Cuốn sách hoang dã - tác phẩm của nhà văn Juan Villoro xuất bản tại Việt Nam
Cuốn sách hoang dã của nhà văn nổi tiếng người Mexico Juan Villoro mới được giới thiệu tới bạn đọc Việt Nam. Tác phẩm này đã bán được 1,5 triệu bản tại Mexico, đồng thời được xuất bản ở nhiều quốc gia khác. Nhân dịp này, xin được gửi tới bạn đọc bài phỏng vấn của Đại sứ Mexico tại Việt Nam – ngài Alejandro Negrín với nhà văn Juan Villoro.

“Cuốn sách hoang dã" đã bán được 1,5 triệu bản tại Mexico.
Đại sứ Alejandro Negrín: Ông là một nhà văn rất thành công và đa tài. Ông đã viết tiểu thuyết, phóng sự và cũng từng viết rất nhiều về âm nhạc và bóng đá. Vậy vào giai đoạn nào của sự nghiệp, ông quyết định viết văn học dành cho thanh thiếu niên?
Nhà văn Juan Villoro: Sau khi xuất bản hai tập truyện ngắn đầu tiên vào những năm 80, một nhà xuất bản đã đề nghị tôi viết một câu chuyện dành cho trẻ em. Tôi đón nhận thử thách như một trò chơi và viết cuốn sách “Những viên kẹo bí mật”, tôi nghĩ rằng đó sẽ là lần duy nhất tôi thử sức với thể loại này. Nhưng từ năm 1992, với tiểu thuyết “Giáo sư Zíper và cây đàn guitar điện tuyệt vời” tôi đã bị cuốn hút bởi khả năng viết cho một đối tượng độc giả yêu thích sự tưởng tượng nhưng đồng thời việc này đòi hỏi phải được thực hiện một cách nghiêm ngặt. Không có gì nghiêm túc hơn một đứa trẻ đang chơi đùa, vì mọi trò chơi đều có quy tắc riêng. Qua thời gian, tôi nhận ra rằng mình chưa từng viết cho lứa tuổi nằm giữa trẻ em và người lớn – tức là thanh thiếu niên – và “Cuốn sách hoang dã” đã ra đời để lấp đầy khoảng trống đó.
Đại sứ Alejandro Negrín: Điều gì đã truyền cảm hứng cho ông viết Cuốn sách hoang dã, một tác phẩm rất thành công ở nhiều quốc gia và giờ đây đã được xuất bản tại Việt Nam?
Nhà văn Juan Villoro: Không gì khiến tôi hứng thú hơn những cuộc phiêu lưu qua từng trang sách và mối gắn kết đặc biệt với thế giới của những con chữ. Tôi đã dành cả đời để tìm kiếm, đánh mất, cho mượn và cố gắng tìm lại những cuốn sách. Sống cùng sách khiến tôi cảm thấy chúng dường như có cuộc sống riêng – trong chúng không chỉ chứa đựng giọng nói của tác giả, mà còn bởi dường như chúng tìm đến hay rời xa người đọc như muốn ban thưởng hay trừng phạt họ.
Đôi khi, một cuốn sách mà tôi tìm kiếm trong nhiều năm bất ngờ xuất hiện trước mắt tôi, như thể đến bây giờ tôi mới xứng đáng được đọc nó. Chính mối liên hệ đặc biệt này đã giúp tôi hình dung ra một cuốn sách chưa từng được ai đọc, đang chạy trốn khỏi độc giả, ẩn mình trong một thư viện. Và điều đó đã gieo mầm ý tưởng cho “Cuốn sách hoang dã”.

Nhà văn Juan Villoro
Đại sứ Alejandro Negrín: “Cuốn sách hoang dã” đã được xuất bản tại bao nhiêu quốc gia và được dịch sang bao nhiêu ngôn ngữ?
Nhà văn Juan Villoro: Cuốn sách đã được dịch sang tiếng Đức, Nga, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ả Rập, Ý, Anh, Bồ Đào Nha, và giờ là tiếng Việt. Có thể sắp tới nó sẽ được xuất bản sang tiếng Nhật.
Đại sứ Alejandro Negrín: Nhân vật chính của “Cuốn sách hoang dã” là một cậu bé 13 tuổi. Điều đó có nghĩa đây là một cuốn sách dành cho thanh thiếu niên phải không?
Nhà văn Juan Villoro: Đúng vậy, nhân vật chính 13 tuổi và về cơ bản, đó cũng là độ tuổi của phần lớn độc giả. Đây là giai đoạn mà con người có thể khám phá ra nhiều điều như sự cô đơn, sự xa cách với những người thân yêu, tình yêu hoặc niềm đam mê với sách. Tuy nhiên, tôi cũng có nhiều độc giả lớn tuổi, họ cũng thích câu chuyện này. Tại Tây Ban Nha, cuốn sách được xuất bản trong một bộ sách có tên Ba lứa tuổi, ám chỉ rằng một cuốn sách hay thực sự có thể phù hợp với mọi lứa tuổi.
Đại sứ Alejandro Negrín: Ông nghĩ tại sao “Cuốn sách hoang dã” lại thành công tại nhiều quốc gia và có thể cũng sẽ rất thành công tại Việt Nam?
Nhà văn Juan Villoro: Người đọc kết nối với câu chuyện nơi nhân vật chính tìm kiếm một cuốn sách đang chạy trốn. Nhân vật chính cũng giống như chính độc giả, người cũng đang tìm hiểu xem cuốn sách trên tay họ nói về điều gì. Việc đọc trở thành một cuộc tìm kiếm, và độc giả tham gia vào chính cuộc phiêu lưu của nhân vật.

