Cựu chiến binh Đỗ Xuân Hưng tâm huyết, nghĩa tình với nông dân

Gần 20 năm sản xuất phân bón trung vi lượng khoáng thiên nhiên, đăng ký độc quyền toàn quốc, Cựu chiến binh (CCB) Đỗ Xuân Hưng, 63 tuổi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Lâm Đồng (Hội CCB huyện Đức Trọng) đã có nhiều đóng góp hữu ích cho nhà nông.

Sử dụng sản phẩm phân bón này, chất lượng canh tác cây trồng của bà con nông dân ở các tỉnh Nam Bộ tăng lên rõ rệt, thiết thực nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Cuối năm 2024, cùng CCB Đỗ Xuân Hưng đi khảo sát thực tế cây trồng ở nhiều tỉnh, thành phố Nam Bộ, chúng tôi ghi nhận tình cảm và sự tin tưởng của bà con nông dân các địa phương, nơi sản phẩm phân bón trung vi lượng khoáng thiên nhiên của Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Lâm Đồng đang được sử dụng.

Cựu chiến binh Đỗ Xuân Hưng (đứng giữa) khảo sát chất lượng lúa tại xã Phú Thành A, Tam Nông (Đồng Tháp).

Cựu chiến binh Đỗ Xuân Hưng (đứng giữa) khảo sát chất lượng lúa tại xã Phú Thành A, Tam Nông (Đồng Tháp).

Ông Đặng Văn Tường (Tám Tường), ngụ tại ấp Long Thành, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông (Đồng Tháp), phấn khởi khoe: “Vụ này nhà tôi cấy 13 công lúa (mỗi công là 1.000m2), thì có 4 công sử dụng phân bón trung vi lượng. Ngay từ khi lúa còn “con gái”, đã tốt hơn hẳn so với sử dụng phân bón thông thường; cây cứng hơn, lá dày, ít sâu bệnh; khi trổ bông lớn hơn, nhiều hạt hơn. Đặc biệt, kết quả thu hoạch năng suất cao gần gấp rưỡi so với dùng các loại phân bón khác, nên vụ này gia đình tôi thu lợi nhuận khá cao. Từ vụ sau, tôi quyết định chuyển sang dùng phân bón trung vi lượng cho toàn bộ diện tích lúa của gia đình”.

Còn tại thị trấn Cô Tô, huyện Tri Tôn (An Giang), gia đình ông Trương Minh Chiến có 1 công lúa sử dụng phân bón trung vi lượng theo công thức sản xuất của Chủ tịch Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Lâm Đồng Đỗ Xuân Hưng. Năng suất thu hoạch tăng 20% so với trước. Điều quan trọng là, cây lúa ít bị sâu bệnh, thân chắc, không bị đổ rạp khi gặp mưa, gió. Với chất miền Tây mộc mạc, ông Chiến chỉ cười, bảo: “Dùng phân bón trung vi lượng “êm” lắm! Được mùa hơn”.

Không chỉ hiệu quả với cây lúa, mà các loại nông sản khác, như: Dưa leo, cà chua, sầu riêng, xoài, bí xanh, đậu đũa… cũng phát triển tốt, cho năng suất cao. Điển hình như anh Nguyễn Thanh Tâm (Ba Quý), ngụ tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), có 1,2 công trồng dưa leo.

Trước đây, chỉ thu hoạch được chừng 2 tấn là cây đã tàn. Nay, nhờ sử dụng phân bón trung vi lượng kết hợp thuốc đặc trị dày phấn trắng, nên thu hoạch được hơn 6 tấn/công. Anh Tâm dự định mở rộng diện tích cây trồng lên hơn 4 công, sử dụng phân bón trung vi lượng trong mùa tới.

CCB Đỗ Xuân Hưng (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm phân bón với nông dân tỉnh Kiên Giang.

CCB Đỗ Xuân Hưng (thứ 2 từ trái sang) giới thiệu sản phẩm phân bón với nông dân tỉnh Kiên Giang.

Ngay tại địa bàn tỉnh Lâm Đồng, nhiều hộ nông dân trồng cà phê, mít, sầu riêng… cũng tin dùng phân bón trung vi lượng.

