Cuối năm, siết chặt kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm

Nhằm tăng cường công tác an toàn thực phẩm (ATTP), lực lượng chức năng đã tiến hành nhiều đợt kiểm tra toàn diện, qua đó phát hiện và xử lý hàng loạt vụ vi phạm với số lượng thực phẩm lớn không đảm bảo chất lượng, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hà Nội cho biết, mới đây, Đội QLTT số 1, Cục QLTT TP Hà Nội tiến hành kiểm tra kho hàng của hộ kinh doanh Dương Thị Liên, Lô C53-04 Khu đô thị Dương Nội, quận Hà Đông phát hiện trên 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dán nhãn của các nhãn hàng khác nhau. Trong đó có 18.165 hũ yến chưng dán tem nhãn yến chưng Minh Gia Bảo, 5.670 hũ yến chưng dán tem yến chưng Trí Việt, 69.510 hũ yến chưng chưa dán tem nhãn và hơn 5kg nhãn mác Công ty TNHH Yến Trí Việt.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Dương Thị Liên, chủ lô hàng không xuất trình được tài liệu nào để chứng minh tính hợp pháp của số hàng hóa này. Tương tự, Đội QLTT số 9 đã phối hợp cùng Đội Cảnh sát kinh tế (Công an quận Tây Hồ) kiểm tra một xe tải có biểu hiện nghi vấn. Chiếc xe tải BKS 29Z - 6708 đang dừng đỗ tại ngõ 464 Âu Cơ bị phát hiện chứa 161 túi nylon, trong đó có 1.610kg chân giò lợn chuẩn bị đưa đi tiêu thụ mà không có hóa đơn, chứng từ chứng minh xuất xứ. Toàn bộ số thực phẩm này đã bị lập biên bản và tịch thu để tiêu hủy.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Lực lượng chức năng kiểm tra, tạm giữ hơn 93.000 hũ yến chưng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Không chỉ ở Hà Nội, ở nhiều tỉnh thành, lực lượng chức năng cũng đẩy mạnh quản lý vệ sinh ATTP, để giảm thiểu các hành vi vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, hạn chế tối đa ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là các vụ ngộ độc thực phẩm nhiều người mắc do sử dụng sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn.

Theo ông Đặng Văn Ngọc, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT yêu cầu các hộ kinh doanh ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định như: Tuân thủ đầy đủ các điều kiện bảo đảm ATTP theo quy định về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguyên liệu thực phẩm; có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP; kinh doanh hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, còn hạn sử dụng và tuyệt đối không kinh doanh hàng hóa nhập lậu… Đối với các trường hợp vi phạm, Cục QLTT đã quán triệt, chỉ đạo các đội xử lý nghiêm theo quy định để tạo sức răn đe.

Ông Phạm Văn Hậu, Đội trưởng Đội QLTT số 1, Cục QLTT Lâm Đồng cho biết, ngày 13/10, Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Lâm Đồng phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an tỉnh Lâm Đồng và Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng kiểm tra đột xuất hộ kinh doanh MT có địa chỉ tại phường 8, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện hộ kinh doanh MT kinh doanh 190,52kg thực phẩm đông lạnh bao gói sẵn bao gồm: Cơm lam, ốc nhồi thịt bao gói sẵn không có nhãn hàng hóa, không có hóa đơn, chứng từ, tài liệu kèm theo chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa. Đoàn kiểm tra đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và Đội trưởng Đội QLTT số 1 đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 8.000.000 đồng và buộc tiêu hủy 190,52kg thực phẩm đông lạnh bao gói sẵn không rõ nguồn gốc, xuất xứ có nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường…

Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, hiện tình trạng buôn bán và tiêu thụ các sản phẩm không rõ nguồn gốc đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội. Điều này không chỉ gây lo ngại về sức khỏe cộng đồng mà còn làm giảm niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường thực phẩm trong nước.

Việc lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện bắt giữ một lượng lớn thực phẩm không bảo đảm ATTP đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc kiểm tra và kiểm soát chất lượng thực phẩm, đòi hỏi các cơ quan chức năng cần phải tăng cường các biện pháp giám sát và xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm. Việc bảo đảm ATTP không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng mà còn là yêu cầu bức thiết để bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của người tiêu dùng.

Cục QLTT Hà Nội đã triển khai Kế hoạch số 52/KH-CCATVSTP điều tra, rà soát các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố tại các xã, phường, thị trấn từ ngày 28/10 đến 15/11. Mục tiêu của kế hoạch này nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, bảo đảm ATTP cho người dân Thủ đô.

Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch kiểm tra liên ngành chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên địa bàn TP Hà Nội. Đoàn kiểm tra liên ngành do Cục QLTT TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Công an, Cục Hải quan, Cục Thuế Hà Nội và các Sở: Y tế, NN&PTNT, Thông tin và Truyền thông và Sở Tài chính, sẽ tập trung kiểm tra nhóm hàng hóa thiết yếu, có nhu cầu tiêu thụ cao trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán. Dự kiến Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ được triển khai từ ngày 25/10/2024 đến hết ngày 25/12/2024, tiến hành hoạt động kiểm tra thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã của TP…

Phan Đức

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/cuoi-nam-siet-chat-kiem-tra-an-toan-ve-sinh-thuc-pham--i748487/
Zalo