Có nên bỏ thủ tục công chứng khai nhận di sản thừa kế?

Một số ý kiến cho rằng việc bỏ thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế là không hợp lý và đề nghị giữ nguyên…

Cuối tuần qua, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Một nội dung đáng chú ý, dự thảo luật đã bỏ thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế.

Đề nghị giữ nguyên thủ tục công chứng khai nhận di sản

Nêu ý kiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Long An Phan Thị Mỹ Dung nói đây sẽ là một “bất cập lớn”. Theo bà Dung, Luật Đất đai có sự phân biệt giữa nhận thừa kế và phân chia thừa kế, do đó cần có hai thủ tục để thực hiện nội dung này.

“Quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất là một sản phẩm hàng hóa đặc biệt, người sử dụng đất chỉ được thực hiện giao dịch khi đáp ứng một số điều kiện theo luật định” - bà Dung nói và lưu ý trong quá trình này, người sử dụng đất có thể chết khi chưa được cấp giấy chứng nhận.

 Bà Phan Thị Mỹ Dung đề nghị giữ nguyên thủ tục công chứng khai nhận di sản thừa kế. Ảnh: PHẠM THẮNG

Bà Phan Thị Mỹ Dung đề nghị giữ nguyên thủ tục công chứng khai nhận di sản thừa kế. Ảnh: PHẠM THẮNG

Cũng có thể quyền sử dụng đất bị ghi nợ nghĩa vụ tài chính hoặc cần xác định quyền và nghĩa vụ của người thừa kế di sản khi di sản đang bị tranh chấp, đang sử dụng để đảm bảo nghĩa vụ, đang bị kê biên, đang bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc hết thời hạn sử dụng.

Lúc này, theo bà Dung, cần phải thực hiện thủ tục công chứng khai nhận di sản trước khi người thừa kế thực hiện quyền đối với di sản thừa kế.

“Việc công chứng văn bản khai nhận di sản còn xác định việc nhận thừa kế để xác lập quyền hưởng di sản của người thừa kế trước khi người thừa kế thực hiện các giao dịch khác có liên quan đến di sản thừa kế” - bà Dung cho biết.

Bà Dung cho hay thực tiễn có rất nhiều trường hợp sau khi thực hiện thủ tục công chứng khai nhận di sản, những người thừa kế tự phân chia di sản. Nếu bỏ thủ tục này, nhiều trường hợp những di sản trong quy định Luật Đất đai sẽ không có cơ sở và cơ quan nào để thực hiện.

“Lúc này, người dân sẽ tự khai, tự chịu trách nhiệm về những tuyên bố, lời khai về người thừa kế cho các trường hợp nhận thừa kế. Trong khi hiện nay, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia có liên quan chưa đầy đủ, đồng bộ và ý thức tự giác của người dân chưa được kiểm soát có thể dẫn đến tình trạng bỏ sót thừa kế” - bà Dung nói thêm và đề nghị giữ nguyên thủ tục công chứng khai nhận di sản để góp phần đảm bảo ổn định trật tự xã hội và hạn chế phát sinh về tranh chấp thừa kế.

Nhiều ý kiến về giới hạn công chứng giao dịch về bất động sản

Một nội dung khác được đại biểu quan tâm liên quan đến quy định thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản (BĐS). Theo dự thảo, công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) chỉ được công chứng giao dịch về BĐS trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương nơi TCHNCC đặt trụ sở.

Tại báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng đối tượng giao dịch là BĐS, ngoài việc kiểm tra giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng BĐS, trong trường hợp cần thiết, công chứng viên còn phải kiểm tra, xác minh thực tế BĐS.

Mặt khác, hệ thống cơ sở dữ liệu về công chứng hiện nay chưa hoàn thiện nên chỉ cho phép công chứng hợp đồng giao dịch BĐS trong phạm vi địa hạt tỉnh nơi đặt trụ sở để hạn chế tối đa rủi ro về công chứng.

“Tôi cho rằng lý do này chưa thuyết phục” - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang (đoàn Đắk Nông) nhận xét.

Theo ông Nguyễn Trường Giang, việc quy định công chứng hợp đồng giao dịch bất động sản theo địa hạt chỉ dẫn đến hạn chế quyền tiếp cận của người dân đối với dịch vụ công chứng…

Theo ông Giang, việc xác minh thực tế BĐS trong trường hợp cần thiết không liên quan đến địa hạt cấp tỉnh mà theo năng lực của TCHNCC, công chứng viên. Và nếu xác minh được thì tiến hành công chứng, trường hợp nếu không đủ thông tin, công chứng viên hoàn toàn có quyền từ chối.

“Trên thực tế, khi Ủy ban Pháp luật tiến hành phiên giải trình, chúng tôi đi khảo sát, có những vụ việc ở TCHNCC này từ chối nhưng sang TCHNCC khác, khi có đầy đủ thông tin, người ta hoàn toàn có quyền công chứng đối với hợp đồng giao dịch đó” - phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng quy định trên của dự thảo luật cũng tạo ra sự mâu thuẫn ngay trong nội tại của Điều 41.

Theo đó, đối với công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản văn bản liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với BĐS thì vẫn không theo địa hạt cấp tỉnh. “Vậy đối với các trường hợp này có cần xác minh khi tiến hành công chứng đối với các loại giấy tờ này hay không, có cần tra cứu dữ liệu công chứng hay không, cần phải làm rõ” - theo ông Giang.

Từ phân tích trên, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị không quy định công chứng giao dịch về BĐS theo địa hạt cấp tỉnh. “Việc quy định công chứng hợp đồng giao dịch BĐS theo địa hạt chỉ dẫn đến hạn chế quyền tiếp cận của người dân đối với dịch vụ công chứng” - theo ông Giang.

Giải trình thêm cuối phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho hay đây là quy định kế thừa luật hiện hành và quá trình thảo luận có ý kiến khác nhau. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Bộ Tư pháp, với vai trò cơ quan quản lý nhà nước, đánh giá vấn đề này.

“Cơ quan soạn thảo đề nghị vẫn phải tiếp tục giữ quy định này” - theo ông Tùng.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/co-nen-bo-thu-tuc-cong-chung-khai-nhan-di-san-thua-ke-post817020.html
Zalo