Cường quốc trong tương lai

Đến năm 2048, Việt Nam sẽ nằm trong top 20 của thế giới về quy mô kinh tế. Dự báo này được học giả Hamada Kazuyuki đưa ra bằng tri thức, vốn hiểu biết dày dặn của mình. Tại sao chính trị gia người Nhật lại có dự đoán như vậy? Con đường trở thành cường quốc trong tương lai có điều gì cần lưu ý? Những thông tin ấy đã dẫn lối tôi tìm đến cuốn sách: 'Cường quốc trong tương lai - Vẽ lại bản đồ thế giới năm 2030'.

Theo tác giả, 5 trụ cột chính để chống đỡ một cường quốc trong tương lai đó là: đạt mức độ hài lòng của cư dân đang sinh sống tại đó; khoan dung với tính đa dạng, các công nghệ và ý tưởng mới dễ dàng ra đời và phát triển; có thể tiếp nhận, vận dụng an toàn và sử dụng linh hoạt các công nghệ mới; đưa ra những giá trị quan trọng mang tính phổ biến để nhiều người trên thế giới muốn trở thành công dân nước đó; có nguồn tài nguyên để trở nên giàu có (không chỉ các nguồn tài nguyên dưới lòng đất mà còn có tài nguyên về nhân lực, tài nguyên du lịch).

Chỉ ra 7 quốc gia và vùng lãnh thổ có thể là cường quốc trong tương lai, trong đó đáng chú ý tác giả nhắc tới Việt Nam như một điển hình của tinh thần biến đau thương thành sức mạnh, có sự tăng trưởng kinh tế và các ngành dịch vụ mới. Là quốc gia có chiến lược nhắm đến vị trí cao của thế giới bằng lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam có những con người vốn yêu thích những điều mới mẻ, có chiến lược ngoại giao khôn khéo và tinh thần thách thức năng động nên những dự báo của học giả Hamada Kazuyuki đưa ra là hoàn toàn có cơ sở.

Chương 2, tác giả dày công phân tích những lợi thế và thách thức hiện nay với các quốc gia từng được coi là “siêu cường” để đi đến kết luận chú ý: nếu trước kia công dân toàn cầu có thể gọi tên ra một quốc gia như một tượng đài để theo đuổi và mơ ước thì giờ tên gọi ấy đã thay đổi rất nhiều. Hành trình ấy vẫn còn đang tiếp tục, một quốc gia thỏa mãn 5 trụ cột như phân tích ở trên sẽ là điểm đến đáng mơ ước của công dân toàn cầu.

Tác giả cũng gây chú ý khi tìm hiểu các dạng tài nguyên mới, tài nguyên tiềm năng trong tương lai như: băng cháy, bùn chứa đất hiếm. Đồng thời cũng đặt ra những thách thức mới trong công tác quản lý nguồn tài nguyên này.

Ở tầm dự báo mới, tác giả cho rằng: tương lai có lẽ là thời đại của sự chọn lựa tùy cơ ứng biến. Sẽ không còn các siêu cường quốc và năng lực của từng cá nhân sẽ được phát huy tối ưu. Giờ đây chúng ta đang đứng trước cửa ngõ để bước vào thời đại ấy. Mỗi chúng ta hoàn toàn có thể sở hữu một tấm hộ chiếu trong tay để đến các cường quốc trong tương lai.

Ngẫm lại ở phần đầu cuốn sách, khi tìm hiểu về Việt Nam, tác giả cho rằng: ở Việt Nam hiện nay có nhiều điểm đáng lưu ý. Đây là một nước có năng lượng trẻ tràn ngập, có kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Là một nước có những con người có tinh thần vượt lên nghịch cảnh một cách mạnh mẽ, đã tạo thành chuỗi gen trong con người Việt. Điểm mạnh của Việt Nam dưới góc nhìn của học giả người Nhật đó là: tư duy chiến lược luôn thách thức những điều mới mẻ.

Những thông tin của cuốn sách thêm một lần nữa củng cố niềm tin: Thế giới ngày nay vừa khâm phục Việt Nam anh hùng trong chiến tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới; vừa trân trọng Việt Nam đổi mới thành công, đem lại cho quốc gia, dân tộc nhiều bước tiến vượt bậc, trở thành dẫn chứng sinh động cho các quốc gia đang phát triển vươn lên những tầm cao mới.

Trong kỷ nguyên này, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, có lẽ mỗi người trẻ cần mang trong mình tinh thần tiếp tục vượt qua nghịch cảnh, dám đổi mới và dấn thân, luôn thách thức những điều mới mẻ. Có vậy, thì các bạn mới có thể nắm trong tay bản đồ đường hướng của mình, cùng nhau xây đắp nên một cường quốc trong tương lai.

Nguyễn Hường

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/cuong-quoc-nbsp-trong-tuong-lai-33591.htm
Zalo