Đại sứ Alejandro Negrín. ( Ảnh: Báo CAND)
Đại sứ Alejandro Negrín: Chúng tôi được biết rằng có kế hoạch chuyển thể “Cuốn sách hoang” dã thành phim. Dự án đó hiện đang tiến triển đến đâu rồi?
Nhà văn Juan Villoro: Diễn viên Gael García Bernal, một trong những nghệ sĩ nổi tiếng nhất của Mexico, đã đọc cuốn sách khi còn là thiếu niên và không bao giờ quên nó. Sau này, anh ấy cũng trở thành một nhà sản xuất và đạo diễn điện ảnh. Anh ấy đã mua bản quyền cuốn sách và hiện đã hoàn thành kịch bản, dự định sẽ quay phim trong thời gian tới.
Đại sứ Alejandro Negrín: Ông có thể giới thiệu ba cuốn sách yêu thích mà ông muốn khuyên các độc giả trẻ Việt Nam đọc được không?
Nhà văn Juan Villoro: Có vô số cuốn sách đáng đọc, vì vậy tôi xin nêu ba cuốn đã ảnh hưởng lớn đến tôi, đó là "Bắt trẻ đồng xanh" – J.D. Salinger: "Alice ở xứ sở thần tiên" – Lewis Carroll và "Ba chàng lính ngự lâm" của Alexandre Dumas.

Tác phẩm “Cuốn sách hoang dã"
Đại sứ Alejandro Negrín: Tôi nghĩ ông chưa từng đến Việt Nam. Vậy ông hình dung đất nước này như thế nào?
Nhà văn Juan Villoro: Khi tôi còn nhỏ, Việt Nam thường xuất hiện trên những bản tin liên quan đến chiến tranh. Khi đến tuổi thiếu niên, tôi đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ nhân dân Việt Nam. Khoảng ba năm trước, người bạn thân thời thơ ấu của tôi, Pablo Friedmann, đã viết thư cho tôi từ Việt Nam, kể rằng chúng tôi đã đúng khi mơ ước về đất nước này trong thời trẻ, vì thực sự đây là một đất nước tuyệt vời.

Nhà văn Juan Villoro
Đại sứ Alejandro Negrín: Bây giờ khi “Cuốn sách hoang dã” đã được xuất bản tại Việt Nam, ông có tò mò muốn đến thăm đất nước này không? Ông có kế hoạch nào để đến Việt Nam không?
Nhà văn Juan Villoro: Chắc chắn rồi. Tôi yêu thích ẩm thực Việt Nam, đã có cơ hội thưởng thức ở Nhật Bản và Mỹ. Tôi cũng rất thích phong cảnh, truyền thống và con người nơi đây. Hy vọng tôi sẽ có thể biến ước mơ đó thành hiện thực.
Đại sứ Alejandro Negrín: Tôi đã đọc “Cuốn sách hoang dã” trên Kindle và một trong những câu được lưu lại nhiều nhất là: “Một cuốn sách là phương tiện di chuyển tốt nhất: nó đưa bạn đi xa, không gây ô nhiễm, luôn đúng giờ, rẻ và không làm bạn chóng mặt.” Chúng ta đang sống trong một thế giới gần như hoàn toàn kỹ thuật số, nơi giới trẻ chủ yếu đọc trên điện thoại và máy tính bảng. Ông có nghĩ rằng sách in sẽ biến mất không? Ông có nghĩ rằng thế giới kỹ thuật số mang lại nhiều cơ hội phong phú hơn cho việc đọc không?
Nhà văn Juan Villoro: Tôi đồng ý với Umberto Eco khi ông nói rằng cuốn sách đã được phát minh hoàn hảo ngay từ đầu. Nó giống như cái nĩa hay chiếc ghim – không thể cải tiến thêm được nữa. Sách chứa đựng kho tàng văn hóa và kích thích trí tưởng tượng của chúng ta. Ngoài ra, nó còn là một vật tương tác: mỗi cuốn sách thay đổi tùy theo người đọc, bởi vì mỗi người có một cách diễn giải riêng. Trong tiểu thuyết của tôi, tôi nói rằng sách là cửa sổ để nhìn xa và là tấm gương để soi chính mình. Mặc dù có nhiều trò chơi giải trí và hình thức tiêu khiển khác, nhưng chúng ta không thể từ bỏ vật phẩm thiết yếu này.