹ, phải khẳng định rằng, sự thay đổi lớn nhất trong quan hệ song phương chính là việc chính quyền Washington cuối cùng đã thừa nhận một sự thật không thể phủ nhận: nhân dân Việt Nam không bao giờ bị khuất phục và đã chiến đấu đến cùng để giành độc lập, tự do trước mọi áp đặt từ bên ngoài, kể cả từ đội quân hùng mạnh nhất thế giới.

Khi Mỹ chấp nhận thực tế ấy và hiểu rằng người Việt Nam thực lòng mong muốn làm bạn với tất cả các dân tộc - kể cả người Mỹ - thì một sự tôn trọng mới đã được hình thành. Điều này đã mở đường cho sự hợp tác giữa hai quốc gia, dựa trên nền tảng của chủ quyền, độc lập và hòa bình.

PV: Trở lại quá khứ một chút. Khi phục vụ trong ngành tình báo quân sự tại Sài Gòn từ năm 1967-1968, ông đã có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin đặc biệt. Trải nghiệm của ông trong giai đoạn đó như thế nào? Khi đó, ông có từng nghi ngờ về những gì Chính phủ Mỹ tuyên truyền về cuộc chiến ở Việt Nam?

Ông Chuck Searcy: Trước khi đến Việt Nam với tư cách một người lính, tôi hình dung rằng mình sẽ phải vật lộn giữa cái nóng hầm hập, mồ hôi nhễ nhại trong rừng rậm, trên những con đường mòn hay ở những đầm lầy. Nhưng, thực tế hoàn toàn khác. Khi đặt chân tới đây, tôi bất ngờ chứng kiến những khu phức hợp quân sự khổng lồ, nhà kho rộng lớn, trung tâm mua sắm dành riêng cho binh sĩ Mỹ và cả những khu nghỉ dưỡng chẳng khác gì khách sạn.

Ông Chuck Searcy làm việc với đội rà phá bom mìn của dự án RENEW. Ảnh: NVCC.

Ông Chuck Searcy làm việc với đội rà phá bom mìn của dự án RENEW. Ảnh: NVCC.

Đơn vị của tôi đóng tại Sài Gòn - một thành phố được bảo vệ nghiêm ngặt bởi hàng ngàn lính Việt Nam Cộng hòa và quân đội Mỹ. Chúng tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ bị tấn công. Cuộc sống hằng ngày tương đối thoải mái. Chúng tôi vẫn mang theo súng, tất nhiên, nhưng chẳng ai nghĩ sẽ phải dùng đến chúng cho đến khi cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968 diễn ra.

Khi ấy, Sài Gòn hứng chịu một đợt tấn công quy mô lớn và đầy bất ngờ. Nhiều thị trấn, ngôi làng ở miền Nam cũng trở thành chiến trường. Đó là một đòn giáng tâm lý nặng nề từ phía Quân Giải phóng, khiến người dân Mỹ lần đầu nhận ra một sự thật bị chính phủ che giấu: không hề có "ánh sáng cuối đường hầm" và nước Mỹ không hề “gần đến chiến thắng” như các nhà lãnh đạo vẫn tuyên bố.

Chính thời điểm đó, khi làm công việc phân tích thông tin tình báo và đọc các báo cáo từ thực địa, tôi bắt đầu đặt câu hỏi. Sau chỉ 2-3 tháng, tôi bắt đầu nghi ngờ những điều Chính phủ Mỹ nói về cuộc chiến. Tôi cố gắng hiểu cách suy nghĩ, chiến lược và mục tiêu của những người mà chúng tôi gọi là “kẻ thù” - tức Quân Giải phóng. Càng tìm hiểu, tôi càng thấy rõ rằng, chiến lược của Mỹ là sai lầm.

Và, không chỉ có mỗi tôi nghĩ vậy. Hầu hết các đồng đội của tôi cũng dần đi đến cùng một kết luận: đây là một cuộc chiến bi thảm và vô nghĩa; nước Mỹ nên rút lui, nên để người Việt Nam tự quyết định tương lai, tự lựa chọn thể chế chính trị mà không có sự can thiệp từ chúng tôi hay bất kỳ lực lượng nước ngoài nào khác.

PV: Và rồi, khi trở về từ Việt Nam, ông đã trở thành một cựu binh phản chiến?