Anh Nguyễn Văn Thế, ngụ tại thôn 2, xã Mê Linh (huyện Lâm Hà) bày tỏ: “Mấy năm nay, tôi sử dụng phân bón trung vi lượng khoáng thiên nhiên do nhà máy của CCB Đỗ Xuân Hưng sản xuất, thì thấy vườn cà phê phát triển cành, nhánh rất tốt; chồi búp lên đều, ra hoa nhiều, nở đồng loạt; quả to, căng và chắc hơn nên lợi nhuận cũng cao hơn. Trong khi đó, giá phân bón này cũng chỉ tương đương với các loại phân khác mua tại đại lý. Chúng tôi rất tin tưởng ở sản phẩm phân bón cao cấp của anh Hưng”…

Nhà máy sản xuất phân bón trung vi lượng khoáng thiên nhiên là tâm huyết của CCB Đỗ Xuân Hưng, do ông xây dựng và trực tiếp quản lý, điều hành.

Nhà máy có quy trình sản xuất khá hiện đại, chuyên cung cấp phân bón cao cấp phục vụ trồng trọt theo từng giai đoạn tăng trưởng của cây. Nhà máy cũng là tiền đề ra đời Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Lâm Đồng. CCB Đỗ Xuân Hưng chia sẻ: “Tôi thành lập nhà máy với mục đích ban đầu là giúp đỡ hội viên, thân nhân hội viên có việc làm và thu nhập để trang trải cuộc sống. Dần dần, nhà máy phát triển mạnh lên, lượng phân bón sản xuất cũng nhiều hơn, nên tôi mở thêm các chi nhánh ở nhiều tỉnh, thành phố, nhằm giúp đỡ nông dân phát triển cây trồng, nâng cao thu nhập và làm giàu từ nông sản”.

Quy mô sản xuất của nhà máy ngày càng mở rộng. Từ đây, vấn đề liên kết giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, nông dân được thực hiện, nâng tầm, góp phần gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm nông sản địa phương. Mô hình hợp tác xã cũng đã phát huy hiệu quả trong việc thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao chất lượng sản xuất, đặc biệt là đẩy mạnh liên doanh, liên kết, đảm bảo đầu ra ổn định, tăng doanh thu và tạo việc làm cho nông dân, lao động, con em của hội viên CCB và cựu quân nhân khi hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương.

CCB Đỗ Xuân Hưng (bên trái) cùng chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân quận Bình Thủy (Cần Thơ).

CCB Đỗ Xuân Hưng (bên trái) cùng chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân quận Bình Thủy (Cần Thơ).

Để sản xuất hiệu quả và tạo được uy tín với nhà nông, CCB Đỗ Xuân Hưng chủ động tìm tòi, ứng dụng công nghệ hiện đại, kết hợp với chuyên gia kỹ thuật bám sát thực tế cây trồng, để đưa ra công thức phân bón thích hợp, vừa bảo đảm chất lượng, vừa ổn định giá thành và sản xuất theo đơn đặt hàng của các địa phương.

Hiện nay, nhà máy có đội ngũ cán bộ kỹ thuật trình độ cao, hầu hết là kỹ sư, có cả thạc sĩ, tiến sĩ giỏi chuyên môn, nhiệt tình, trách nhiệm, yêu nghề và đặc biệt là tâm huyết với “tam nông”. Tiến sĩ Vũ Khang, ngụ tại TP Cần Thơ, nguyên cán bộ Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, chia sẻ: “Nhiều năm hợp tác với CCB Đỗ Xuân Hưng, tôi cảm nhận được tấm lòng của anh đối với bà con nông dân. Anh luôn trăn trở cải tiến công thức phân bón mang lại hiệu quả tốt nhất cho cây trồng, nhằm tạo ra lợi nhuận cao nhất cho nông dân. Phân bón trung vi lượng khoáng thiên nhiên do nhà máy của anh sản xuất đạt chất lượng tốt, với nhiều ưu thế vượt trội, như: Thành phần hữu cơ, khả năng cải tạo chất đất, phục hồi độ PH, giảm nhiễm phèn, nhiễm mặn, cung cấp dinh dưỡng và giúp cây trồng chống chịu sâu bệnh… Chính nhờ những ưu điểm này mà phân bón trung vi lượng khoáng thiên nhiên của anh được nông dân đón nhận, giúp nhà nông tự tin làm giàu trên chính thửa ruộng của mình”.

