Cựu cán bộ hải quan bị cáo buộc tiếp tay cho 'cán bộ chống buôn lậu đi buôn lậu'
Cựu cán bộ hải quan đã tiếp tay cho cựu cán bộ của đội chống buôn lậu để hoạt động nhập lậu hàng hóa, máy móc thiết bị cũ diễn ra trót lọt.
Ngày 13-5, TAND TP.HCM mở phiên xét xử sơ thẩm bị cáo Vũ Xuân Đồng (cựu công chức hải quan - Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực I, TP.HCM) và 4 bị cáo về tội buôn lậu.
Dự kiến, phiên tòa sẽ diễn ra trong hai ngày 13 và 14-5. Tuy nhiên, tại phần làm thủ tục, nhiều luật sư bào chữa cho các bị cáo vắng mặt. HĐXX đã chấp nhận lời đề nghị của đại diện VKS, dời phiên xét xử lại vào sáng mai (14-5).

Các bị cáo trong phiên xét xử sơ thẩm. Ảnh: SONG MAI
Theo cáo trạng, từ tháng 9-2019 đến ngày 24-5-2021, Hoàng Duy Tiến (cựu cán bộ Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP.HCM) đã móc nối với một số chủ cơ sở kinh doanh máy móc, thiết bị cũ - chủ hàng để nhập lậu máy móc, thiết bị cũ tại Nhật Bản, Trung Quốc vào Việt Nam để mua bán, hưởng lợi bất chính.
Hoàng Duy Tiến đã thành lập và sử dụng tư cách của 45/47 công ty để mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu 1.287 container hàng với tổng trị giá hơn 217 tỉ đồng rồi bán cho nhiều chủ hàng để kiếm lời. Quá trình làm thủ tục nhập lậu, các hóa đơn, chứng từ, chứng thư... đều được Tiến và đồng phạm lập khống.
Xét xử sơ thẩm ngày 18-4, TAND TP.HCM tuyên án phạt bị cáo Hoàng Duy Tiến 12 năm tù, 24 đồng phạm 5-11 năm tù cùng về tội buôn lậu.
Ngoài hành vi của Tiến và đồng phạm đã bị đưa ra xét xử, Cơ quan CQĐT Công an TP.HCM tiếp tục điều tra, xác định hành vi phạm tội liên quan đến việc nhập lậu hàng hóa máy móc thiết bị cũ của những chủ hàng khác và cán bộ hải quan có liên quan.
Cụ thể, Vũ Xuân Đồng là cán bộ hải quan, công tác tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn Khu vực I, TP.HCM.
Từ tháng 6-2019 đến 8-2020, Đồng làm việc tại bộ phận kiểm hóa Đội thủ tục hàng hóa nhập khẩu, sau đó chuyển đến công tác tại Đội Tổng hợp và từ 4-2021 đến tháng 6-2021, Đồng trở lại làm việc tại bộ phận kiểm hóa.
Tháng 8-2019, Tiến nhờ Đồng giúp sức để nhập khẩu trót lọt số lượng đặc biệt lớn hàng hóa máy móc thiết bị cũ.
Tiến trực tiếp làm hoặc chỉ đạo Phạm Minh Tuấn (nhân viên của Tiến) liên hệ với Đồng để được giải quyết cho các container hàng hóa máy móc thiết bị cũ Tiến nhập về Việt Nam từ lúc làm thủ tục mở tờ khai nhập khẩu cho đến khi thông quan, ra cảng.
Khi hàng đã về cảng, Tiến hoặc Tuấn sẽ nhắn tin báo cho Đồng biết để Đồng quyết định và nhắn cho Tiến thời gian đăng ký mở tờ khai hải quan nhập khẩu.
Điều kiện nhập khẩu mặt hàng này là tuổi thiết bị và phải nhập về để sản xuất nên Tiến phải thành lập nhiều công ty và báo cho Đồng biết. Để tránh việc buôn lậu bị phát hiện và kiểm tra, thanh tra, Đồng nhắn tin yêu cầu Tiến thuê xưởng sản xuất cho các công ty, thay đổi các công ty đứng tư cách pháp nhân nhập khẩu, thay đổi tên người đại diện công ty.
Tiến khai, các container hàng khi khai báo hải quan đều bị chỉnh sửa năm sản xuất so với thực tế. Tiến đã đưa tiền cho Đồng theo từng container để Đồng hỗ trợ trong quá trình kiểm tra thực tế hàng hóa, bất kể container đó có do Đồng trực tiếp phụ trách kiểm hóa hay không.
Ngoài ra, nếu container hàng của Tiến bị phát hiện sai phạm như chứa hàng cấm hoặc hàng hóa vượt số lượng khai báo, Đồng sẽ thông báo cho Tiến biết để đưa thêm tiền cho Đồng giải quyết giúp các container này được thông quan.

Bị cáo Hoàng Duy Tiến tại phiên xét xử sơ thẩm hồi tháng 4-2025. Ảnh: SONG MAI
Kết quả xác minh, trong tổng số 1.280 container máy móc, thiết bị cũ nhập lậu về Việt Nam, Đồng được phân công kiểm hóa 698 container hàng với giá trị hơn 118 tỉ đồng.
Tại CQĐT, Đồng thừa nhận có quan hệ quen biết với Tiến. Đồng đã đồng ý giúp Tiến kiểm hóa nhanh chóng, tránh chi phí lưu container hàng trong cảng... Hành vi của Đồng đã vô tình giúp sức cho Tiến trong việc nhập lậu hàng hóa. Đồng không nhận tiền hay lợi ích vật chất từ Tiến.
Cũng theo cáo trạng, đối với 4 bị cáo chủ hàng, đã thỏa thuận với Tiến để nhập lậu container hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ từ nước ngoài về Việt Nam, với tổng giá trị hàng hóa 1-3,1 tỉ đồng.