Ông Chuck Searcy: Chỉ một tuần trước khi rời Việt Nam vào tháng 6/1968, tôi đã có một cuộc chia tay đầy xúc động với người bạn thân lúc bấy giờ - Nguyễn Kim Long, một người lính trong quân đội Việt Nam Cộng hòa. Anh ấy đến gặp tôi để nói lời tạm biệt. Tôi vẫn nhớ như in ánh mắt nghiêm nghị và giọng nói trầm tĩnh của anh lúc đó.

Long nói rằng, người Việt Nam có thể tự ngồi lại với nhau để tìm ra con đường hòa bình, nhưng điều đó sẽ không bao giờ thành hiện thực nếu Mỹ vẫn tiếp tục can thiệp. Anh nắm tay tôi và nói: “Tôi mừng vì anh sắp rời khỏi đây an toàn, bạn của tôi! Tôi chỉ ước gì anh có thể mang theo tất cả người Mỹ về cùng. Vì chừng nào các anh còn ở lại, chúng tôi sẽ không thể có hòa bình. Chính các anh đang ngăn cản điều đó”.

Tôi chưa bao giờ quên những lời ấy. Tôi kính trọng Long vì lòng trung thực, sự liêm chính và tình yêu đất nước. Chính trong khoảnh khắc đó, tôi hiểu rằng mình không thể tiếp tục là một phần của cuộc chiến này nữa. Tôi phải trở về nhà và bắt đầu một “cuộc chiến” khác: thuyết phục người dân Mỹ rằng, đã đến lúc chúng tôi phải chấm dứt cuộc chiến tranh tại Việt Nam, để người dân nơi đây tự quyết định tương lai và xây dựng hòa bình theo cách của họ. Và, tôi đã không bao giờ từ bỏ ý nghĩ ấy.

PV: Vậy, chắc hẳn việc tham gia Tổ chức Cựu chiến binh Việt Nam phản đối chiến tranh (VVAW) là một bước ngoặt lớn với ông?

Ông Chuck Searcy (trầm ngâm): Đúng vậy. Cha mẹ tôi, đặc biệt là cha - một cựu binh trong Thế chiến tranh 2 đã không hài lòng về việc tôi tham gia VVAW, nhất là khi họ thấy tôi xuất hiện trên truyền hình trong một cuộc biểu tình phản đối cuộc chiến tại Việt Nam. Vì thế, trong gần 2 năm, chúng tôi hoàn toàn không liên lạc với nhau.

Nhưng rồi, một ngày nọ, cha tôi bỗng gọi điện và hỏi liệu chúng tôi có thể gặp nhau, cùng uống cà phê. Sau vài phút trò chuyện, cha tôi nói: “Mẹ con và cha đã quyết định rằng, cuộc chiến này là một sai lầm khủng khiếp. Chúng ta nghĩ con đã đúng, còn cha mẹ đã sai. Chúng ta muốn con trở về nhà”. Đó là khoảnh khắc mà cả đời này tôi không bao giờ quên. Tôi vô cùng biết ơn vì đã có được sự hòa giải với cha mẹ trước khi họ qua đời.

PV: Liệu ông có thấy mình giống nhân vật Ron Kovic trong bộ phim mang tên “Sinh ngày 4 tháng 7” của đạo diễn Oliver Stone, kể về một cựu binh trở về sau chiến tranh và tham gia phong trào phản chiến?

Ông Chuck Searcy (cười): Ron Kovic và tôi có một điểm chung là cả hai đều tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam sau khi xuất ngũ. Tuy nhiên, trải nghiệm của chúng tôi ở Việt Nam lại rất khác biệt. Kovic chiến đấu trực tiếp trên chiến trường, hằng ngày tham gia những trận giao tranh khốc liệt. Còn tôi lại phục vụ trong một đơn vị tình báo với công việc chủ yếu liên quan đến phân tích bản đồ và báo cáo ở một tòa nhà văn phòng tại Sài Gòn, nơi an toàn hơn nhiều. Dù chúng tôi có những hoàn cảnh và trải nghiệm khác nhau, nhưng cả hai đều đi đến cùng một kết luận: cuộc chiến này là một sai lầm lớn.