Hoạt động của nhà máy sản xuất phân bón trung vi lượng đã giải quyết việc làm cho khoảng 40 lao động, phần lớn là con em CCB và gia đình nông dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn, với mức thu nhập trung bình gần 8 triệu đồng/người/tháng. Mỗi năm, nhà máy sản xuất hơn 1.000 tấn phân bón. Lượng phân bón sản xuất ra, ngoài cung cấp theo đơn đặt hàng, CCB Đỗ Xuân Hưng dành một phần để giúp đỡ hội viên, cung cấp cho các hộ nông dân nghèo ở nhiều tỉnh lân cận.

Để bà con nông dân nắm chắc kỹ thuật sử dụng phân bón trung vi lượng, CCB Đỗ Xuân Hưng trực tiếp tư vấn, hướng dẫn cách sử dụng phân bón sao cho đạt hiệu quả cao nhất; cung cấp miễn phí một lượng phân bón để bà con dùng thử trước khi quyết định chuyển hẳn sang sử dụng phân bón trung vi lượng.

Những năm gần đây, ông còn phối hợp với chuyên gia nông nghiệp nghiên cứu phát triển một số loại thuốc xử lý hạt giống, ngăn chặn mầm bệnh và chống nhiễm phèn… Các sản phẩm này được ưu tiên hỗ trợ nông dân, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng các sản phẩm hữu ích phục vụ trồng trọt.

Hiện tại, ông Hưng đang có kế hoạch liên kết với một số nhà máy xay xát để tiêu thụ sản phẩm đầu ra cho nông dân Đồng bằng sông Cửu Long… Theo Tiến sĩ Vũ Khang, nông dân luôn là đối tượng cần chăm lo, giúp đỡ. Sự phối hợp giữa Tiến sĩ Vũ Khang và CCB Đỗ Xuân Hưng là “duyên tiền định”, khi cả hai đều có chung mục tiêu hỗ trợ nhà nông vơi bớt khó khăn, yên tâm sản xuất, vươn lên làm giàu chính đáng.

 CCB Đỗ Xuân Hưng (thứ 2, bên trái) trao quà tặng hộ nông dân nghèo xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

CCB Đỗ Xuân Hưng (thứ 2, bên trái) trao quà tặng hộ nông dân nghèo xã N’Thol Hạ, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).

Một phẩm chất của CCB Đỗ Xuân Hưng mà theo ông nói là được thừa hưởng từ đặc trưng Bộ đội Cụ Hồ, đó là nghĩa tình đối với đồng đội và người nghèo.

Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Lâm Đồng, ông thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, chia sẻ phương pháp chăn nuôi, gieo trồng, chăm sóc nông sản theo tiêu chuẩn VietGAP và hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, cây giống, con giống, kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã giúp các hội viên nông dân ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập.

Trong các buổi tọa đàm, ông luôn kết hợp tặng quà hội viên nghèo, gồm: Quần, áo, chăn, màn, gạo, phân bón và nhiều sản phẩm khác. Ông còn động viên, khích lệ các gia đình hội viên CCB mạnh dạn chuyển đổi cung cách làm ăn, thể hiện bản lĩnh Bộ đội Cụ Hồ không chịu lùi bước trên mặt trận kinh tế. Đến nay, đã có hàng trăm hộ CCB tại Lâm Đồng và các tỉnh lân cận được CCB Đỗ Xuân Hưng giúp đỡ giống, vốn, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật và chia sẻ mô hình làm kinh tế vươn lên thoát nghèo…

Đồng chí Nguyễn Thành Đô, Phó chủ tịch Hội CCB huyện Đức Trọng khẳng định: “Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Lâm Đồng, CCB Đỗ Xuân Hưng đã hỗ trợ rất nhiều cho đồng đội và hộ nông dân nghèo vươn lên ổn định cuộc sống. Đồng chí đã dành nhiều công sức, trí tuệ, tâm huyết phát triển mạnh mẽ thương hiệu phân bón trung vi lượng khoáng thiên nhiên, giúp đỡ nhà nông ở nhiều tỉnh Nam Bộ tự tin canh tác, nâng cao thu nhập, được đồng đội, chính quyền địa phương và bà con nông dân tin yêu, quý mến. Việc làm và nghĩa cử của CCB Đỗ Xuân Hưng góp phần tỏa sáng phẩm chất cao quý Bộ đội Cụ Hồ”.

Bài và ảnh: CHÂU GIANG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-16/cuu-chien-binh-do-xuan-hung-tam-huyet-nghia-tinh-voi-nong-dan-810982
Zalo