Ông Chuck Searcy trò chuyện với phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Ông Chuck Searcy trò chuyện với phóng viên Chuyên đề ANTG Giữa tháng - Cuối tháng.

Ở Việt Nam, tôi tìm được sự bình yên và thanh thản

PV: Sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, ông có từng nghĩ đến việc quay trở lại Việt Nam?

Ông Chuck Searcy: Thực ra, vào thời điểm đó, tôi đã nghĩ đến khả năng quay lại Việt Nam. Nhưng, thành thật mà nói, tôi không nghĩ điều đó sẽ thành hiện thực. Nó giống như một giấc mơ xa vời. Mãi đến năm 1992, tôi mới có cơ hội trở lại Việt Nam cùng một người bạn trong quân đội. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất, tôi cảm thấy lo lắng và hoảng loạn. Tôi sợ rằng, với những gì đã xảy ra trong chiến tranh, người Việt Nam sẽ ghét chúng tôi. Nhưng, bất ngờ thay, chỉ sau một giờ trên đường phố, tôi nhận ra rằng không hề có sự thù hận nào đối với chúng tôi - những cựu binh Mỹ. Thay vào đó, chúng tôi được người dân Việt Nam đón tiếp nồng hậu và thân thiện.

PV: Chính trong chuyến trở lại đó, ông đã ghé qua Khe Sanh, Quảng Trị?

Ông Chuck Searcy: Quả thật, chuyến đi khiến tôi nhớ mãi. Khi đó, tôi đã rất sốc và hoảng sợ vì chứng kiến một cậu bé Việt Nam, khoảng 8 tuổi, đang dùng chân trần đẩy một quả đạn pháo nằm dưới mương nước. Tôi đã hét lên: "Dừng lại!" và cậu bé vội vàng rút chân, tránh xa quả đạn pháo. Tôi hiểu ngay rằng, dù chiến tranh đã qua nhưng trên khắp Việt Nam vẫn còn hàng ngàn quả đạn pháo như thế, chỉ chờ đợi một đứa trẻ vô tình chạm phải và kích nổ. Chính khoảnh khắc đó đã khiến tôi nhận ra mình cần phải làm gì đó để giải quyết vấn đề này và phải hành động ngay lập tức.

PV: Đó là lý do Dự án xử lý vật liệu nổ sau chiến tranh - RENEW ra đời, thưa ông?

Ông Chuck Searcy: Năm 2001, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức cuộc họp với đại diện các tổ chức phi chính phủ để bàn về kế hoạch tập trung mọi nguồn lực giúp Quảng Trị trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam an toàn khỏi các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Sau cuộc họp đó, tháng 8/2001, tôi và ông Hoàng Nam, hiện là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đã khởi xướng việc thành lập Dự án RENEW. Sau đó, dự án được tài trợ và đưa vào thực hiện bởi Quỹ Tưởng niệm cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVMF), tổ chức phi lợi nhuận được Quốc hội Mỹ ủy quyền xây dựng và duy trì Đài tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam ở Washington D.C.
Kể từ đó, UBND tỉnh Quảng Trị cùng các cơ quan quản lý ở cấp huyện, xã cùng các đối tác khác, đã hợp tác chặt chẽ trong Dự án RENEW.

Chúng tôi đã làm việc rất hiệu quả, chia sẻ thông tin và ý tưởng, phối hợp với các tổ chức liên quan, góp phần quan trọng vào nỗ lực giảm thiểu số người chết và bị thương do bom chùm cũng như các vật liệu chưa nổ khác còn sót lại sau chiến tranh. Chúng tôi đã làm việc với nhau trong sự tin tưởng và tôn trọng, luôn hướng đến mục tiêu bảo vệ tỉnh Quảng Trị khỏi nguy cơ bom, mìn. Sau đó, nỗ lực này được mở rộng để chúng tôi cùng nhau giải quyết một vấn đề khác của chiến tranh: chất độc da cam/dioxin.

Ông Chuck Searcy bên xác đạn pháo, đạn chùm... đã được tháo gỡ ở Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

Ông Chuck Searcy bên xác đạn pháo, đạn chùm... đã được tháo gỡ ở Quảng Trị. Ảnh: NVCC.

PV: Đến nay, Dự án RENEW đã giúp tháo gỡ và vô hiệu hóa hàng trăm ngàn quả bom, mìn còn sót lại tại Quảng Trị. Theo ông, điều gì làm nên thành công của dự án?

Ông Chuck Searcy: RENEW nhấn mạnh vào mục tiêu “làm cho Việt Nam an toàn” trước mối đe dọa của bom, mìn, nên thành công của dự án phụ thuộc vào sự ủng hộ và tham gia chặt chẽ của toàn thể cộng đồng cư dân trên địa bàn. Người dân đã hiểu được mối nguy hiểm cũng như biết cách bảo vệ bản thân, gia đình và hàng xóm của mình trước hiểm họa này. Họ cũng biết cách báo động cho các đội xử lý vật liệu nổ đến ngay khi tìm thấy bom, mìn để xử lý an toàn. Vì vậy, giáo dục rủi ro - giáo dục nhận thức và an toàn trong trường học, trong cộng đồng là một phần thiết yếu của dự án.

Một trong những nhân viên chủ chốt của chúng tôi trong chương trình giáo dục rủi ro này là Hồ Văn Lai. Khi còn trẻ, trong lúc chơi đùa trên bãi biển Cửa Việt, Lai và 2 anh em họ đã vô tình kích nổ một quả bom chùm. Vụ nổ khủng khiếp ấy khiến Lai mất cả hai chân, một cánh tay, một ngón tay ở bàn tay kia và một mắt. Nhưng, Lai đã không để bất hạnh khủng khiếp đó của bản thân ngăn cản anh giúp đỡ người khác.

Hiện tại, với tư cách là một nhân viên của RENEW, hằng ngày, Lai tới trường và dùng câu chuyện về tai nạn khủng khiếp trong quá khứ của mình để giảng giải cho các học sinh về việc tại sao phải tránh xa những vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Học sinh lắng nghe, về nhà và kể lại với cha mẹ. Bằng cách đó, Lai đã và đang bảo vệ cộng đồng khỏi nguy cơ thương vong vì bom, mìn.

Kết quả là năm 2001, thời điểm dự án giáo dục rủi ro này bắt đầu, mỗi năm có khoảng 70 người dân Quảng Trị thiệt mạng hoặc bị thương do bom, mìn, vật liệu nổ. Nhưng, nay con số này đã giảm đáng kể. Trong 6 năm qua, chỉ có 3 vụ tai nạn bom, mìn ở Quảng Trị. Đó là điều mà Hồ Văn Lai và toàn thể nhân viên RENEW có thể tự hào.

PV: Ông đã sống và làm việc tại Việt Nam trong nhiều năm. Ngoài công việc tại Dự án RENEW và tổ chức VFP 160, điều gì trong cuộc sống, con người hay văn hóa nơi đây đã khiến ông gắn bó đến vậy?

Ông Chuck Searcy: Điều khiến tôi ở lại Việt Nam không phải là những khoảnh khắc đặc biệt, mà là từ chính cuộc sống thường nhật, từ những người bạn, hàng xóm Việt Nam, các đồng nghiệp của tôi tại RENEW và những cựu binh Mỹ đang hoạt động cùng tổ chức VFP 160. Những mối quan hệ này đã gắn bó với tôi suốt nhiều năm và chính chúng đã giữ tôi ở lại nơi đây.

Tôi học được rất nhiều điều từ người dân Việt Nam và vẫn đang tiếp tục học (cười...). Trong văn hóa và xã hội Việt Nam, tôi cảm nhận được một sự trung thực và tôn trọng mà tôi khó tìm thấy ở nơi nào khác. Tôi thực sự trân quý điều đó. Ở Việt Nam, tôi tìm được sự bình yên và thanh thản. Tôi biết ơn vì người dân nơi đây đã đón nhận tôi như một người bạn thân thiết.

Dĩ nhiên, Việt Nam còn thách thức như: vấn đề môi trường, chất lượng thực phẩm, y tế, giáo dục... Tuy vậy, tôi tin tưởng vào người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, những người đang mang trong mình khát vọng sáng tạo và đổi mới. Họ chính là hy vọng cho một tương lai tốt đẹp hơn, nơi cuộc sống sẽ an toàn, khỏe mạnh và đáng sống hơn cho tất cả mọi người.

PV: Nhìn lại hành trình từ một người lính tham chiến đến hơn 2 thập niên gắn bó với công tác khắc phục hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, ông tâm đắc nhất điều gì?

Ông Chuck Searcy: Điều khiến tôi tự hào nhất chính là sự chào đón đầy bao dung mà người dân Việt Nam đã dành cho chúng tôi - những cựu binh Mỹ, từng là kẻ thù trong chiến tranh. Tôi cảm nhận được điều đó ở khắp mọi nơi: từ những dinh thự sang trọng ở Hà Nội đến những ngôi nhà mộc mạc nơi làng quê hẻo lánh hay ven những bãi biển cát trắng trải dài. Rất nhiều người Việt Nam đã mời tôi vào nhà, sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì họ có với sự chân thành, ấm áp và vô tư đến khó tin.

Người Việt Nam đã làm việc cùng chúng tôi như những người bạn, sẵn sàng tha thứ cho những lỗi lầm đau thương trong quá khứ và cùng nhau hướng về tương lai. Họ giúp chúng tôi học hỏi từ sai lầm và chung tay xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho các thế hệ tiếp theo. Họ nhẹ nhàng sửa chữa những điều mà chúng tôi từng làm sai và thậm chí còn rộng lượng cảm ơn khi thấy chúng tôi đang nỗ lực hết mình để đền đáp. Chính người Việt Nam đã dạy tôi những bài học giản dị nhưng sâu sắc về sự tôn trọng, lòng tử tế và cách sống chan hòa với những giá trị khác biệt.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện thú vị này!

Chuck Searcy sinh năm 1944, tại Anniston, bang Alabama, Mỹ. Ông gia nhập quân đội Mỹ năm 1966 và được đào tạo để trở thành nhà phân tích tình báo, phục vụ trong Tiểu đoàn Tình báo quân đội 519 tại Sài Gòn từ tháng 6/1967 đến tháng 6/1968.

Chuck Searcy tốt nghiệp Đại học Georgia với bằng cử nhân Khoa học Chính trị. Ông đồng sáng lập và quản lý một tờ báo hằng tuần - Athens (Georgia) Observer và trong 12 năm là biên tập viên kiêm nhà sản xuất. Năm 1979 và 1980, ông là Phó Quản trị viên về truyền thông công cộng cho Cơ quan Quản lý doanh nghiệp nhỏ của Mỹ và từ năm 1986-1989 là Thư ký Báo chí cho Thượng nghị sĩ Mỹ Wyche Fowler của bang Georgia. Từ năm 1989-1994, ông là Giám đốc điều hành của Hiệp hội Luật sư biện hộ Georgia, một tổ chức chuyên nghiệp gồm khoảng 3.000 thành viên.

Từ năm 1995, ông Chuck Searcy là đại diện cho 3 tổ chức cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam, bao gồm: Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF), Quỹ Tưởng niệm cựu chiến binh Việt Nam (VVMF) và tổ chức Cựu chiến binh vì Hòa bình (VFP). Ông hiện là Chủ tịch VFP 160.

Tại Hà Nội, ông Chuck Searcy từng là thành viên Ban điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam trong 8 nhiệm kỳ. Ông cũng là một thành viên tích cực của Trung tâm Nguồn lực các tổ chức phi chính phủ - nơi ông đồng sáng lập Nhóm Công tác về bom mìn và từng là đồng Chủ tịch của Nhóm Công tác về chất độc da cam/dioxin.

Năm 2001, ông tham gia thành lập Dự án RENEW với mục tiêu rà phá bom, mìn còn sót lại tại Quảng Trị. Trong hơn 2 thập kỷ hoạt động của Dự án RENEW, 815.000 quả bom các loại đã được kích nổ hoặc vô hiệu hóa... Năm 2003, ông Chuck Searcy được Chính phủ Việt Nam trao tặng Huân chương Hữu nghị. Tháng 3/2024, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper cũng đã trao cho ông lá thư cảm ơn từ Tổng thống Joe Biden về những đóng góp không ngừng nghỉ để khắc phục hậu quả chiến tranh.

Sông Thương - Minh Thư

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/tro-chuyen-cuoi-thang/cuu-chien-binh-my-chuck-searcy-toi-tu-hao-vi-duoc-nguoi-viet-nam-don-nhan-i768025/
Zalo